Ông Nguyễn Văn Mại ở xã Hộ Độ là một trong những người có thâm niên nuôi tôm nhất nhì ở huyện Lộc Hà. Với 8 ha, 20 ao hồ, có thể nói ông Mại là người đi đầu nuôi tôm công nghiệp ở xã Hộ Độ. Mỗi vụ thắng lợi Ông thu về hàng chục tấn tôm thẻ chân trắng với doanh thu hàng tỷ đồng. Nhưng sau nhiều năm nuôi thả, ông Mại thấy càng ngày càng khó nuôi, do ô nhiễm môi trường nước, khí hậu, nhiệt độ thất thường không quản lý được nên tôm thường hay xẩy ra dịch bệnh. Chính vì vậy, sau khi đi nghiên cứu, tham quan thực tiễn các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở các tỉnh bạn, ông Mại quyết tâm đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm công trong nhà. Bước đầu Ông làm 4 bể liên hoàn trong một nhà với diện tích 1000 m2, kinh phí 400 triệu đồng. 4 bể nuôi được thiết kế bằng sắt thép hình tròn và trải bạt với chiều cao khoảng 1 mét rưỡi, xung quanh bể có hệ thống ống dẫn khí và hệ thống điều tiết nước, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. 4 bể nuôi được đặt nổi cao hơn mặt đất phía ngoài và được quai đê xung quanh vững chắc, được lợp bằng mái che lưới về mùa nắng và mái che bạt về mùa mưa. Với 4 bể nuôi này, ông Mại dự kiến mỗi vụ thả khoảng 40 vạn con tôm giống, sau 3 đến 4 tháng nuôi thả ổn định, sẽ cho thu hoạch khoảng hơn 8 tấn tôm.
Ảnh: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Mại, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà
Cùng với ông Mại, ông Nguyễn Văn Doãn ở thôn Liên Xuân, xã Hộ Độ cũng đang tiến hành xây dựng mô hình nhà nuôi tôm công nghệ cao. Với diện tích khoảng gần 400 m2, được chia làm 10 bể liên hoàn, mô hình của ông Doãn được làm bằng bể xây xi măng, khung nhà sắt kiên cố, tất cả đều nằm trong một hệ thống quản lý khép kín. So với mô hình của ông Mại, thì mô hình của ông Doãn cần nhiều kinh phí đầu tư hơn, nhưng lại kiên cố hơn. Hiện tại vợ chồng ông Doãn đang tiến hành thi công các phần việc còn lại để hoàn thành xây dựng mô hình nuôi tôm trong nhà của mình. Theo ông Doãn, khi thực hiện phương thức này, thì khó khăn đặt ra chính là nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, sự hiểu biết khoa học kỹ thuật cũng đòi hỏi khá cao so với cách nuôi truyền thống.
Ảnh: Mô hình nhà nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Doãn, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà
Áp dụng quy trình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà màng mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như: hệ thống lọc nước tuần hoàn, tiết kiệm diện tích. Điểm nổi bật là kiểm soát được nhiệt độ, khí hậu, thời tiết mưa, nắng thất thường; Kiểm soát được nguồn nước, rong tảo và các loài sinh vật tạp khác. Đây là khâu rất quan trọng trong nuôi tôm, bởi thông thường khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng gay gắt ao nuôi sẽ thay đổi nhiệt độ đột ngột, ảnh hưởng rất lớn đến tôm. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà, sản xuất quy mô lớn, đầu tư bài bản với quy trình nuôi khép kín từ con giống đến thu hoạch xuất ra thị trường, ít tác chịu ảnh hưởng từ môi trường sẽ hạn chế được các mầm bệnh lây lan; hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh.... Nhờ đó, giảm thiểu được rủi ro, cho nguồn tôm nguyên liệu sạch, truy xuất nguồn gốc từ tôm giống, thức ăn...và do vậy được kỳ vọng là sẽ mang lại hiệu quả bền vững. Ngoài ra, do chỉ ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh nên tôm nguyên liệu sau thu hoạch sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ảnh: Mô hình nhà nuôi tôm công nghệ cao của anh Trần Văn Minh, Thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có thể tăng từ 3 - 5 vụ/1 năm chứ không chỉ làm được 1 - 2 vụ như cách nuôi thông thường. Mặt khác, việc lót bạt ở đáy ao có thể cho phép thả tôm với mật độ đến 400 con/1 m2, nghĩa gấp 4 lần so với ao đất, nên năng suất tôm thu hoạch cũng tăng gấp nhiều lần. Điểm đặc biệt nhất tại các ao nuôi tôm công nghệ cao là dưới đáy ao, ngoài việc lót bạt còn có hố ga để hút các loại chất thải từ con tôm và thức ăn dư thừa. Nhờ đó, nước trong ao luôn sạch, tôm ít bị nhiễm các loại bệnh như đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan... Mặt khác, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ dịch bệnh cho tôm, người nuôi buộc phải sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh, giúp giảm thiểu chi phí, thời gian cải tạo ao đầm trước mỗi vụ nuôi, bởi đáy bể đã được cách ly với nền đất, từ đó giúp người nuôi chủ động lựa chọn mùa vụ và có thể nuôi được nhiều vụ trong năm.
Hiện trên địa bàn huyện Lộc Hà đã có 7 hộ với 11 trại nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, diện tích khoảng hơn 5000 m2, trong đó riêng thị trấn Lộc Hà có 4 hộ, 3 hộ còn lại ở xã Hộ Độ. Bước đầu đánh giá cho thấy đây là mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả. Điều cần thiết hiện nay là các hộ nuôi trồng phải liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng con giống, vật tư sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm để góp phần giảm chi phí, giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất của tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có để nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Ảnh: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Trần Văn Minh, Thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà đã đưa vào nuôi thả
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được hiệu quả và tính bền vững. Do vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung làm tốt công tác vận động, chuyển giao để các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được nhân ra diện rộng, thay thế phương thức nuôi truyền thống kém hiệu quả, góp phần tạo điểm nhấn, đột phá trong tái cơ cấu ngành Thủy sản nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm của huyện Lộc Hà.
Với hàng trăm ha diện tích nuôi tôm trên địa bàn, nếu các chủ hộ nuôi tôm ở Lộc Hà mạnh dạn chuyển sang nuôi theo hình thức công nghệ cao này, thì hàng năm sẽ cho ra một khối lượng lớn sản phẩm tôm sạch rất lớn, có khả năng đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Đây thực sự đang mở ra một hướng đi mới, đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm hiện tại và tương lai ở huyện Lộc Hà./.
Ngọc Quang/http://locha.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã