Học tập đạo đức HCM

Hà Tĩnh "chạy đuổi" vụ hè thu bằng cơ giới

Thứ hai - 27/06/2016 06:13
Nhờ sự góp sức của những chiếc máy gặt liên hợp, máy cày công suất lớn, nông dân Hà Tĩnh đã thu hoạch gọn vụ xuân và đang “vắt chân” chạy đuổi sản xuất hè thu bằng cơ giới.

 

Bên cạnh những chiếc máy gặt liên hợp đang “thổi” nốt những diện tích lúa vàng óng còn lại, trên những cánh đồng tại các “vựa lúa”: Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc nước thủy lợi cũng bắt đầu lấp xấp chân ruộng. Khắp nơi, rền vang tiếng máy cày loại lớn hối hả làm đất “đuổi” vụ. Dẫu nắng oi, gắt nhưng ông Trần Hạnh Đấu cùng nhiều nông dân thôn 7, xã Khánh Lộc (Can Lộc) vẫn nán lại để xem chiếc Kubota L3108 VN đỏ chót, mới coóng như đang lướt trên ruộng. Ông Đấu khoe: Bình thường vụ gối vụ, nông dân phải tranh thủ gặt ngày, cày đêm cho kịp thời vụ. Riêng năm nay, do rét hại kéo dài cả tháng trời, phải gieo lại hai lần, đến mãi giữa tháng 2 mới hoàn thành. Vụ xuân chậm gần tháng trời nên vụ hè thu này chỉ có nước “vắt chân” chạy đuổi. Nhưng nhờ có chiếc máy Kubota loại lớn này làm đất nên đã rút ngắn thời gian làm mùa. Ông Đấu tính toán: “Nếu dùng máy cày loại nhỏ, phải hơn một buổi mới cơ bản cày xong ba sào ruộng, nhưng đối với chiếc Kubota này chỉ mất khoảng hơn tiếng đồng hồ thì toàn bộ diện tích đất này đã tơi ngấu ngon lành. Dừng máy, anh Nguyễn Văn Lan khoe: “Chiếc máy mới tậu có giá 291 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng) từ sáng đến giờ đã cày được gần 8 sào đất, nhanh gấp 4-5 lần máy cày nhỏ. Cày vừa khỏe vừa năng suất lại nhàn, thật đáng đồng tiền !”.

Trên đường xuống ủy ban xã Khánh Lộc (Can Lộc) tôi nhớ lại câu chuyện Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc Mai Khắc Tám kể: Khánh Lộc là xã đầu tiên của Hà Tĩnh “tậu” được hai chiếc máy gặt liên hợp. Lần đầu tiên người dân thấy con “trâu sắt” này xuống đồng. Máy chạy đến đâu, từng bì lúa cứ tuôn ra đến đấy. Chỉ trong vòng 7-8 phút đã gặt xong một sào ruộng mà mê. Không biết rủ rê thế nào, chủ máy đưa xuống xã bên làm giúp và bị giữ rịt luôn ở đó, làm cho bà con Khánh Lộc đứng ngồi không yên... Đó là chuyện cách đây năm năm về trước, còn vụ xuân này, theo ông Mai Khắc Tám cho biết, ngoài 10 máy gặt liên hợp của địa phương, Khánh Lộc còn huy động được một số máy gặt liên hợp ở một số tỉnh khác đến, nên 330 ha lúa xuân đã thu hoạch gọn chỉ trong vòng sáu ngày, rút ngắn thời gian thu hoạch so với trước đây 15 ngày. Gặt đến đâu, chỉ đạo cho nước vào đồng đến đấy; đồng thời, huy động 70 máy cày 15 CV và ba máy cày Kubota đồng loạt làm đất. Phấn đấu, chậm nhất đến ngày 16-6 hoàn thành gieo cấy hè thu.

Nhằm giảm áp lực thời gian hè thu, không chỉ Khánh Lộc mà nhiều địa phương khác trong huyện Can Lộc đã huy động gần 100 lượt “trâu sắt” công suất lớn (có 40 máy thuê tỉnh ngoài) đẩy nhanh việc thu hoạch lúa xuân; rút ngắn thời gian thu hoạch so với các vụ trước từ 7 đến 10 ngày. Vụ xuân năm nay được đánh giá là vụ thắng lợi nhất, với năng suất bình quân toàn huyện đạt 5,8 tấn/ha, cao hơn vụ xuân 2015 khoảng 2 tạ/ha. Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Võ Hữu Hào cho biết: Với phương châm “Thu hoạch lúa xuân đến đâu, làm hè thu đến đó”, thu hoạch bằng máy gặt liên hợp, cắt sát gốc, giữ nước tại ruộng rồi huy động máy cày làm đất đồng loạt luôn... Nét mới trong khâu làm đất năm nay ở Can Lộc là trên đồng ruộng xuất hiện nhiều loại máy cày loại lớn nên đã đẩy nhanh tiến độ làm đất. Tuy vụ xuân bị chậm thời vụ gần một tháng nhưng nhờ máy móc cơ giới nên Can Lộc phấn đấu kết thúc gieo cấy hè thu trước 20-6. Bên cạnh đó, huyện cân đối các loại giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày như: TH3-3, TH3-4, Thiên Ưu 8, PC6, RVT... Mỗi xã chỉ cơ cấu 3-4 loại giống, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn để kịp thu hoạch “chạy” lụt trước 20-9.

Ngay sau khi thu hoạch gọn vụ xuân, bà con nông dân huyện Cẩm Xuyên khẩn trương làm đất, xuống giống để kịp thời vụ hè thu. Theo ông Nguyễn Văn Phú ở xã Cẩm Duệ: “Nhờ có máy móc nên mới “đuổi” kịp thời vụ. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng giống, máy cày xong vùng nào là xuống giống vùng đó. Ở đây, xã chia theo từng vùng sản xuất cùng một loại giống, tập trung máy làm đất rồi xuống giống một thời điểm. Vùng nào nước về thuận lợi hơn thì làm trước, vùng cao làm sau”... Phó Chủ tịch UBND huyện lúa Cẩm Xuyên Nguyễn Hữu Duyệt cho biết: Để triển khai kịp thời đề án sản xuất hè thu, huyện lúa Cẩm Xuyên đã phát huy tối đa cơ giới hóa trong thu hoạch vụ xuân và làm đất... Khi lúa vụ xuân chín 85% diện tích, huyện tổ chức thu hoạch nhanh, đồng thời, chỉ đạo nhân dân đắp bờ giữ nước và tiến hành làm đất bằng cơ giới, kể cả làm đất vào ban đêm. Trên địa bàn huyện có 154 máy gặt đập liên hợp và 3.200 máy làm đất các loại (trong đó có 27 máy làm đất cỡ lớn trên 23 mã lực) được phân bổ đều trên tất cả các xã, thị trấn và được phát huy hết công suất. Nhờ vậy, đến thời điểm này, toàn bộ 9.525 ha lúa xuân của huyện lúa này đã được thu hoạch gọn và đã có hơn 50% diện tích lúa đã được xuống giống.

Ngoài việc đã thu hoạch xong 100% lúa xuân với năng suất bình quân 63 tạ/ha, Đức Thọ đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về tiến độ sản xuất hè thu. Hiện huyện đã gieo cấy được 60% diện tích lúa hè thu với giải pháp chủ động là bắc mạ ép tại chân ruộng khi lúa xuân “đỏ đuôi” và các khâu thu hoạch và làm đất đều triển khai bằng 100% máy cơ giới. Được biết, Đức Thọ cơ cấu 3.950 ha lúa. Trong đó, 1.000 ha trà hè thu chạy lụt đã cơ bản hoàn thành xuống giống. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, xuống cấy đúng thời vụ, Đức Thọ cũng đã chủ động các giải pháp chống hạn.

Máy móc cơ giới còn giúp bà con vùng núi Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ sản xuất hè thu. Ông Nguyễn Quang Đài, Trưởng thôn Trung Lễ, xã Sơn Lễ (Hương Sơn) khoe: Lúa mẩy, hạt chắc, chưa bao giờ được mùa như năm ni với năng suất khoảng 6,5 tấn/ha. Lần đầu tiên nhờ thuê được hai máy gặt đập liên hợp nên 35 ha lúa trong thôn đã cơ bản thu hoạch gọn và hoàn thành đầu tiên trong xã. Hai ngày nghỉ cuối tuần mới đây, được sự hỗ trợ của con em công nhân viên chức từ xa về, Sơn Lễ đã dồn máy gặt để hoàn thành thu hoạch hết 279 ha lúa. Cũng như Sơn Lễ, các địa phương khác của huyện miền núi Hương Sơn đã huy động hàng trăm lượt máy gặt liên hợp, máy cày vừa thu hoạch gọn lúa xuân vừa cày ải gieo cấy lúa hè thu ngay và luôn…

Chạy “đuổi” hè thu kịp thời cũng phải nói đến sự góp công của hãng lớn chuyên cung ứng máy nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh. Các đại lý này đã đưa ra nhiều giải pháp dịch vụ và cung ứng hàng nghìn máy nông nghiệp cho bà con đưa vào sản xuất kịp thời. Thậm chí máy đưa xuống đồng trước, hoàn tất hồ sơ sau. Tỉnh Hà Tĩnh có chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất tiền vay tạo điều kiện cho nông dân mua máy nông nghiệp. Riêng đại lý Kubota tại Hà Tĩnh trong năm vừa qua đã cung cấp kịp thời cho bà con hơn 200 máy cày loại lớn cùng một số máy gặt liên hợp khác…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Đầu vụ, do rét hại lịch sử, nhiệt độ xuống thấp nhất trong vòng 35 năm qua, buộc phải gieo cấy lại nhiều lần hơn 13 nghìn ha lúa. Nhưng bù lại, cuối vụ thắng lợi toàn diện khi năng suất lúa đạt bình quân hơn 56,29 tạ/ha, tăng 2,27 tạ/ha, là mức cao nhất từ trước đến nay; sản lượng đạt 32,7 vạn tấn, tăng 1,4 vạn tấn... Để chạy “đuổi” vụ hè thu, lần đầu tiên Hà Tĩnh đã huy động được hàng trăm lượt máy gặt liên hợp cỡ lớn cùng hàng vạn máy nông nghiệp khác, tổ chức thu hoạch nhanh, gọn vụ xuân; đồng thời, triển khai làm đất hoàn toàn bằng máy cơ giới, trong đó có nhiều máy công suất lớn, nhằm phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 20-6 và thu hoạch chạy lụt trước ngày 25-9.

Theo Thành Châu/nhandan.com.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập155
  • Hôm nay60,861
  • Tháng hiện tại891,588
  • Tổng lượt truy cập92,065,317
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây