Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn tham gia tổ thảo luận số 1
Đồng lòng vượt khó
Bám sát hướng dẫn thảo luận, đại biểu đã tập trung đi sâu phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016, làm rõ những những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới; thảo luận và cho ý kiến cụ thể về mục tiêu giải pháp trong báo cáo chung và các tờ trình.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng điều hành thảo luận tổ 3
Nhìn chung, các đại biểu đều nhất trí với báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội và đánh giá cao những kết quả đã đạt được. Đa số đại biểu cho rằng, mặc dù thực hiện nhiệm vụ năm 2016 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân, tình hình KT-XH, QP-AN của tỉnh vẫn đạt những kết quả đáng trân trọng.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Phát huy lợi thế, tỉnh đang xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế theo vùng, miền, đặc biệt là quan tâm phát triển doanh nghiệp, kinh tế biển và du lịch, tạo sự kết nối. Đối với phía Tây, phát huy lợi thế cây ăn quả, kinh tế rừng, phát triển chăn nuôi.
Đại biểu Trịnh Văn Ngọc (Tổ đại biểu huyện Vũ Quang) cho rằng: “Mặc dù có nhiều khó khăn tác động đến nhiều chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2016 nhưng nếu phân tích kỹ, loại trừ những yếu tố giảm khách quan thì vẫn có tốc độ tăng trưởng vẫn tăng 10%. Đây là kết quả của sự nỗ lực, đồng sức đồng lòng vượt qua khó khăn của toàn tỉnh”.
“Phải khẳng định rằng, sự đoàn kết thống nhất đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp Hà Tĩnh vượt qua khó khăn trong năm vừa qua”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Thanh (đại biểu khách mời) phát biểu.
Phân tích cụ thể các giải pháp phát triển 2017
Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, đánh giá đúng thực chất các vấn đề nội tại của nền kinh tế; xác định các mục tiêu nhiệm vụ phù hợp, có tính khả cao thi trong việc tổ chức thực hiện nhằm định hướng nền kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển nhanh, chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và bền vững, trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh Nguyễn Đình Thọ (Tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) bày tỏ băn khoăn với chỉ tiêu tổng sản phẩm (GRDP) năm 2017 tăng 10,6 %.
Theo đại biểu Thọ, khi tổng vốn đầu tư năm 2017 giảm xuống khá lớn so với năm 2016 (từ 42 nghìn tỷ xuống 35 nghìn tỷ) thì việc đưa GRDP tăng 10,6% sẽ càng khó khăn hơn.
“Trong bối cảnh nền kinh tế còn phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh đã có giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là giải pháp đúng đắn trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, cần có định hướng dài hơi hơn, tranh thủ tối đa nguồn nội lực tạo ra tài sản, giá trị từ trong chính người dân, doanh nghiệp trong tỉnh. Cần tạo ra nhiều giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm cũng như đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm. Tập trung vào tăng trưởng xanh, áp dụng KHKT công nghệ cao vào sản xuất” - đại biểu Nguyễn Đình Thọ nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng (Tổ đại biểu TX Kỳ Anh) cũng băn khoăn về giải pháp phát triển KT-XH 2017; trong đó, giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa rõ, chưa cụ thể. Về tái cơ cấu nông nghiệp, theo đại biểu, cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào sản xuất nông nghiệp lúc đó mới phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Cũng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Đặng Quốc Cương (Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên) cho rằng, điểm nhấn là tỉnh xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Theo đó, tỉnh đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách lớn, khá đồng bộ, trở thành động lực cho nông nghiệp phát triển toàn diện, nhất là xây dựng được mối liên doanh, liên kết trong sản xuất, góp phần tăng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Điển hình như: các trại nái, chăn nuôi bò…
Tuy nhiên, mối liên kết vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều, thiếu bền vững; sản phẩm nông nghiệp vẫn bí đầu ra. Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh cần soát xét một cách tổng thể, ưu tiên, bố trí chính sách hợp lý cho tiêu thụ sản phẩm; rà soát lại chính sách cho các dự án chăn nuôi…
Đại biểu Trần Báu Hà (Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) cho rằng, khôi phục du lịch biển sau khi môi trường biển an toàn là lợi thế của Hà Tĩnh và một số nhà đầu tư đã, đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư. Vì vậy, tỉnh và huyện cần tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thận lợi nhất để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án về du lịch ở Lộc Hà, dự án Trung tâm thể thao, giải trí đua chó và sân golf Xuân Thành... sớm đưa vào hoạt động trong mùa du lịch biển năm 2017.
Đại biểu Trần Báu Hà
Đồng quan điểm về phát triển du lịch, đại biểu khách mời Hồ Việt Anh cho rằng, thời gian qua, tỉnh chưa có sự quan tâm, đầu tư xứng tầm cho du lịch. Đặc biệt, du lịch biển Hà Tĩnh có tiềm năng, lợi thế và đây sẽ là một kênh đóng góp quan trọng cho ngân sách, giải quyết việc làm. Vì vậy, cần quan tâm, có cơ chế về hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và các doanh nghiệp trực tiếp làm du lịch.
Đại biểu khách mời Đinh Quốc Thị - Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú cho rằng: Hà Tĩnh có 2 khu kinh tế quan trọng là Khu Kinh tế Vũng Áng và Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu Treo nhưng chúng ta chưa quan tâm đến khu kinh tế phía Tây của tỉnh. Mục tiêu, chỉ tiêu chung khái quát của Đại hội Đảng bộ tỉnh là rất lớn nhưng chúng ta không nên máy móc mà phải căn cứ vào tình hình cụ thể để giao chỉ tiêu, tạo động lực phát triển KT – XH trong năm sau.
Quan tâm lĩnh vực quản lý môi trường
Tại buổi họp chiều nay, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả trên lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp đất trái thẩm quyền và quản lý tài nguyên khoáng sản... Trong đó, vấn đề về môi trường vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu.
Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Thị Gái điều hành thảo luận tổ 2
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề môi trường chăn nuôi tại khu dân cư, khó khăn trong việc xử lý rác thải tại các địa phương do thiếu nhất quán trong thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ…
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Nhật Tân (Tổ đại biểu huyện Thạch Hà) bày tỏ: “Môi trường chăn nuôi là vấn đề nhức nhối. Để xảy ra tình hình này là do tuyên truyền đến ý thức người dân trong xử lý rác thải. Liên quan đến vận chuyển và xử lý rác thải, cần có sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, nhất là ban hành quy định trong chăn nuôi ở khu dân cư…”.
Đại biểu Lê Ngọc Huấn (Tổ đại biểu huyện Hương Khê) đề xuất: “Không nên khuyến khích mở rộng chăn nuôi lợn trong khu dân cư vì thực trạng hạ tầng ở nông thôn chưa đáp ứng; vấn đề xử lý vệ sinh môi trường chưa đảm bảo…”.
Một số ý kiến cho rằng, cần quan tâm xây dựng chính sách đặc thù cho các dịch vụ công ích về môi trường.
Đại biểu Trịnh Văn Ngọc (Tổ đại biểu huyện Vũ Quang) lại cho rằng: “Quản lý tài nguyên môi trường trong khai thác tài nguyên môi trường vật liệu cát, đất hiện đang tồn tại nhiều lỗ hổng, xảy ra nhiều bất cập nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm…”
Chú trọng dạy nghề, hạn chế “chảy máu” nguồn nhân lực
Theo đánh giá của đa số đại biểu, thời gian lĩnh vực đào tạo nghề có những bước phát triển về quy mô, hình thức và chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành thảo luận tổ 1
Tuy vậy, mạng lưới cơ sở dạy nghề chưa tập trung vào những ngành trọng điểm; chưa có các cơ sở đào tạo chất lượng cao; cơ cấu đào tạo chưa thật sự gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế; chưa có chính sách phù hợp để gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; doanh nghiệp chưa tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo nói riêng và quá trình đào tạo nói chung…
Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Đình Thọ đánh giá: “Trong 3 yếu tố đầu vào của tăng trưởng là con người, vốn, đất đai thì lợi thế lớn nhất của Hà Tĩnh là con người. Đây là yếu tố quyết định đến phát triển nhân lực nên phải tìm cách giữ lại người tài của Hà Tĩnh. Đề nghị HĐND tỉnh có chiến lược phát triển giáo dục theo các mô hình mới, đảm bảo được chất lượng dịch vụ tương xứng với đóng góp của xã hội; phát triển giáo dục theo hướng xã hội hóa ở các cấp học phổ thông”.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y tham gia ý kiến tại tổ 2
Đại biểu khách mời Hồ Việt Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VH-TT&DL, cho biết: Theo chủ trương, đầu năm 2017, khối các trường cao đẳng sẽ chuyển về Tổng cục Dạy nghề. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc từ đào tạo ngành chuyển sang đào tạo nghề nên Trường Cao đẳng VHTT&DL Nguyễn Du cũng như các trường cao đẳng khác sẽ gặp khó về chuẩn trình độ giáo viên, cơ sở vật chất… Do vậy, đề nghị trong chương trình phát triển 2017 cần quan tâm đến điều này để gỡ khó cho các đơn vị trường. Đồng thời, tỉnh nên có quy hoạch về hệ thống các trường nghề trong tỉnh; tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo nghề. Trong sự cố môi trường biển vừa rồi có nghề du lịch ảnh hưởng rất lớn nhưng hiện chưa có sự hỗ trợ nào…
Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến: Chính sách hỗ trợ lãi suất hiện chỉ cho vay trung dài hạn. Trước đây chính sách hỗ trợ không giới hạn về thời gian nhưng như chính sách mới thì vay trung hạn hỗ trợ lãi suất 2 năm, dài hạn hỗ trợ lãi suất 3 năm. Với chính sách mới, ngân hàng xác định khách hàng sẽ thắc mắc và cần giải đáp nên giờ phải thống nhất để giải thích cho khách hàng một cách thấu đáo.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh: “Con em chúng ta ra trường không có việc làm, tỷ lệ di cư lao động của Hà Tĩnh cao thứ 5 cả nước. Vậy đặt ra vấn đề là phải có giải pháp giải quyết việc làm, người Hà Tĩnh phải sống trên đất Hà Tĩnh mới phát triển được kinh tế - xã hội địa phương. Tôi đánh giá cao Tờ trình Quy hoạch mạng lưới phát triển nghề nghiệp tỉnh và tin tưởng vào hiệu quả của mục tiêu quy hoạch trong thời gian tới”.
Chủ tịch huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn: Cải cách hành chính và tinh giản biên chế là chủ trương đúng đắn nhưng đối với những vị trí như: cán bộ nông nghiệp, công chức văn hóa thì cần xem xét lại vì khối lượng công việc nhiều. Năm 2017, cần tập trung vào công tác môi trường, chấn chỉnh công tác cấp đất trái thẩm quyền.
Cùng chung quan điểm, Hiệu trưởng trường chính trị Trần Phú Đinh Quốc Thị cho rằng: “Đầu tư phát triển nguồn nhân lực là một trong những nội dung quan trọng nhưng chúng ta chưa quan tâm. Đề nghị trong những năm tiếp theo, tỉnh quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề tại chỗ, giải quyết việc làm cho con em địa phương”.
* Sáng mai (14/12), kỳ họp tiếp tục tiến hành thảo luận tại hội trường. Báo Hà Tĩnh điện tử tiếp tục cập nhật diễn biến phiên làm việc tiếp theo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;