Tham quan cánh đồng mẫu lớn tại thôn La Hòa, xã Điện Phước. Ảnh: MAI NHI |
Đầu tư hạ tầng
Trên đường đưa chúng tôi ra thăm chiếc cầu Bến Hoán nối đôi bờ sông Hạ Nông, ông Đào Cúc – Chủ tịch UBND xã Điện Phước hồ hởi: “Tôi khẳng định với các anh là ở nông thôn hiếm có cây cầu nào hoành tráng như ở đây đâu. Cầu dài 41m, rộng 3,5m với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4 tỷ đồng”. Theo ông Cúc, công trình cầu Bến Hoán là minh chứng cho sự hòa hợp ý Đảng lòng dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. “Trước nhu cầu lưu thông bức thiết của người dân sống dọc hai bờ sông Hạ Nông, đầu năm ngoái lãnh đạo xã đưa ra ý tưởng xây dựng cầu Bến Hoán thì tất cả nhân dân đều ủng hộ, họ tự nguyện đóng góp 1,5 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để xây cầu” – ông Cúc chia sẻ.
Hạn chế ô nhiễm môi trường Với quyết tâm thay đổi bộ mặt nông thôn, ngay sau khi huyện Điện Bàn có chủ trương thu gom rác thải, xã Điện Phước nhanh chóng lập đề án thu gom chất thải rắn trên toàn địa bàn. Được nhân dân các thôn nhất trí cao, xã khẩn trương ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường - đô thị Quảng Nam để tiến hành thu gom rác thải. Đến nay, 2.500 hộ dân ở 7 thôn của xã đã thực hiện việc bỏ rác thải sinh hoạt vào các thùng chứa được đặt tại rất nhiều điểm. Mỗi tuần 2 lần, xe của Công ty TNHH MTV Môi trường - đô thị Quảng Nam đến chở đi xử lý. |
Trong phát triển hạ tầng phục vụ dân sinh, Điện Phước luôn ưu tiên xây dựng các hạng mục như trường học, đường giao thông nông thôn, nhà đa năng cộng đồng… Ông Cúc cho biết, ngoài việc đầu tư hơn 500 triệu đồng nâng cấp 2 nhà văn hóa thôn, xã cũng vừa đưa vào sử dụng nhà đa năng với tổng kinh phí lên đến 6,5 tỷ đồng nhằm giúp người dân có nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp và tránh trú bão lũ. Đặc biệt, để thế hệ tương lai được học tập trong môi trường sư phạm tốt nhất, xã Điện Phước đầu tư rất mạnh cho sự nghiệp giáo dục. Năm 2012, trường Tiểu học Nguyễn Thành Ý và THCS Trần Quý Cáp được xây mới tường rào, phòng hiệu bộ, 18 phòng học với số tiền gần 8 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, cụm điểm trường Mẫu giáo Hạ Nông Trung đã khánh thành trong niềm vui mừng của nhiều phụ huynh. Công trình này có giá trị hơn 4 tỷ đồng, gồm 5 phòng học, 1 bếp ăn, sân chơi, tường rào, cổng ngõ rất kiên cố, sạch đẹp. Nhờ đầu tư nhiều khâu nên đến nay trong số 4 trường học ở Điện Phước thì đã có 3 đơn vị đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Mỗi năm học các cơ sở giáo dục này thu hút 2.500 học sinh từ bậc mẫu giáo đến THCS.
Tươi sáng bức tranh nông nghiệp
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế địa phương, ông Đào Cúc nói: “Với Điện Phước, chúng tôi xác định nông nghiệp là hướng chủ đạo, là nền tảng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển nhằm làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Vì thế, mấy năm gần đây, không chỉ chú trọng tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân mà địa phương còn đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch để hình thành nên những vùng sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao”. Cánh đồng mẫu lớn ở thôn La Hòa đang mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho nông dân. Tại cánh đồng rộng 41ha này, năm 2012 nông dân canh tác giống lúa hàng hóa và lúa thơm chất lượng cao thu về xấp xỉ 95 triệu đồng/ha, tăng 5 - 7 triệu đồng/ha so với thời điểm trước. Hiện Điện Phước đang đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn lên 100ha, phân bố ở 5 thôn La Hòa, Hạ Nông Trung, Hạ Nông Tây, Hạ Nông Đông, Nhị Dinh 1. Không chỉ vậy, năm 2010 trở lại đây, Điện Phước cũng rất thành công trong việc chuyên canh các loại cây trồng cạn như đậu phụng, bắp, ớt... với diện tích khoảng 100ha đất tại thôn Nhị Dinh 1 và Nhị Dinh 2. Lão nông Nguyễn Châu ở thôn Nhị Dinh 2 phấn khởi: “Tui có cả thảy 15 sào đất màu. Nhờ nguồn nước tưới dồi dào nên vụ nào cây trái cũng tươi xanh. Nhổ đậu thì trồng ớt, phá ớt lại tỉa bắp, cứ thế xoay vòng bình quân mỗi năm lãi ròng hơn 80 triệu đồng”.
Nhân dân đóng góp 1,5 tỷ đồng để xây dựng cầu Bến Hoán bắc qua sông Hạ Nông. |
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thổ nhưỡng địa phương, chính quyền xã luôn quan tâm đến khâu thủy lợi để đảm bảo ổn định sản xuất. Mỗi vụ Điện Phước canh tác 510ha lúa, 200ha hoa màu nên việc chủ động nước tưới cho số diện tích này là vấn đề tiên quyết. Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn huy động, xã đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng cho công tác thủy lợi hóa đất màu và chi gần 4 tỷ đồng kiên cố hóa hệ thống kênh mương. Nhờ vậy, đến nay 100% diện tích đất sản xuất đã chủ động được nước tưới. Bên cạnh việc tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, xây dựng thủy lợi, nông dân Điện Phước cũng hưởng ứng mạnh mẽ phong trào làm giao thông nội đồng. Ông Đào Cúc nói: “Từ đầu năm 2012 đến nay, ngoài 3,4 tỷ đồng do ngân sách hỗ trợ, nhân dân trên địa bàn xã còn đóng góp 1,5 tỷ đồng để bê tông hóa 5,5km giao thông nội đồng. Ngoài ra, nhân dân còn tổ chức nhiều đợt ra quân nâng cấp, chỉnh trang ít nhất 11km đường giao thông nội đồng khác cho phù hợp với quy hoạch”. Chính nhờ sự tiếp sức từ phía chính quyền và nỗ lực rất lớn của nông dân, năng suất lúa của Điện Phước liên tục tăng lên. Vụ đông xuân 2011-2012, năng suất bình quân toàn xã đạt 70 tạ/ha, tăng hơn 10 tạ so với cùng vụ sản xuất năm 2009-2010.
MAI NHI – ĐOÀN ĐẠO
Theo baoquangnam.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;