Can Lộc nằm trọn phía tây và nam dãy Hồng Lĩnh, một biểu tượng của vùng xứ Nghệ. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông đặt tên huyện là Thiên Lộc, nghĩa là "lộc giời". Ðến năm 1862 (Tự Ðức thứ 15), húy chữ "Thiên" để tỏ lòng kính trời, nhà Nguyễn đổi ra Can Lộc. Can Lộc là "cầu lộc", chỉ huyện có nhiều người làm quan, ước được làm quan để ăn lộc nước.
Tháng 5 này về Can Lộc (Hà Tĩnh) đi dọc đường cái quan đến những ngõ xóm, đường làng đâu đâu cũng nghe tiếng dân phấn khởi trước vụ lúa đông xuân thắng lợi. Một số nơi trong tỉnh mất mùa cục bộ thì Can Lộc được mùa toàn diện, được cả năng suất, sản lượng, được cả giá bán.
Tranh thủ nắng đầu mùa, lúa chín rộ, người dân đã sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch nhanh. Nhiều gia đình không thể mang lúa về vì số lượng lớn, thấy được giá cao nên đã bán luôn cho thương lái ngay sau khi lúa được đóng bao ở bờ ruộng.
Vợ chồng anh Trần Đình Lộc ở thôn Đông Nam xã Thường Nga năm nay lúa nhiều chưa từng có. Ngoài 2 sào ruộng khoán, anh chị đã thuê lại của những gia đình không có điều kiện canh tác nên ruộng sản xuất vụ này của anh Lộc có đến mấy mẫu (10 sào Bắc trung bộ/mẫu). Mới đầu mùa, mà Minh, vợ Lộc đã gói ghém được hơn ba chục triệu để cất nhờ bán mấy tấn lúa nếp.
Không chỉ giỏi việc đồng áng, vợ chồng anh còn là chủ thầu các công trình xây dựng trong làng, trong xã. Thời gian này, công trình xây dựng nhà mới cho hộ ông Nguyễn Văn Tự đang được thi công nhưng đến mùa, vợ chồng anh phải gác bai, thước lại.
Ông Tự chia sẻ, mình cũng làm ruộng nên rất thông cảm với thợ. Việc chọn Lộc chủ thầu thi công là nhận thấy tuổi trẻ nhưng rất chịu khó trong lao động, sáng tạo trong làm ăn. Mới chừng ấy tuổi đầu nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vốn sinh ra từ nông dân nhưng đã có những cách làm mới để gia đình ấm no, hạnh phúc, con cái khôn lớn là điều đáng quý.
Dân biết làm ăn giỏi cũng cần những người cán bộ tâm huyết, tài năng để thu phục lòng người. Nữ Bí thư Chi bộ thôn Chùa Hội xã Thường Nga là một người như thế. Chị Thư, từ một cán bộ phụ nữ xã, được tổ chức phân công, đảng viên trong Chi bộ tín nhiệm tiến cử làm Bí thư Chi bộ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, cùng cấp ủy, ban lãnh đạo và Mặt trận các đoàn thể trong thôn, chị đã kêu gọi sự chung tay của toàn thể nhân dân trong thôn, cả con em đi làm ăn xa góp sức, góp của đầu tư nâng cấp nhiều công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất.
Ấy là những đoạn đường trong ngõ; những rãnh cống thoát nước; những tuyến đường nội đồng; sân bóng…được đầu tư xây dựng khang trang nhờ sức mạnh và sự đóng góp của nhân dân.
Gửi gắm niềm tin vào trong dân, nỗ lực hết sức mình, thật sự chân thành làm tròn trách nhiệm, để thấy được giá trị phục vụ nhân dân. Ấy là mong muốn của những người cán bộ biết lắng nghe tiếng dân và cùng nhân dân làm nên những thành quả dù nhỏ thôi nhưng thiết thực với cuộc sống cộng đồng.
Chúng tôi chia sẻ những câu chuyện về đời sống tinh thần, vật chất, những tâm tư trong dân đến với đồng chí Đặng Trần Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy để lắng nghe thêm tiếng lòng của những người đang ngày đêm khát khao làm sao cho Can Lộc giàu mạnh bằng chị bằng em.
Ông Phong cho hay, ông vừa đi kiểm tra tình hình thu hoạch lúa xuân tại một số xã vùng thượng can về. Ông kể, ở xã Phú Lộc có một anh nông dân mạnh dạn đầu tư hệ thống máy sấy khô. Anh ta thu mua lúa nếp tươi với giá 5.800 đồng/kg, sau khi sấy khô thì bán 9.000 đồng/kg. Với mức giá và cách làm này dân mình có đồng tích lũy.
Tuy nhiên, cái khó chính là việc sản xuất chưa được tập trung đất đai và chủng loại giống thành ra để sấy một lần cho cả trăm, thậm chí là ngàn tấn ở quê mình rất khó.
Tôi chia sẻ, quê mình SXNN là trọng điểm lúa của tỉnh. Nhiều năm liên tục năng suất, sản lượng đạt rất khá. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm trên 21.000 ha, trong đó diện tích sản xuất lúa trên 18.500 ha, sản lượng lương thực ước đạt trên 100.000 tấn, đạt kế hoạch đề ra, năng suất bình quân đạt 10,8 tấn/ha. Song nếu mãi với hạt lúa, củ khoai thì rất khó để bứt phá.
Ông Phong lặng một lúc, bất chợt, ông bảo, đợt dịch Covid 19, Can Lộc là một trong 2 huyện có số dân đi xuất khẩu lao động rất lớn. Điều đó đặt ra cho chúng tôi suy nghĩ, làm gì để con em ly nông mà không ly hương? Quả là rất nan giải.
Về thu hút nguồn lực, theo ông Phong cơ bản vẫn là từ bán đất. Nhiều xã nếu không giải quyết được bài toán nguồn thu từ đất thì mọi việc về hạ tầng gần như tắc hết. Trong khi huyện lúa, đất nông nghiệp, giá trị không cao.
“Tôi nhớ có lần anh đã phỏng vấn đồng chí Bí thư huyện ủy. Bài báo đó thu hút nhiều người đọc. Chính tôi cũng đã nhận được điện thoại của con em xa quê hương.
Tất cả đều cho rằng, suy nghĩ và hướng đi của các đồng chí lãnh đạo huyện hiện nay là đúng đắn. Đấy là phát huy giá trị tiềm năng hiện có, tranh thủ mọi nguồn lực.
Rõ ràng tư duy có, song để hiện thực hóa ngoài thời gian rất cần sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, cả trong tỉnh và Trung ương cũng như con em xa quê”, ông Phong bày tỏ.
Đúng rồi, đó là bài “Muốn lắm một Can Lộc hiên ngang tỏa sáng”. Tôi không muốn nhắc nhiều về những gì đã qua, như loạt bài “Gánh nặng quê nghèo” chẳng hạn. Song, hôm nay tôi rất muốn nghe ông nói đôi điều về những gì mà huyện đã và chưa làm được trong 5 năm qua trước thềm Đại hội Đảng bộ lần thứ 36!
Ông Phong khát quát nhanh, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế theo giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 5,7%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 42 triệu đồng, tăng 13,3 triệu so với năm 2016.
Toàn huyện có 1.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 5.000 tấn. Xây dựng và bảo hộ thành công thương hiệu “Cam Thượng Lộc”; triển khai 06 mô hình VietGAP; đưa giống ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ vào địa bàn, bước đầu cho kết quả khá ở một số xã Phú Lộc, Thường Nga, Thiên Lộc.
Gắn phát triển sản xuất với xây dựng tua tuyến du lịch vùng Trà Sơn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh tham quan trải nghiệm, tiêu thụ sản phẩm.
Can Lộc là huyện thứ 2 của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, vượt mục tiêu Đại hội đề ra trước 01 năm và vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động. Toàn huyện đã huy động gần 11.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Xây dựng được 34 khu dân cư kiểu mẫu, 415 vườn mẫu và 1.000 mô hình kinh tế ở khu vực nông thôn có giá trị kinh tế cao.
Nhờ đó có những làng xóm khoác lên mình bộ cánh nông thôn mới với những ngôi nhà to đẹp, những con đường trải nhựa, bê tông sạch sẽ, đêm về sáng bừng ánh điện, ngỡ như thấy "phố ở trong làng".
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được đặc biệt chú trọng. Trong nhiệm kỳ cấp ủy, UBKT đã thi hành kỷ luật 04 tổ chức đảng; kỷ luật 294 đảng viên (trong đó, khiển trách 231, cảnh cáo 42, cách chức 9; khai trừ 12).
Đề cập đến một số tồn tại, hạn chế, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Can Lộc cho rằng, việc chuyển đổi, tập trung, tích tụ ruộng đất hiệu quả chưa cao; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đề ra chưa được hấp thu và lan tỏa.
Phong trào xây dựng nông thôn mới còn tư tưởng thỏa mãn, ỷ lại. Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức và phát huy hết trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở một số đơn vị, địa phương chưa thực sự nghiêm túc.
Cải cách hành chính còn nhiều bất cập. Kỷ luật, kỷ cương hành chính thực hiện chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý cán bộ vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, chưa mạnh dạn xử lý cán bộ nên hiệu quả răn đe chưa cao.
Khuôn khổ một bài viết, khó có thể nói hết những thành tựu, khó khăn và cả những mặt còn hạn chế. Song với những gì Can Lộc đã và đang làm có thể tin tưởng một điều rằng, hướng đi ấy là phù hợp.
Tự hào trước mọi thành tựu, thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm chính là bản lĩnh của những người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này.
Xin khép lại bài viết này bằng cảm nhận của đồng chí Bùi Đức Hạnh, nguyên Bí thư huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Can Lộc rằng, Đảng bộ Can Lộc có truyền thống đấu tranh vẻ vang, gắn liền với truyền thống lịch sử 90 năm của Đảng.
Đó là, truyền thống đứng đầu dậy trước ở mọi thời điểm của lịch sử. Điều đó thể hiện bản chất cách mạng kiên cường, nhạy bén sáng tạo của các thế hệ Đảng viên, hội tụ và kết tinh truyền thống một vùng quê địa linh, nhân kiệt giàu nghĩa khí.
Tất cả đã sẵn sàng
Ông Nguyễn Như Dũng (ảnh), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, cho biết, Can Lộc là đơn vị đại hội điểm của tỉnh. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Đại hội đã cơ bản hoàn thành. Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội các Đảng bộ cơ sở trong toàn huyện diễn ra một cách thành công tốt đẹp trên mọi phương diện chính là nền tảng, bài học để chúng tôi tổ chức thành công Đại hội lần thứ 36 Đảng bộ huyện Can Lộc.
Can Lộc đặt ra mục tiêu 5 năm tới
Tốc độ tăng trưởng đạt trên 13%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp 130 triệu đồng/ha. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 400 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 10.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng.
Lựa chọn ưu tiên các dự án trọng điểm, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ trực tiếp cho phát triển KT - XH: Nâng cấp, mở rộng đường Chợ Đình - Quán Trại, đường thị trấn - Sơn Lộc,...Tổ chức sản xuất theo quy hoạch các vùng rau, củ, quả tập trung, theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, Vietgap, Organic liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Phấn đấu đến năm 2025 có từ 30 đến 50 mô hình rau củ quả công nghệ cao. Tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vì sao Can Lộc có nhiều người đỗ đạt như vậy?
Tôi hỏi TS Nguyễn Sĩ Đại (một người con của xã Phú Lộc) về truyền thống quê hương, ông bảo, điều mà người Can Lộc đi đâu cũng tự hào ấy là ý chí và nghị lực.
Vì sao thời Lê, Can Lộc có nhiều người đỗ đạt như vậy? Một nguyên nhân trực tiếp, quan trọng là vùng này có Thám hoa Phan Kính, sau đó là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh chăm lo dạy học theo cách phụ giáo tử đăng khoa và mở trường tại quê.
5 năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên, số học sinh giỏi các cấp hàng năm đều tăng, có 1.634 học sinh giỏi tỉnh, 89 học sinh giỏi quốc gia và 4.500 học sinh thi đậu các trường đại học, cao đẳng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;