Những luống rau cải mầm tươi ngon được trồng theo hình thức “cuốn chiếu” ngày nào cũng được bà Nguyễn Thị Hằng (xã Phù Lưu) thu hoạch mang ra chợ bán.
Hai vợ chồng đau ốm thường xuyên, ruộng đồng phải trả bớt do không có người làm nên mấy năm nay nguồn thu nhập của bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn Thanh Lương (xã Phù Lưu) chủ yếu dựa vào khu vườn mẫu.
Trong khu vườn gần 1.300m2 luôn đầy đủ các loại rau như: húng, mồng tơi, cải mầm, tía tô, rau quế đến các loại quả: ớt cay, đậu bắp, bầu, bí... xanh mướt, đẹp mắt. Hằng ngày, từ sáng sớm, bà Hằng ra vườn thu hái để mang ra chợ bán sỹ rồi về nhà lo chuyện đồng áng, nhà cửa, lợn bò; đến khoảng 4 giờ chiều lại ra vườn để chăm sóc, tưới tắm và thu hái thêm lần nữa để bán cho các nhà hàng đặt mua.
Những luống đậu bắp xanh ngát, cao quá đầu người là một trong những điểm nhấn trong khu vườn mẫu của gia đình bà Hằng.
Bà Hằng chia sẻ: “Vườn khá rộng, lại mới được huyện và xã hỗ trợ 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới, tiêu, nhà che… nên đất không lúc nào ngưng nghỉ, mỗi khu một loại cây, vừa đẹp vừa tiện lợi.
Từ khu vườn, mỗi ngày gia đình tôi có thu nhập khoảng 200 ngàn, riêng những tháng thời tiết thuận lợi hay mùa ươm cây giống thì được khoảng 300-400 ngàn đồng/ngày. Đây được xem là nguồn thu nhập “cứng” của gia đình tôi, mọi chi tiêu, sinh hoạt thường ngày đều từ số tiền này”.
Ngoài dưa chuột, na đang cho thu nhập hằng ngày thì khu vườn của anh Mai Đình Phong còn có 2.700 gốc dưa lưới phát triển tốt, chờ đến rằm tháng Bảy này sẽ thu hoạch.
Là người đứng đầu địa phương nên anh Mai Đình Phong - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lộc luôn mong thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con trong sản xuất vườn hộ. Vì vậy, cách đây vài năm anh đã tiên phong đưa công nghệ 4.0 vào khu vườn của gia đình ở thôn Quan Nam (xã Hồng Lộc).
Theo đó, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư gần 400 triệu đồng làm khu nhà màng gần 1.000m2, hệ thống tưới tự động, áp dụng các tiến bộ KHKT để trồng dưa chuột, dưa lưới, rau xanh, các loại hoa (mỗi loại vào một thời điểm khác nhau trong năm) và hàng chục gốc cây ăn quả lâu năm như na, mít, cam…
Nhờ được chăm sóc chu đáo, ứng dụng KHKT tốt nên vườn cây ăn quả lâu năm trong vườn mẫu của anh Phong luôn sai quả.
Anh Mai Đình Phong cho hay: “Ngoài tạo nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm thì khu vườn mẫu của gia đình tôi còn là địa chỉ tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm vườn mẫu cho bà con trong vùng.
Bản thân tôi cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ, cầm tay chỉ việc nên trên địa bàn ngày càng có nhiều khu vườn mẫu (hiện có 25 vườn) sản xuất hiệu quả, vừa mang lại thu nhập cho bà con, vừa tạo điểm nhấn cho bức tranh thôn quê”.
Đối với ông Mai Trọng Thơi và bà Lê Thị Thu ở thôn Quan Nam (Hồng Lộc), làm vườn mẫu không chỉ đơn thuần là vấn đề thu nhập mà đó vừa là niềm vui tuổi già, vừa góp phần làm cho làng quê thêm đẹp.
Thực tế cũng cho thấy, dù không “hoành tráng”, thu nhập “khủng” như vườn mẫu ở các địa phương khác nhưng hệ thống vườn mẫu ở Lộc Hà đã được đầu tư, xây dựng, chăm sóc khá bài bản, công phu.
Các loại cây trồng, vật nuôi được lựa chọn mang tính truyền thống, ngắn ngày, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt và lực lượng lao động lớn tuổi.
Những bờ hàng rào xanh, ngập tràn sắc hoa bao quanh các khu vườn mẫu ở xã Mai Phụ.
Phó Chánh văn phòng NTM huyện Lộc Hà Phan Bá Ninh thông tin: “Hiện toàn huyện có gần 280 vườn mẫu đạt chuẩn. Các vườn mẫu ở Lộc Hà chủ yếu do các hộ lớn tuổi thực hiện nên không có quy mô lớn nhưng vẫn đảm bảo giải quyết việc làm thường ngày và cho mức thu nhập từ 40 triệu -200 triệu đồng/năm.
Ngoài tạo nguồn thu ổn định thì các khu vườn mẫu còn tạo được dấu ấn trong bức tranh toàn cảnh của các khu dân cư; là điểm để trao đổi và học tập kinh nghiệm làm ăn; là cầu nối để chuyển giao KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tư duy sản xuất cho bà con nông dân…”.
Theo Tiến Phúc
https://baohatinh.vn/nong-nghiep/vuon-mau-tao-diem-nhan-giup-nguoi-dan-loc-ha-tang-them-thu-nhap/215786.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;