Học tập đạo đức HCM

Về làng đục dó tìm trầm ở Hà Tĩnh

Thứ tư - 02/12/2020 04:34
Là loại cây quý, nổi tiếng ở Hương Khê, nhưng trước đây, người dân chỉ coi dó trầm là cây gỗ bình thường. Sau năm 1980, nhiều người ở Huế, Đà Nẵng… đến khai thác, dó trầm trở nên có giá trị cao. Phong trào trồng dó ở Hà Tĩnh và nghề xoi trầm ở xã Phúc Trạch cũng từ đó mà thành.
Về làng đục dó tìm trầm ở Hà Tĩnh

Ở xã Phúc Trạch không chỉ có giống bưởi ngon, thơm nức tiếng gắn liền với địa danh của của địa phương này mà còn có cây dó trầm được đánh giá rất cao về chất lượng. Từ những cây dó trầm, người dân sẽ chế tác ra nhiều loại sản phẩm khác nhau như: trầm cảnh, đồ mỹ nghệ, trang sức, các sản phẩm tâm linh… Đến nay, phần lớn các công đoạn chế tác vẫn phải làm thủ công.

Ông Đinh Công Ánh năm nay đã bước sang tuổi 93 – là một trong những người đầu tiên mang nghề xoi dó tìm trầm về Phúc Trạch. Vào tuổi xưa nay hiếm, song ông vẫn khoẻ mạnh và minh mẫn, theo ông, đó là nhờ lộc của trầm hương - thứ được ví là loại hương thơm của trời ban cho thế gian.

Trước đây, vợ chồng ông Ánh từng là công nhân nông trường 20-4 (nay thuộc xã Hương Trà, huyện Hương Khê). Nhưng với mức lương thấp, ông học thêm nghề phụ xoi trầm hương từ những người thợ khắp nơi đổ về Hà Tĩnh tìm trầm. Đến năm 1982, khi nghỉ hưu, ông trở về xã Phúc Trạch và gắn bó với cây trầm hương đến nay.

Những ngày đầu làm nghề, khoảng vào những năm 1980, trầm hương chủ yếu lấy từ tự nhiên, từ trong rừng hoặc từ vườn tạp của người dân. Khi đó giá trầm hương cũng rất rẻ, hầu hết người dân ít ai biết được giá trị thật của trầm. Kể cả người lão luyện như ông Ánh cũng vậy. “Nếu may mắn thì gặp cây có hàng “tốc bông” (trầm đẹp, thơm và bền) thì có khi lãi cả chục triệu đồng. Nhưng không may thì đẽo mỏi mắt cũng không tìm thấy miếng trầm nào, cả cây dó to cũng chỉ làm củi, nghề làm trầm hay là vậy” - ông Ánh kể lại.

Công việc của ông khi đó cũng chỉ đơn giản là đốn cây dó trầm về, sau đó chặt, cưa, và xoi hết phần gỗ thịt, chỉ lấy phần trầm mà người trong nghề thường gọi là “trai” để bán cho thương lái.

Từ mỗi cây dó chu vi hàng trăm centimet cũng chỉ chắt lọc được một vài kilogam trầm. Công việc rất mệt nhọc và đòi hỏi sự tỉ mẩn.

Để lấy được trầm, thông thường phải qua nhiều công đoạn gồm: đẽo phá, xổ phá, ép sát và xổ gạn (tỉa sạch). Trong đó xổ gạn là công đoạn khó nhất. Gạn cần nhất là sự dẻo dai của cổ tay và tinh mắt, chỉ cần thiếu tập trung hoặc lỡ tay là có thể “phạm”, làm hỏng, thất thoát trầm hương. Ngay cả với ông Ánh – một người làm nghề lâu năm vẫn không đủ tự tin để thực hiện công đoạn này. “Tôi già rồi, cổ tay cứng nên không gạn được” - ông Ánh nói.

Do tuổi cao, ông Ánh không còn làm nghề xoi dó trầm. Thi thoảng nhớ nghề, ông lục lại bộ dụng cụ rồi làm cho khuây khoả. Hoặc khi gặp cây dó trầm có “dầu” đẹp, ông lại thích thú ngồi chế tác, vẽ ra những “thế” đẹp để con, cháu xổ gạn.

Toàn bộ “bí kíp” nghề nghiệp được ông Ánh truyền lại cho con, cháu. Hiện, ông có 2 con trai vẫn đang theo nghề xoi trầm hương. Trong đó, anh Đinh Công Tuấn được ông đánh giá là kỹ năng gạn còn cao hơn cha nhiều lần. Anh Tuấn là một trong số ít người ở Hương Khê thuần thục công đoạn gạn trầm.

Nghề sản xuất trầm hương ở Hương Khê hiện được nhiều người trẻ phát triển, sản phẩm cũng ngày càng đa dạng hơn trước. Như anh Đinh Công Tuấn, ngoài việc gạn lấy trai, anh còn gạn trầm cảnh, làm vòng trầm (vòng đeo tay), làm hương trầm nụ…

Riêng về trầm cảnh, có những khúc chỉ nặng hơn 1 kg nhưng có giá đến hàng trăm triệu đồng. Theo người dân địa phương, chất lượng trầm thường được đánh giá qua độ dầu, tức là dầu càng nhiều thì trầm càng sánh, càng có giá trị cao. Về giá trầm không có định mức cụ thể theo cân nặng, kích cỡ như các loại sản phẩm kinh doanh khác mà chỉ theo đánh giá cảm quan của người mua và người bán.

Nếu như trước đây, trầm hương hoàn toàn tự nhiên thì ngày nay, người dân đã có nhiều phương pháp can thiệp để cây dó sinh trầm như dùng khoan và bơm thuốc tạo trầm vào cây. Việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian tạo trầm.

Hiện tại vẫn có trầm tự nhiên – là do sâu đục, hoặc cây dó tự tạo ra, để phân biệt, người trong nghề gọi trầm tự nhiên là “hàng kiến”, còn trầm nhân tạo là “trầm khoan”.

Các công đoạn thu hoạch cây dó trầm và tạo trầm thành phẩm hầu hết đều thực hiện thủ công. Khi chặt cây, ở những các mạnh cưa, cắt cũng phải do người có kinh nghiệm lựa chọn, đánh dấu để lấy may mắn với hi vọng sẽ có trầm chất lượng cao, nhiều dầu.

Để xoi trầm, mỗi người thợ đều tự trang bị cho mình một bộ đồ nghề, gồm rất nhiều những chiếc đục, cưa đặc biệt được đặt rèn dành riêng cho nghề này. Ở mỗi công đoạn, người thợ sẽ lựa chọn những dụng cụ phù hợp.

Không chỉ những người lớn tuổi, khi trầm hương ngày càng có giá trị, nghề xoi trầm thu nhập khá ổn định nên nhiều người trẻ sẵn sàng học và giữ nghề truyền thống. Em Nguyễn Văn Nam (sinh năm 2002, xã Phúc Trạch, Hương Khê) là một trong những người trẻ nhất quyết tâm học và làm giàu từ nghề chế tác dó trầm.

“Em học nghề từ cha rồi sau đó xin vào làm ở một cơ sở sản xuất trầm trong xã. Ban đầu, mình chỉ được đi chặt cây, đẽo phá, dần dần em đã thuần thục công đoạn xổ phá và đang học thêm kỹ năng gạn trầm. Thu nhập trung bình mỗi ngày từ 200 – 250 nghìn đồng” – Nam chia sẻ.

Từ một vài người ban đầu, đến nay toàn xã Phúc Trạch đã có hàng chục cơ sở với hàng trăm thợ trầm đang ngày đêm chế tác, xổ, gạn… Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, toàn xã hiện có khoảng 100 người theo nghề xoi dó trầm và kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm. Với khoảng 3 ha cây dó, tổng thu nhập toàn xã năm 2020 dự kiến đạt khoảng 90 tỷ đồng (bao gồm từ hoạt động bán hạt, cây giống và cây thương phẩm và các thành phẩm từ dó trầm).

Người ta ví rằng, ở Phúc Trạch, đứng ở đâu cũng có thể nhìn thấy cây dó trầm. Nhiều thế hệ người dân Phúc Trạch vẫn đang nỗ lực phát triển sản phẩm của làng nghề đa dạng hơn, đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần giúp danh tiếng của trầm hương Hà Tĩnh ngày càng vươn xa hơn.

 

Theo Baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập276
  • Hôm nay56,932
  • Tháng hiện tại887,659
  • Tổng lượt truy cập92,061,388
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây