Tại các huyện như Nga Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, hàng trăm hecta lúa bị thiếu nước, trong đó có nhiều diện tích bị khô hạn. Phần lớn diện tích này đều gieo sạ nên cần rất nhiều nước trong giai đoạn chăm sóc. Những ngày qua, các đơn vị thuỷ nông đã phân lịch tưới luân phiên và huy động nhiều máy bơm dầu cùng các hộ dân bơm, tát nước vào ruộng.
Cụ thể xã Nga Thái (huyện Nga Sơn) hiện có 310ha trồng lúa, 95ha chuyên canh cói. Nằm cuối kênh tưới, đồng trũng, lầy, khó thực hiện cơ giới hóa đồng bộ nhưng tại thời điểm này toàn xã có tới 70% diện tích thiếu nước dưỡng; trong đó một số đám lúa có biểu hiện khô nẻ, héo lá.
Trên địa bàn xã có hai trạm bơm, tổng công suất 5.000 m3/giờ vận hành bơm nước tưới cho các loại cây trồng. Do thiếu nước tạo nguồn, hai máy bơm chỉ vận hành ba giờ/ngày và phải hoạt động so le khung giờ, bảo đảm tạo nguồn nước dưỡng cho lúa ở hai vùng tưới trên địa bàn xã.
Chi nhánh thủy lợi Nga Sơn hiện điều động phương tiện cơ giới múc đất, nạo vét kênh Ngang, hạ sâu bể hút; vận hành bơm nước từ sông Chính Đại lên hệ thống kênh dẫn, tạo nguồn tưới cho các địa phương.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nga Thái - Trần Văn Rỹ cho biết : “Nắng hạn kéo dài, đã gần một tháng nay không có mưa. Cùng với việc phối hợp với các địa phương điều tiết nguồn nước hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; hợp tác xã nạo vét hạ thấp bể hút nước, vét sa bồi trên các kênh mương, khơi thông dòng chảy, thường xuyên thăm đồng cùng các tổ bảo nông đón nước ngọt bơm tưới, điều hành tưới hợp lý cho các xứ đồng”.
Trạm bơm Cống Phủ hiện vận hành, bơm nước tưới cho cây trồng ở huyện Hà Trung và một phần huyện Nga Sơn. Nguồn nước ngọt chảy qua hệ thống tưới ở huyện Hà Trung, mới đổ về Tam Điệp tạo nguồn nước tưới cho các trạm bơm ở huyện Nga Sơn. Nguồn tưới ở huyện Nga Sơn chủ yếu đón nước hồi quy trên sông Lèn, sông Cầu Cừ nên toàn huyện có hơn 1.000 ha lúa thiếu nước dưỡng.
Chi nhánh thủy lợi huyện đã nạo vét gần 8.000m3 đất ở năm bể hút cùng tuyến kênh đầu mối; vớt bèo, vạt cỏ trên hơn 500 nghìn m2 mặc nước; đón nguồn nước từ Trạm bơm Cống Phủ chảy qua vùng tưới ở huyện Hà Trung, nguồn nước hồi quy trên sông Tam Điệp, sông Cầu Cừ, nước ngọt tỉnh Ninh Bình chảy về tạo nguồn cho huyện Nga Sơn và các hợp tác xã khai thác thêm nguồn nước trên các ao hồ, bơm vét nước lên kênh dẫn, tạo nguồn nước tưới cho cây trồng.
Quảng Xương hiện có 800 ha lúa thiếu nước dưỡng, tập trung ở các xã cuối hệ thống kênh tưới như: Quảng Thái, Quảng Lộc, Tiên Trang, Quảng Ngọc, Quảng Phúc. Huyện trích ngân sách 240 triệu đồng mua bốn máy bơm dầu, công suất 350 m3/giờ/máy, hỗ trợ các địa phương vét sâu kênh tạo nguồn, hỗ trợ tiền mua nhiên liệu, huy động hơn 90 máy trong nhân dân bơm vét, tạo nguồn tưới cho lúa. Dù vậy, niên vụ này huyện Quảng Xương chỉ gieo cấy được hơn 97% diện tích theo kế hoạch.
Ở huyện miền núi Ngọc Lặc, hiện hồ Cống Khê cạn nước khiến khu vực thị trấn, xã Mỹ Tân thiếu nước sinh hoạt lẫn nước tưới dưỡng cho cây trồng nên một số diện tích đã cấy lúa dần bị nứt nẻ.
Theo báo cáo của Chi cục thủy lợi Thanh Hóa, mực nước trên các sông, suối, hồ ở Thanh Hóa phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, hiện 285 hồ chứa trên địa bàn tỉnh có lượng nước chứa dưới mực nước chết. Toàn tỉnh có 7.089 ha lúa thiếu nước dưỡng, 751 ha thiếu nước phục vụ gieo cấy.
Hiện tại các nhà máy thủy điện trên sông Mã xả nước về hạ du; hồ Hủa Na xả nước theo theo lưu lượng ổn định, bảo đảm dung tích chứa nước trong hồ Cửa Đạt cao hơn mực nước chết từ 1,3-1,5m nhằm tạo nguồn nước cho hệ thống tưới Bắc sông Chu, Nam sông Mã.
Mặt khác, trong điều hành sử dụng nguồn nước ở các hồ do các huyện quản lý, các địa phương ưu tiên lượng nước cung cấp cho sinh hoạt, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nhất là cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.
Nhiều địa phương nạo vét hệ thống kênh dẫn nước, ao, hồ, đào giếng, lắp đặt các trạm bơm dã chiến bơm nước tưới cho các khu vực đang bị hạn, thiếu nước chăm sóc cây trồng. Lực lượng chống hạn lắp đặt 239 máy bơm dầu để bơm vét, bơm chuyền nước phục vụ sản xuất, đời sống; tiếp tục đắp đập tạm ngăn sông Mã ở Yên Phong, huyện Yên Định tạo mực nước dâng vận hành Trạm bơm nam sông Mã bơm tưới hỗ trợ cho vùng cuối kênh tưới; đắp đập ngăn mặn trên sông Chính Đại, huyện Nga Sơn.
Hiện các doanh nghiệp thủy lợi, các địa phương cử cán bộ thường trực 24 giờ trong ngày đón nước ngọt, đo kiểm tra, nếu nước sông ven biển có độ mặn dưới một phần nghìn thì vận hành các trạm bơm nước tưới cho cây trồng ở các địa phương, cung ứng nguồn tưới cho các vùng trong tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã