Chương trình hiện đang được nối dài bởi một cộng đồng thành viên xã hội rộng lớn, bao gồm các nhân sỹ trí thức, doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội và cả học sinh (HS), sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Nguyễn Quang Thạch (thứ 2 từ trái sang) và nhóm cộng sự tư vấn xây dựng tủ sách ở các trường học thuộc huyện Hương Sơn.
Sau rất nhiều rong ruổi, một ngày cuối tháng 10/2017, Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn” trở về Hương Sơn, quê hương của mình. Không đơn thuần chỉ là hoạt động tặng sách, tư vấn xây dựng tủ sách, Nguyễn Quang Thạch còn thông qua các cuộc tọa đàm đối thoại để cổ vũ, khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho HS.
“Nếu không được tiếp cận với sách ngay trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, giáo xứ và đặc biệt là từ trong trường học, lớp học, thì làm sao con trẻ biết đến sách, chứ đừng nói đến đam mê đọc sách” - Nguyễn Quang Thạch tâm niệm, anh cũng mong mỏi mỗi HS phải xây dựng thói quen đọc sách như là cơm ăn, áo mặc.
Nguyễn Quang Thạch tặng sách cho người Việt tại Ba Lan
Từ tác động của chương trình sách hóa nông thôn, đến thời điểm hiện tại, đã hình thành được trên 20.000 tủ sách tại 45 tỉnh trong cả nước. Điều này đã giúp cho nửa triệu người dân vùng nông thôn được hưởng lợi từ việc đọc sách, nghe đọc sách và giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Thành công của Nguyễn Quang Thạch luôn có sự hỗ trợ đắc lực từ các thành viên, những người yêu sách ở mỗi miền quê.
Nguyễn Ngọc Phương Linh là một ví dụ. Từng là học sinh trường THPT chuyên Hà Tĩnh, Phương Linh nhiều năm liền là học sinh giỏi tỉnh, là á khoa toàn quốc khối A1 kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Thành tích học tập của Phương Linh trước hết xuất phát từ niềm đam mê đọc sách.
Nguyễn Ngọc Phương Linh tặng sách cho các học sinh miền núi Hương Sơn
Linh tâm sự: “Tham gia chương trình sách hóa nông thôn chính là cách để truyền cảm hứng của mình đến với các thế hệ HS, nhất là HS ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa”. Ngay từ năm học lớp 1, Phương Linh đã có cho riêng mình một tủ sách và em mong muốn các bạn HS hôm nay, nhất là những HS nghèo cũng sẽ bắt đầu hành trang kiến thức với những tủ sách như vậy.
Với sự góp sức của các thành viên như Nguyễn Ngọc Phương Linh, đến nay, chương trình “Sách hóa nông thôn” đã xây dựng được một cộng đồng thành viên xã hội rộng lớn với khoảng 100.000 người.
Từ mô hình khởi xướng ban đầu là tủ sách dòng họ, đến nay, các loại hình như tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh đã trở thành những thư viện dân sự thiết thực, ý nghĩa, thu hút nhiều tầng lớp và nguồn lực xã hội tham gia, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu ở các trường học và trong chính mỗi gia đình.
Nguyễn Quang Thạch nhận giải thưởng Literacy Prize của UNESCO
Năm 2016, chương trình “Sách hóa nông thôn” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng giải thưởng quốc tế Literacy Prize (giải về xóa mù tri thức), được Thư viện Hoa Kỳ tặng giải thưởng về truyền bá tri thức. Trước đó, mô hình tủ sách phụ huynh và tủ sách lớp học cũng đã được Bộ GD&ĐT ra quyết định nhân rộng.
Hành trình mang tri thức đến với cộng đồng của Nguyễn Quang Thạch và các thành viên “Sách hóa nông thôn” đang tiếp tục nối dài với những ước vọng vượt qua ranh giới quốc gia lãnh thổ. Trong lễ trao giải Literacy Prize ở Thủ đô Paris (Pháp), Nguyễn Quang Thạch đã thổ lộ: “Tôi rất vui được dùng 19 năm kinh nghiệm và một phần quỹ từ giải thưởng này để khởi động một hệ thống thư viện chi phí thấp cho toàn dân tại Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, các quốc gia châu Phi…”.
Nguyên Khôi
http://baohatinh.vn/