Học tập đạo đức HCM

Quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam ứng phó với hạn hán

Thứ tư - 16/03/2016 23:55
Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chiều 15/3, Bộ NN&PTNT đã ngồi lại với các đối tác quốc tế và nhà tài trợ để bàn giải pháp ứng phó khẩn cấp.
Một tin mừng là bước đầu các đối tác quốc tế đã cam kết sẽ chung tay hỗ trợ giúp Việt Nam vượt qua đợt thiên tai lịch sử này.
Thiên tai lịch sử
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL từ năm 2014 đến nay thực sự trở thành thiên tai mang tính lịch sử của Việt Nam. Chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã dùng hai từ “lịch sử” để nhấn mạnh với cộng đồng quốc tế về thực trạng thời tiết khốc liệt đang diễn ra tại các tỉnh phía Nam hiện nay.
Cánh đồng lúa ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Cánh đồng lúa ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là khu vực ĐBSCL, vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam, nơi mỗi năm xuất khẩu 8 triệu tấn gạo đi các nước. Do hiện tượng El Nino kéo dài, năm nay lượng nước sông Mê Kông chảy về Việt Nam giảm tới 50%. Đến nay, toàn vùng đã có 160.000ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, tương đương 800.000 tấn lúa, kéo theo gần 300.000 hộ dân trong những tháng vừa qua không có thu nhập. Không chỉ thế, xâm nhập mặn đã khiến cho hơn 204.000 hộ gia đình không có nước ngọt sinh hoạt, phải đi mua với giá “cắt cổ”.
Trong đó, riêng tỉnh Bến Tre có 160/164 xã bị nước mặn xâm nhập. Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay: “Đa số các hộ chịu ảnh hưởng nặng nhất lại rơi vào hộ nghèo, cận nghèo. Nếu bình thường nước máy chỉ có 7.000 đồng/m3, nhưng khi tư thương đưa từ ghe chở lên xe thồ bán đã thổi giá lên tới 70.000 – 80.000 đồng/m3, có nơi lên 100.000 đồng/m3” – ông Trọng cho biết.
Tại khu vực Nam Trung Bộ, tình hình đáng lo ngại hơn khi vụ Đông Xuân vừa rồi, mực nước các hồ chứa chỉ còn 50 – 60% dung tích thiết kế, riêng  các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ còn 30% dung tích. Nông dân ở nhiều nơi tại tỉnh Ninh Thuận đã bước sang vụ thứ 4, thứ 5 không có thu nhập. Theo ông Trần Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đây là đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng hơn 10 năm qua.
Tăng tốc dự án hỗ trợ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, từ nay đến tháng 6, lượng mưa ở ĐBSCL, Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 - 50%. Điều đó đồng nghĩa với tình trạng khô hạn, thiếu hụt nước, xâm nhập mặn sẽ còn tiếp diễn gay gắt trên diện rộng, thậm chí khốc liệt hơn so với năm 2015. Trước tình hình này, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương khoảng 700 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của thiên tai và xây dựng đập ngăn mặn cùng các trạm bơm nước ngọt...
Đứng trước vấn đề mang tính lịch sử của Việt Nam, đại diện hàng chục tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF)… đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải có cơ chế quản lý tốt hơn hệ thống công trình thủy lợi, nhất là dòng chảy giữa các tỉnh trong khu vực và với các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông. Về trung và dài hạn, cần xem xét cơ chế để tối ưu hóa hệ thống tài nguyên nước trong phạm vi toàn quốc gia. Ngoài ra, theo ông  Leocadio Sebastian - Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI, phải triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó thay đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng cây trồng chịu hạn, mặn bù đắp được sự sụt giảm sản lượng lúa.
Đồng loạt bày tỏ cam kết hỗ trợ Việt Nam ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, các đối tác, nhà tài trợ quốc tế đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đánh giá toàn diện, chiến lược về những diễn biến cũng như biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, các cơ quan của Liên Hợp quốc sẽ “chung một con thuyền” và cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay. Đồng thời bà Pratibha Mehta cũng hối thúc các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tăng tốc việc xem xét các dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Trước mắt là cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho nông dân các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:
Phối hợp với các nước trong khu vực cùng giải quyết
Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, liên quan tới vấn đề điều tiết nguồn nước từ thượng lưu sông Mê Kông, cần có sự phối hợp của nhiều nước trong lưu vực mới giải quyết được.
Thưa Bộ trưởng, một trong những giải pháp chống hạn cho khu vực ĐBSCL là đề nghị Trung Quốc xả nước từ thượng nguồn sông Mê Kông. Đến nay, việc này đã thực hiện như thế nào?
- Chính phủ giao Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Ngoại giao đề nghị Trung Quốc xả nước từ các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông để chống hạn cho ĐBSCL. Hiện nay, các Bộ đang tích cực triển khai thực hiện chỉ đạo này. Sắp tới, sẽ có cuộc họp giữa các nước trong lưu vực sông Mê Kông và phía Trung Quốc về vấn đề này.
Việt Nam đã tham gia Ủy ban sông Mê Kông cùng một số nước. Vậy từ trước đến nay, chúng ta đã phối hợp với các nước để giải quyết những vấn đề chung liên quan đến lưu vực sông Mê Kông như thế nào?
- Vừa qua, trong khuôn khổ cuộc họp của Ủy ban sông Mê Kông (gồm Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam), chúng ta đã đạt được một số thỏa thuận liên quan tới việc sử dụng nước trên các dòng chính, số lượng, chất lượng nước cũng như việc xây dựng các công trình ở trong khu vực. Những thỏa thuận đó đã có tác động tích cực tới điều tiết thủy lợi ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, các nước cần hợp tác chặt chẽ hơn để cùng khai thác có lợi nhất cho các bên liên quan. Bởi sông Mê Kông chảy qua lưu vực nhiều nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và một phần Myanmar.
Phía Việt Nam có đề nghị với Trung Quốc cụ thể mức xả nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ du không, thưa Bộ trưởng?
- Về vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi đã có tính toán để xác định những thông số kỹ thuật cần thiết về lượng xả nước trên lưu vực sông Mê Kông. Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao sẽ làm việc và đề nghị cụ thể với Trung Quốc, tuy nhiên xả bao nhiêu vẫn phải tùy theo phía nước bạn.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Văn Thắng ghi
Thiên Tú

Nguồn: ktdt.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập82
  • Hôm nay28,610
  • Tháng hiện tại129,397
  • Tổng lượt truy cập92,507,061
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây