Học tập đạo đức HCM

Sáng kiến An Giang

Thứ sáu - 25/01/2013 02:39
"Trước đây, việc đi lại của người dân rất khó khăn. Qua sông là phải lụy đò. Do đó, dọc theo các tuyến kênh đâu đâu cũng thấy bến đò, tìm mỏi mắt mới thấy được cây cầu, nhưng cũng chỉ là cầu khỉ, cầu ván tạm bợ. Còn bây giờ, đi lại thuận tiện lắm, cầu đúc, cầu treo được xây dựng khắp nơi”, ông Nguyễn Hữu Giềng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Thoại Sơn (An Giang) tự hào nói về công tác xã hội hóa xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) của huyện hơn 10 năm qua.


Nguyên tắc 3 đúng

Giống như bao vùng nông thôn khác ở ĐBSCL, huyện Thoại Sơn cũng bị chia cắt bởi các tuyến sông rạch ngang dọc chằng chịt, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế này, năm 2001, UBND huyện Thoại Sơn đã có chủ trương vận động xã hội hóa xây dựng cầu đường nông thôn.

Ông Nguyễn Hữu Giềng cho biết: “Phát triển mạng lưới GTNT là một yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế xã hội. Giao thông thuận tiện, cầu kiên cố sẽ thúc đẩy và phục vụ tốt cho quá trình công nghiệp hóa nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nâng cao giá trị hàng hóa, cũng như rút ngắn dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Nhưng trong điều kiện ngân sách Nhà nước không thể cân đối đủ cho tất cả các nhu cầu bức xúc đặt ra thì đòi hỏi phải có sự đóng góp của nhân dân, các DN, nhà hảo tâm…"


GTNT ở Thoại Sơn được bê tông hóa giúp đi lại được thuận lợi

Chủ trương đã có nhưng làm cách nào để người dân tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ mới là điều khó. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, qua một hai công trình, một điều ai cũng dễ nhận thấy là người dân sẵn sàng ủng hộ khi có được sự rõ ràng minh bạch và công trình đó mang lại lợi ích thiết thực cho họ.

Theo ông Giềng, từ kinh nghiệm thực tế, huyện đã đề ra phương châm vận động dựa trên 3 nguyên tắc (được gọi là nguyên tắc 3 đúng) đó là:

Thứ nhất, vận động đúng đối tượng, tức là chỉ vận động những người có khả năng chứ không cào bằng, chia đều. Thứ hai, đóng góp đúng sức mình, người có nhiều đóng nhiều, ai không có thì góp ngày công… Thứ ba, sử dụng đúng mục đích, vận động nói làm cầu thì làm cầu, nói làm đường thì làm đường. Trong suốt quá trình làm luôn công khai, minh bạch mọi chi phí.

Nhờ đó mà chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng trăm bến đò, bến phà, cầu tạm… ở địa bàn huyện Thoại Sơn được thay thế bằng cầu đúc, cầu treo kiên cố. Giao thông phát triển, đi lại thuận tiện đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên phong trào đóng góp xây dựng cầu đường ngày càng lớn mạnh.

Ngoài việc đề ra nguyên tắc, huyện Thoại Sơn còn linh hoạt trong phương thức vận động, người dân và DN có thể đóng góp bằng tiền, xi măng, sắt thép, ngày công lao động, nấu cơm, cung cấp nước cho những người thi công… Đồng thời cắt giảm tối đa các chi phí phát sinh để giảm chi phí đầu tư.

Nếu so với giá thị trường thì những công trình cầu đường làm theo chương trình xã hội hóa ở Thoại Sơn có thể giảm được khoảng 40% chi phí đầu tư. Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Thành Được, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Thoại Sơn, cho biết: “Giá rẻ là nhờ nhiều khoản chi phí đã được cắt giảm. Phần thiết kế, giám sát thi công thì phòng làm miễn phí. Huyện có đội thi công cầu, đường miễn phí nên không tốn tiền công. Khi thi công người nào làm được việc gì thì bắt tay vào làm, thanh niên trai tráng thì xúc cát, đá, trộn, xách hồ, cắt bẻ sắt; phụ nữ, trẻ em thì nấu cơm, lo nước uống… Nhờ đó mà chi phí giảm đáng kể nhưng chất lượng công trình vẫn đảm bảo".

Khắc tên nhà tài trợ lên công trình

Hiện nay, huyện Thoại Sơn đang có hai đội thi công cầu, đường tự nguyện không lấy công, mỗi đội có từ 35 - 40 người. Họ đều là những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng sẵn sàng “đi vác tù và hàng tổng” khi có công trình phúc lợi xã hội.

Ông Chín Hoa (Nguyễn Văn Thảo), Đội trưởng Đội thi công tự nguyện cầu, đường số 1 huyện Thoại Sơn tâm sự: “Trước đây trên địa bàn huyện có rất nhiều cầu khỉ, cầu tạm, đi lại khó khăn nên không ít người bị té xuống sông bị thương, thậm chí chết đuối. Thấy vậy, tôi đã bỏ tiền và vận động mọi người cùng nhau làm cầu, sửa đường để đi lại thuận tiện hơn. Rồi khi huyện vận động thành lập đội thi công cầu, đường tự nguyện nhiều người đã nhiệt tình đăng ký tham gia”.

Năm 2006, đội thi công cầu đường tự nguyện của ông Chín Hoa ra đời với 35 thành viên. Qua hơn 6 năm, những thành viên trong đội đã thi công được 65 cây cầu nông thôn, gồm cả cầu đúc, cầu dây văng… có tải trọng từ 5 tấn cho đến hàng chục tấn mà không nhận bất kỳ đồng tiền công nào. Nếu tính trung bình chi phí tiền công xây dựng mỗi cây cầu 300 triệu đồng thì tổng số tiền lên trên 20 tỉ đồng. Đó là chưa kể trong quá trình thi công, có những ngày số người dân tự nguyện tham gia làm lên đến 200 - 300 người.


Cầu, đường ở Thoại Sơn đều được gắn biển tri ân những đóng góp của
 người dân và DN

Ngoài làm cầu đường, đội của ông Chín Hoa còn làm nhiều việc từ thiện khác như cất nhà cho người nghèo, bốc thuốc Nam trị bệnh miễn phí, tham gia phục vụ nấu cơm ở các lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh.

Là một xã xa xôi, hẻo lánh thuộc vùng kinh tế mới của huyện Thoại Sơn, giao thông đi lại ở Vĩnh Khánh hết sức khó khăn. Vậy mà, đến năm 2004, bốn ấp của xã có hơn 18 km đường nông thôn đã được đổ bê tông và đưa vào sử dụng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Ông Đặng Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh, phấn khởi: “Sức lan tỏa của phong trào xây dựng GTNT không chỉ có trong địa phương, mà còn thu hút nhiều cá nhân và DN ngoài tỉnh, đóng góp mỗi người và đơn vị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Quá trình vận động, quản lý tiền đều công khai minh bạch trong việc thu, chi nên người dân rất tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ. Chi phí thi công các công trình đều giảm hơn so với dự toán, do đội thi công tự nguyện đảm nhiệm, không lấy tiền công”.

 

Ông Quách Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, cho biết, toàn huyện Thoại Sơn có gần 400 km đường liên xã và liên ấp; sau 7 năm (2001 - 2007) xây dựng có 342 km được đổ bê tông và láng nhựa; với tổng vốn đầu tư 250 tỉ đồng, cơ cấu đầu tư theo phương án huy động nhân dân đóng góp 60%, Nhà nước hỗ trợ 40%. Ngoài ra, có trên 500 km đường đất được rải cát, lắp đặt đèn chiếu sáng trên 130 km, với hơn 2.500 bóng đèn trị giá trên 3 tỉ đồng, nhân dân góp 50% vốn và 100% tiền điện thắp sáng hàng đêm. Từ trước đến nay, chưa có lúc nào phong trào xã hội hóa xây dựng GTNT ở Thoại Sơn lại sôi động và cách làm đa dạng, phong phú như như giai đoạn từ 2006 cho đến nay.

 

Tương tự, trong 2 năm 2008 - 2009, xã Định Mỹ đã xây dựng 9 cầu bê tông thay cầu ván, với tổng giá trị hơn 17 tỉ đồng và tiết kiệm được 760 triệu đồng so với dự kiến.

Giải thích cơ sở tiết kiệm, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Định Mỹ cho hay, từ tiền công, chi phí ăn uống, vận chuyển vật tư, thuê mướn máy móc… xây dựng công trình đều do nhân dân đóng góp. “Trên mỗi công trình, hằng ngày ít nhất là 40 - 60 người có mặt thường xuyên, thời gian cao điểm lên tới 200 - 400 người; bà con tự nguyện tham gia, tự chọn công việc theo khả năng, mà không một ai nệ công cả”, ông Hùng kể. Nhờ vậy, chỉ trong 4 năm, Định Mỹ đã xây dựng 12 cây cầu (9 cầu bê tông, 3 cầu sắt) với chiều dài 367 m, tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỉ đồng, trong đó vốn vận động hơn 1,8 tỉ đồng. Toàn xã có 28 km lộ giao thông cũng đã được bê tông, bằng cách “vận động nhân dân đóng góp, ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ”.

Đi qua bất kỳ cầu, đường nông thôn ở Thoại Sơn được làm theo hình thức xã hội hóa, người đi đường đều dễ dàng bắt gặp những tấm biển tri ân những người đã góp công, góp của để công trình hoàn thành. Không những vậy, huyện còn mạnh dạn đặt tên cầu, đường theo tên những người tài trợ từ 50% giá trị công trình trở lên.

Theo ông Nguyễn Hữu Giềng, mặc dù những nhà tài trợ đều là những người “thi ân bất cầu báo”, không mong nổi danh nhưng việc làm này đã phần nào tác động đến phong trào xây dựng GTNT ở địa phương. Đây cũng là cách để huyện vinh danh những Mạnh Thường Quân đã có đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương.

Các xã như Vĩnh Trạch, Định Mỹ, Vĩnh Khánh, Vĩnh Chánh, Phú Thuận… là những địa phương có phong trào xây dựng cầu đường nông thôn rất mạnh, chỉ tính riêng từ năm 2006 đến 2010 mỗi nơi đều đã vận động xây mới trên 10 cây cầu. Trong đó có nhiều công trình giá trị tiền tỉ mang tên nhà tài trợ như: cầu Bùi Văn Ơn, Bùi Văn A, Minh Thuận, Phúc Đại, cầu Sư cô….

Đ.T.CHÁNH – LÊ HOÀNG VŨ 
Theo nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập910
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại753,987
  • Tổng lượt truy cập93,131,651
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây