Học tập đạo đức HCM

Phát triển cây cam Hà Giang cần tránh "vết xe đổ" được mùa mất giá

Thứ hai - 21/03/2016 23:21
Cam là một loại cây trồng truyền thống của Hà Giang, đang giúp hàng nghìn hộ nông dân ở đây thoát đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, bên cạnh những gì cây cam mang lại, hiện còn nhiều ý kiến quan ngại rằng, nếu cứ phát triển với tốc độ "nóng" như hiện nay, cây cam sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định, bền vững của an ninh lương thực trên vùng đất cực Bắc này, nhất là khi cam Hà Giang chưa có thị trường tiêu thụ ổn định...

Trồng cam theo… phong trào

Đến bây giờ, không ai có thể phủ nhận hiệu quả kinh tế của cây cam trên vùng cao Hà Giang. Cũng dễ hiểu vì ở các vùng "trọng điểm cam" như Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình… đã nổi lên nhiều tỉ phú, triệu phú đất vườn, nương nhờ vào cây cam mà trước đó chưa có loại cây nào tạo được cho họ cơ hội "thăng hoa" như thế.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, hiện địa phương có hơn 5.700ha cam, trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt khoảng 1.700ha, năng suất bình quân gần 8 tấn/ha. Mấy năm gần đây, với giá bán khá cao (niên vụ 2015-2016, cam loại đẹp tại vườn có giá từ 12-15 nghìn đồng/kg, tăng từ 2-5 nghìn đồng/kg so với niên vụ 2014-2015). Đặc biệt, với việc hơn 130ha cam được quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cây cam đã thực sự trở thành cây kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng do tỷ lệ lớn cam sản xuất ra còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ vốn chưa ổn định, nên với người trồng đã và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Chẳng hạn như khi cam có giá vào những dịp lễ, Tết, tư thương đến tận vườn mua với giá khá cao, nhưng khi thị trường dưới xuôi "ảm đạm", họ sẵn sàng "buông tay". Đấy là chưa kể đến việc ở thời điểm hiện tại, thương hiệu cam Hà Giang đã bắt đầu hình thành và sản phẩm truyền thống này được bày bán tại các siêu thị ở các đô thị lớn dưới xuôi, đặc biệt là Hà Nội.

Hiện nay, các chủ vườn, trang trại cam đang ráo riết tìm kiếm cơ hội để "vươn ra biển lớn", song các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm khá cao, từ trồng, chăm sóc cam đến hệ thống thu mua, đóng gói và bảo quản, trong khi cam Hà Giang hiện còn khá hạn chế về những khâu này… Thế nhưng, bất chấp những yếu tố rủi ro có thể xảy ra, tại Hà Giang, những nương, vườn cam vẫn tiếp tục mọc lên, trở thành một "cao trào" ở khắp mọi nơi trong tỉnh. Trên thực tế, đã có rất nhiều diện tích trồng cam "lấn" xuống các chân ruộng sản xuất nông nghiệp. Ở nhiều địa phương, nông dân còn san đất đồi, lấp ruộng để trồng cam.

Vẫn biết, sự phát triển của diện tích chuyên canh cam ở vùng cao Hà Giang, xuất phát từ thực tế khách quan trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập, nhưng điều đáng nói là khi cây cam phát triển quá "nóng", cũng đồng nghĩa với diện tích trồng lúa cùng các loại cây lương thực khác bị thu hẹp lại. Như tại xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang hiện nay, nhiều diện tích trồng cam đang đua nhau mọc lên trên những chân ruộng, được người dân trồng mới bằng cây cam giống cấp từ dự án trồng cam của địa phương. Trên bình diện toàn tỉnh, diện tích trồng cam cũng đang tăng lên "chóng mặt".

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, nếu cứ để cây cam "lấn" cây lúa và cây lương thực khác theo phong trào như thế này, việc khó giữ đúng quy hoạch đất trồng lúa là câu chuyện sẽ xảy ra trong tương lai không xa. Một câu hỏi cần quan tâm là khi cây cam "gặp khó" khiến nông dân chán nản - như đã từng xảy ra nhiều lần ở Hà Giang, thì người nông dân sẽ phải làm gì trên đất ruộng họ đã lấp?

7wt2_16b
Cây cam đã giúp hàng nghìn hộ nông dân ở vùng cao Hà Giang thoát đói, giảm nghèo. Ảnh: CTV

Cần có quy hoạch "dài hơi"

Như trên đã nói, thực tế ở vùng cao Hà Giang, cây cam đã nhiều phen "lên bổng xuống trầm", nhưng ở thời điểm hiện tại, nó vẫn kinh tế hơn làm lúa nhiều lần. Bởi vậy, mới xảy ra chuyện đất canh tác lúa bị chuyển dịch sang trồng cam một cách tự phát, rất nhiều người có điều kiện về vốn đã "đổ xô" mua đất, mua vườn trồng cam. Tình trạng này đang đặt người trồng cam vào thế "mạo hiểm" trong sản xuất nông nghiệp.

Hoàn toàn có cơ sở để nói rằng, việc tiêu thụ cam ở Hà Giang hiện nay hoàn toàn do thị trường ở dưới xuôi chi phối chứ không có hợp đồng thu mua nào bền vững khiến người nông dân "mặn nồng" và yên tâm trồng cam một cách lâu dài. Rõ ràng, có nhiều vấn đề đáng quan ngại cho tương lai cây cam khi địa phương chưa có nhà máy chế biến cũng như cơ sở thu mua xuất khẩu mà chủ yếu tiêu thụ nội địa...

Vậy thì "lối đi" nào để cho cây cam tiếp tục phát triển trên vùng cao Hà Giang? Rõ ràng là phải có sự quy hoạch cụ thể. Thiết nghĩ, các ban, ngành chức năng tỉnh Hà Giang cần chủ động định hướng phong trào trồng cam đang có xu hướng phát triển mạnh, để rồi từ đó tỉnh có chủ trương cụ thể cho từng khu vực. Cùng với đó, tỉnh cũng cần có cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến hoa quả tại địa phương, giúp người trồng cam có đầu ra ổn định.

Tất nhiên, để sản phẩm cam truyền thống được tiêu thụ mạnh, sản xuất có hiệu quả cao, các ban, ngành chức năng của địa phương cần có quyết tâm xây dựng, giữ vững thương hiệu cam Hà Giang. Có như vậy, người trồng cam mới tránh được "vết xe đổ" được mùa-mất giá, hoặc "khủng hoảng thừa" mà các vùng chuyên canh cây đặc sản ở nhiều địa phương đã "dính" trong thời gian qua, từ đó mới thúc đẩy việc phát triển sản xuất cam hàng hóa một cách bền vững.

Nguồn: bienphong.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập462
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm461
  • Hôm nay50,577
  • Tháng hiện tại825,855
  • Tổng lượt truy cập91,999,584
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây