Những năm gần đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh các đặc sản địa phương đã thu được nhiều thành quả to lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Một trong những hướng ưu tiên để nâng cao sức cạnh tranh cho nông, lâm sản, các sản phẩm làng nghề là xây dựng, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các loại sản phẩm này. Với sự chung tay góp sức của chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt với sự hỗ trợ về chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh Bắc Kạn hiện đã có sản phẩm hồng không hạt, quýt và miến dong được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý; gạo bao thai Chợ Đồn, gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết xã Bằng Phúc được cấp Nhãn hiệu tập thể. Đây là niềm tự hào của các dân tộc trong tỉnh về những sản phẩm đặc sản được bảo hộ, tăng thêm cơ hội quảng bá, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.
Để có được kết quả trên, những năm qua, tỉnh đã từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, trong đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 04/2020/NĐ-HĐND ngày 05/5/2020 quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ trong các chiến lược, phát triển ngành, lĩnh vực. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng từng bước được nâng cao, từ đó đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tỉnh cũng khuyến khích các hoạt động khai thác sở hữu trí tuệ, tăng cường nguồn nhân lực và hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Sản phẩm miến dong được bảo hộ đã mang lại giá trị kinh tế lớn đối với người dân xã Côn Minh, huyện Na Rì |
Bắc Kạn có điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển cây dong riềng, đặc biệt ở các huyện Na Rì và Ba Bể đã có truyền thống trồng dong riềng từ hàng trăm năm nay với giống dong riềng địa phương. Từ chỗ chỉ trồng tự phát, mang tính tự cung, tự cấp, sau nhận thấy cây trồng này mang lại giá trị cao, lại được sự khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, diện tích trồng dong riềng tăng ổn định trong những năm gần đây. Số cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng tăng lên. Miến dong Bắc Kạn đã trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị cao được người tiêu dùng ưa chuộng và được mở rộng sản xuất ở các địa phương trong tỉnh với quy mô, công suất lớn hơn.
Để bảo vệ người sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo uy tín, thương hiệu sản phẩm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao Sở Khoa học và Công nghệ lập dự án xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn. Sau nhiều khâu khảo sát, đánh giá, kiểm định khắt khe…, đến cuối năm 2012, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho miến dong Bắc Kạn. Từ đây, sản phẩm miến dong đã không ngừng vươn xa ra thị trường.
Chưa dừng lại ở đó, để sản phẩm được chứng nhận có mức độ bảo hộ cao hơn, phạm vi rộng hơn, năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ được UBND tỉnh ủy quyền làm chủ đơn để đăng ký và quản lý quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong. Qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định, đến nay, sản phẩm này đã được công nhận Chỉ dẫn địa lý. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính quyền cũng như người dân trong việc duy trì diện tích trồng dong riềng, mở rộng quy mô sản suất, nâng cao chất lượng, thương hiệu miến dong.
Còn đối với các sản phẩm được cấp Nhãn hiệu tập thể, chè Shan tuyết Bằng Phúc (Chợ Đồn) là một trong những sản phẩm duy trì và phát triển tốt thương hiệu đã được bảo hộ. Để phát huy tối ưu giá trị của cây chè Shan tuyết, các cấp, các ngành trong tỉnh Bắc Kạn cùng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đã nỗ lực phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Được trồng trên những triền đồi ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ đã tạo nên hương vị, chất lượng đặc trưng riêng của chè Shan tuyết Bằng Phúc. Không giống với những loại chè khác, búp chè Shan tuyết to, có phủ lớp lông tơ trắng trông như những bông hoa tuyết. Khi sao khô, búp chè có màu trắng bạc, pha nước sóng sánh vàng, đậm đà vị thơm. Chè Shan tuyết chất lượng tốt, có hương vị đặc biệt nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh tạo ra sản phẩm tốt, Bắc Kạn còn đưa sản phẩm chè Shan tuyết quảng bá trong và ngoài tỉnh thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của địa phương.
Để phát triển các hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, tỉnh đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh vào các kênh phân phối, tiến tới đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất một cách ổn định, bền vững thông qua các chương trình tham gia hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Cần Thơ, Quảng Ninh... Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2017 và năm 2020; tổ chức thành công “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và các đặc sản Bắc Kạn tại thành phố Hà Nội năm 2018”; “Tuần lễ giới thiệu Hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019” tại Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội; “Tuần lễ giới thiệu Bí xanh thơm, Gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2020” tại thành phố Hà Nội... Thông qua các sự kiện này nhằm giới thiệu, quảng bá tới các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp trong tỉnh có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tiếp tục có định hướng phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại, bền vững và giữ gìn các giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống của tỉnh. Năm 2020, bằng nỗ lực kết nối, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu bởi HTX Tài Hoan, mở ra những cơ hội mới đối với sản phẩm nông sản của Bắc Kạn nói chung và sản phẩm mang bảo hộ sở hữu trí tuệ nói riêng.
Việc phát triển sản phẩm sau bảo hộ đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm bởi những lợi ích thiết thực cũng như hiệu quả kinh tế mang lại. Trong đó, vấn đề đặt ra là sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý, tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển giá trị sản phẩm. Có như vậy, các sản phẩm được cấp Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể nói riêng và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nói chung mới tăng sức cạnh tranh và phát triển thị trường.
Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày nay, những yêu cầu về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Có được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Do vậy, việc bảo vệ phát triển các nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký cần tiếp tục có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân trong thời gian tới./.
Nguồn tin: backan.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã