Đến nay, huyện Vũ Quang có 2.540 ha cây ăn quả, mỗi năm thu trên 415 tỷ đồng. Trong ảnh: Đồi cam ở xã Đức Lĩnh. (Ảnh Xuân Hoàn)
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện mục tiêu đưa cây cam trở thành cây chủ lực của địa phương, Vũ Quang đã xây dựng được các vùng trồng quy mô lớn, tập trung chủ yếu ở các xã: Đức Lĩnh (khoảng 800 ha), Đức Bồng (400 ha), Quang Thọ (gần 400 ha) và Thọ Điền (hơn 400 ha).
Tổng diện tích cam trên toàn huyện đến năm 2020 đạt 2.540 ha, tăng gần 1.000 ha so với năm 2015; trong đó, diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 194 ha.
Cam Vũ Quang được trưng bày tại Hội chợ Cam Hà Tĩnh năm 2019.
Sản lượng cam đến năm 2020 ước đạt 18 nghìn tấn, giá trị sản phẩm ước đạt 450 tỷ đồng (chiếm 70% giá trị trồng trọt). Đặc biệt, tháng 10/2017, cam Vũ Quang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Cam Vũ Quang đang khẳng định được thương hiệu nhờ sản xuất theo hướng an toàn. Trong ảnh: Vườn cam Hoài Luân từng đạt giải đặc biệt trong Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2017.
Kế thừa những kết quả đạt được, huyện Vũ Quang phấn đấu đến năm 2025 diện tích cam đạt 2.900 ha, 10/10 xã, thị trấn đều có vùng trồng tập trung quy mô lớn; đặc biệt là tập trung cao cho việc mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với 1.490 ha.
Ông Đoàn Quốc Hoài (thôn 1, xã Quang Thọ) - chủ vườn cam đạt giải đặc biệt trong Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2017 cho biết: Với sự tiếp sức từ các chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền, gia đình ông đã xây dựng thành công sản phẩm cam đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn cam chất lượng, trừ chi phí, thu hơn 600 triệu đồng.
Vườn cam rộng 6ha sản xuất theo hướng sinh thái hữu cơ của anh Đoàn Ngọc Bảo được công nhận sản phẩm OCCOP 3 sao.
Trên lộ trình nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, huyện lấy việc phát triển hình thức tổ hợp tác, HTX làm đầu kéo tạo sự liên kết giữa người trồng cam trên địa bàn.
Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện thông tin: Hiện tại, Vũ Quang đã có 2 HTX và 29 tổ hợp tác trồng cam cho hiệu quả cao. Từ đây, huyện sẽ xúc tiến thành lập các hội sản xuất và kinh doanh cam Vũ Quang, tập hợp những tập thể và cá nhân trồng cam tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp giúp cam Vũ Quang tiếp cận được các thị trường lớn.
Ông Đoàn Quốc Bảo - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất và kinh doanh cam Hương Thọ cho biết: “Các thành viên trong tổ quyết tâm sản xuất theo mô hình VietGAP, thực hiện dán nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc, giúp sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Hiện, tổ hợp tác đã chủ động kết nối với hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp thực phẩm sạch để mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Huyện Vũ Quang phấn đấu đến năm 2025 có diện tích sản xuất cam trên toàn huyện đạt 2.900 ha, trong đó cam VietGap 1.490 ha; 10/10 xã, thị trấn đều có vùng trồng tập trung quy mô lớn. Trong ảnh: Vườn cam rộng gần 6 ha, cho thu hoạch 25 tấn/năm của chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Hương Giang, xã Đức Hương.
Hiện nay, Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang đang xúc tiến xây dựng vườn ươm giống đạt tiêu chuẩn chất lượng để cung ứng cho các hộ dân thay thế diện tích cam già cỗi, tiến tới hình thành các vùng trồng tập trung đồng nhất về giống, chất lượng; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm từng bước đưa cam Vũ Quang “phủ sóng” toàn quốc, góp phần thực hiện thành công bước đột phá trong nông nghiệp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nguồn tin: Văn Chung/baohtinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã