Bệnh sương mai cà chua: Bệnh do nấm Phytopthora infestans (Mont) de Bary gây ra. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở mép chóp lá tạo vết xám xanh nhạt sau đó lan rộng vào phiến lá. Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ, trời âm u có sương mù, ở các vùng đất trũng thấp, ít thoát nước, bón phân không cân đối, bón quá nhiều đạm.
Biện pháp phòng trừ là thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh. Bón vôi, phân hữu cơ trước khi gieo trồng. Bón phân cân đối, tăng lượng bón phân kali và lân. Luống đánh cao, rãnh rộng để dễ thoát nước. Vườn ươm phải là nơi đất cao ráo, sạch sẽ. Không nên trồng cà chua gần ruộng khoai tây và không luân canh kế cận với khoai tây.
Thường xuyên kiểm tra phát hiện bệnh kịp thời ngoài đồng ruộng, khi thấy phát sinh các ổ bệnh đầu tiên cần phải phân loại ruộng để có kế hoạch phun thuốc ngăn chặn ngay. Sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ với phân chuồng hoai mục 7-10 ngày để bón lót. Dùng các loại thuốc được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng.
Khi phát hiện bệnh trên đồng ruộng có thể sử dụng một số loại thuốc gốc đồng và thuốc chứa các hoạt chất Mancozeb, Phosphorous, Fosetyl-aluminium như: Ridomil Gold 68WP, Aliette 80WG, Eddy 72WP+ Klifos, Agrifos 400…
Bệnh mốc đen lá: Bệnh do nấm Pseudocercospora fuligena (Roldan.) Deighton gây ra. Bệnh tồn lưu trên tàn dư cây bệnh. Bào tử lan truyền trong không khí, rơi trên lá cà chua, sự xâm nhiễm xảy ra nhanh nhưng triệu chứng được thể hiện chậm sau 2 tuần, bệnh thường xuất hiện ở các lá phía gốc, bệnh phát triển mạnh khi thời tiết ấm.
Biện pháp phòng trừ, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh, vệ sinh đồng ruộng, làm giàn. Cắt tỉa lá già phía gốc, tăng độ thông thoáng trong luống cà chua có tác dụng làm giảm mức độ bệnh. Dùng các loại thuốc được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng. Khi phát hiện bệnh trên đồng ruộng có thể sử dụng một số loại thuốc như: Olicide 9DD, Trineb 80WP, Zineb bul 80WP để trừ bệnh.
Bệnh héo vàng: Bệnh do nấm Fusarium oxysporium gây ra. Cây con bị bệnh còi cọc, kém phát triển sau bị chết. Bệnh phát triển nhiều khi thời tiết ấm, trên đất cát và đất chua. Nấm tồn tại trong đất vài năm, nhiệt độ thích hợp là 28 độ C. Nấm truyền qua hạt giống, cây con bị nhiễm trước khi trồng hoặc do gió, nước, công cụ làm đất. Biện pháp phòng trừ thu dọn, đốt cây bị bệnh.
Nếu đất bị nhiễm nặng thì phải luân canh với cây không phải họ cà trong vòng 5-7 năm. Chủ động hệ thống tưới tiêu, không tưới quá ẩm. Trồng mật độ thích hợp với từng giống, bón phân cân đối hợp lý tạo điều kiện cho cây phát triển khỏe. Dùng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân chuồng hoai 7-10 ngày trước khi bón, lượng 3kg/tấn phân chuồng.
Dùng các loại thuốc được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng. Khi bệnh xuất hiện có thể sử dụng một số thuốc hóa học để phun phòng trừ bệnh có hoạt chất Zineb, Propiconazole, Difenoconazole, Hexaconazole, Mancozeb như: Ramat 80 WP, Zin 80 WP, Zithane Z 80WP, Tilt, Catcat 250EC, Score, Anvil, Saizole 5SC, Ridomil Gold 68WP…
Bệnh thán thư: Bệnh do nấm Collectotrichum phomoides (Sacc) Chester. Roger gây ra. Bệnh có thể hại trên thân, lá, quả và hạt, nhưng chủ yếu hại trên quả vào giai đoạn chín. Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa hoặc trong ruộng tưới nhiều nước, độ ẩm không khí cao. Biện pháp phòng trừ, thu gom tiêu hủy các quả bị bệnh. Dùng các loại thuốc được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng.
Khi phát hiện bệnh mới chớm nên phun một trong các loại thuốc sau: hoạt chất Azoxystrobin như Amista; hoạt chất Metomenostrobin như Ringo-L 20SC hoặc phun một trong các loại thuốc sau: Amistar 250SC, Plant 50WP, Antracol 70WP, Polyram 80DF, Daconil 500SC…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã