Sáng 15/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức trọng thể lễ khai mạc.
Tham dự Đại hội có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 347 đại biểu chính thức đại diện cho gần 99.000 đảng viên, tiêu biểu cho ý chí, trí tuệ và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng bộ.
Trong đó, có 51 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII và 296 đại biểu được bầu tại Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh.
Đại hội có nhiệm vụ xem xét, nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Đồng thời, thảo luận, thống nhất chủ đề, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình trọng điểm, nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 5 năm và 10 năm tới.
Đại hội cũng nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, giúp cho Ban Chấp hành khóa mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đại hội tiếp tục thảo luận đóng góp ý kiến chất lượng vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thảo luận, góp ý vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để Ban Chấp hành khóa mới triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Tại Đại hội, đại biểu sẽ bầu Ban Chấp hành khoá XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, với mục tiêu, Ban Chấp hành phải là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực tiễn, có tư duy, tầm nhìn chiến lược, là trung tâm đoàn kết của Đảng bộ; đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, vì lợi ích chung, để lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Theo ông Lê Đình Sơn, năm 2016, sau sự cố môi trường biển, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng âm 14,6%; năm 2017 lấy lại đà tăng trưởng cao, bình quân 3 năm 2017 - 2019 đạt trên 13%, đặc biệt năm 2018 tăng 20,9%, cao nhất cả nước.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến tăng trưởng đạt khoảng 5,2%. Tính bình quân cả nhiệm kỳ (2015 – 2020), tốc độ tăng tưởng khoảng 6%, bằng mức cả nước là một sự nỗ lực lớn của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh.
Ông Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho hay, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỉnh ủy đã ban hành 13 Nghị quyết, 43 chỉ thị, 159 kết luận trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
GRDP bình quân đầu người tăng từ 44 triệu đồng lên gần 65 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 36 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt 57.700 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt trên 164 nghìn tỷ đồng...
Điểm nổi bật của Hà Tĩnh chính là thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ xã đạt chuẩn gấp gần 2 lần so với kế hoạch đề ra; gấp 1,5 lần bình quân cả nước; đặc biệt tiêu chí 20 “Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu” được Trung ương đánh giá cao.
Hà Tĩnh cũng vinh dự được Trung ương lựa chọn là địa phương thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.
Với mục tiêu “Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ; phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hà Tĩnh xác định 4 trụ cột làm “đầu kéo” là: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp; dịch vụ, du lịch; dịch vụ cảng biển và logistics.
Có 3 nền tảng làm động lực, gồm: nguồn lực con người; cơ sở hạ tầng; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh.
3 đô thị tiền đề, đó là: Đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh. Đô thị phía Bắc, hạt nhân là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân; thị trấn Can Lộc và thị trấn Đức Thọ.
Đô thị phía Nam, hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu Kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận. Lấy Khu Kinh tế Vũng Áng là trung tâm. Các hành lang bao là đồng bằng ven biển với quốc lộ 1A và đường ven biển; quốc lộ 8A và thị xã Hồng Lĩnh - Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; Trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh.
Trước mắt, giai đoạn 2020 – 2025, Hà Tĩnh tập trung thực hiện thắng lợi 27 chỉ tiêu, trọng tâm là: bình quân hằng năm kết nạp trên 2.500 đảng viên; hằng năm, trên 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10%; thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 28.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 220.000 tỷ đồng;
Thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng; GRDP bình quân đầu người trên 110 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%;
https://nongnghiep.vn/ha-tinh-se-chon-can-bo-co-tam-chien-luoc-dam-lam-cho-tinh-giau-len-d275212.html
Theo Thanh Nganongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã