Nước ta, ND chiếm hơn 70% dân số; lao động nông nghiệp cũng chiếm trên 50% lực lượng lao động của xã hội. Nhìn ở góc độ phát triển, khu vực nông thôn, nhất là miền núi, vùng cao, vùng sâu không chỉ mặt bằng dân trí thấp mà còn là vùng nghèo nhất, khó khăn nhất và dĩ nhiên hiểu, biết về chính sách, pháp luật cũng yếu nhất.
Địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa cách trở, chia cắt khó quản lý, dân cư thưa thớt có khi trở thành địa điểm để các loại tội phạm chọn làm nơi trú ẩn. Tất cả những yếu tố kinh tế-xã hội đó có thể là một trong những nguyên nhân để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao bị can, bị cáo là ND lại chiếm tỷ lệ cao trong các vụ án lớn gần đây?”.
Thưa Phó Chủ tịch, các vụ án lớn gần đây cho thấy, bị can, bị cáo chưa hẳn là người thiếu hiểu biết pháp luật?
- Đúng là trong nhiều vụ trọng án, đặc biệt là các án về ma túy thì những đối tượng tội phạm không thể nói là không hiểu biết pháp luật được. Thậm chí, các đối tượng có “thâm niên” còn hiểu biết khá rõ về các quy định của pháp luật trong phòng, chống buôn bán, sử dụng các chất ma túy. Nhưng lợi nhuận lớn từ buôn bán ma túy như một sức hút đầy ma lực khiến nhiều người liều mạng lao theo.
Nhìn xa một chút có thể thấy, nhiều bị can, bị cáo trước đó là ND bình thường, thậm chí là đồng bào dân tộc thiểu số thật thà, chất phác bị bọn “trùm” lợi dụng, lôi kéo. Nguyên nhân là do đồng bào không hiểu biết về pháp luật. Nếu hiểu biết pháp luật ngay từ đầu, chắc chắn nhiều người sẽ biết hành vi nào là phạm tội, và nếu vi phạm thì sẽ bị trừng phạt ra sao; đồng bào phải cân nhắc, đắn đo trước một hành động lợi dụng, lôi kéo của người xấu…
Nói như vậy liệu chúng ta có quá đề cao vấn đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với ND?
- Không phải đề cao mà thực tế đã chứng minh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho ND là đúng và cần thiết. Tất nhiên, hiệu quả quản trị xã hội phải đến từ nhiều phía, có sự góp mặt của nhiều lực lượng. Cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường quản lý; đấu tranh, truy tố và trừng trị nghiêm minh các loại tội phạm.
Các cơ quan MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội; các cộng đồng địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân. Tôi ví dụ ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) nhiều năm trước tình hình tội phạm, trong đó có tội phạm tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy rất phức tạp. Một số ND đã đề xuất và được chính quyền nhất trí cho ra đời “Câu lạc bộ ND phòng, chống tội phạm”. Hoạt động của CLB đã góp phần giữ ổn định trật tự an ninh tại địa phương. Hay ở xã Kim Quang, huyện Bát Xát (Lào Cai) nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân nên tình hình an ninh được đảm bảo…
Theo Phó Chủ tịch, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho ND được tổ chức như thế nào là thích hợp?
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và phải có nguồn lực đủ mạnh để thực hiện. Việc thực hiện cần đa dạng, phong phú về hình thức, coi trọng các hình thức tổ chức gần gũi với người dân, phát huy được tính tự chủ của người dân; coi trọng cán bộ cốt cán, các tổ chức tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng…
Trên cả nước hiện có hàng ngàn CLB ND với pháp luật, CLB trợ giúp pháp lý, CLB ND phòng, chống tội phạm do Hội ND thành lập và duy trì hoạt động. Trung tâm Tư vấn và Trợ giúp pháp luật thuộc T.Ư Hội NDVN, Báo Nông Thôn Ngày Nay thường xuyên tổ chức tư vấn pháp lý cho hội viên, ND. Một số tỉnh, thành hội, như Hưng Yên, Lào Cai, An Giang… tổ chức rất tốt hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho hội viên, ND…
- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!
Luật sư Giang Hồng Thanh -(Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Đa phần đều lường trước được hậu quả |