Học tập đạo đức HCM

Bệnh chết héo cây keo: Nguyên nhân và biện pháp phòng chống

Thứ năm - 16/07/2020 03:16
Bệnh chết héo cây keo là vấn đề được ông Nguyễn Văn Thành (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) và nhiều bạn đọc quan tâm và hỏi về biện pháp phòng tránh.
Hình ảnh bệnh chết héo trên cây keo. Ảnh: VAFS.

Hình ảnh bệnh chết héo trên cây keo. Ảnh: VAFS.

Hỏi:

Gần đây ở quê tôi (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bệnh chết héo ở cây keo diễn ra phức tạp. Xin hỏi nguyên nhân gây bệnh. Bệnh này có nguy hiểm không và cách phòng ngừa thế nào?

Trả lời:

Bệnh chết héo cây keo là gì? 

Bệnh chết héo cây keo là loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ phát thành dịch cao, đã gây chết hàng triệu ha rừng trồng keo tại Indonesia và Malaysia. Để phòng trừ bệnh chết héo cây keo kịp thời, tránh nguy cơ bùng phát thành dịch, gây thiệt hại lớn đến sản xuất lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) có một số nội dung khuyến cáo.

Theo GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các loài keo tai tượng, keo lá tràm và keo lai có khả năng sinh trưởng nhanh, chu kỳ kinh doanh ngắn. Gỗ keo đang được ưa chuộng trên thị trường đồ mộc ở trong nước và trên thế giới, đặc biệt khi nguồn cung gỗ nguyên liệu từ rừng tự nhiên đã cạn kiệt.

Chính vì vậy, nhóm loài keo hiện đang là một trong những nhóm loài cây trồng rừng chủ lực và đang được quan tâm phát triển trên diện tích rộng với quy mô lớn ở nước ta, tính đến hết năm 2019 đạt khoảng 1,5 triệu ha. Tuy nhiên, việc kinh doanh rừng theo hướng trồng thuần loài với quy mô lớn đã tạo một sinh cảnh mới thuận lợi cho một số dịch hại phát sinh mạnh.

Rừng trồng keo ở nhiều nước trên thế giới đã bị nhiễm bệnh chết héo do nấm Ceratocystis, trong đó rừng trồng keo tại Indonesia và Malaysia đã bị nhiễm bệnh rất nghiêm trọng.

Đến nay, Malaysia đã ghi nhận khoảng 300.000ha rừng keo lai và keo tai tượng bị nhiễm bệnh chết héo, trong đó đã phải thanh lý hàng trăm nghìn ha để chuyển đổi sang trồng bạch đàn. Năm 2017, tại Indonesia đã ghi nhận hơn 1 triệu ha rừng keo bị bệnh chết héo, tỷ lệ bị bệnh trên 60%.

Toàn bộ các diện tích rừng bị nhiễm bệnh đã phải tiêu hủy và chuyển đổi sang trồng bạch đàn. Điển hình nhất là hơn 500.000ha rừng trồng keo tại đảo Sumatra, Indonesia đã bị nhiễm bệnh và đã phải tiêu hủy, sau đó chuyển đổi trồng bạch đàn nhưng hiện tại rừng trồng bạch đàn cũng đang bị bệnh cháy lá và bệnh chết héo do vi khuẩn Ratonia gây ra.

Hình ảnh bệnh chết héo keo tai tượng. Ảnh: Vafs.

Hình ảnh bệnh chết héo keo tai tượng. Ảnh: Vafs.

Bệnh chết héo keo tại Việt Nam

Bệnh chết héo keo đã được ghi nhận tại Việt Nam từ năm 2008. Năm 2015, rừng trồng keo lai và keo tai tượng ở nhiều nơi đã bị nhiễm bệnh chết héo với tỷ lệ bị bệnh từ 12-25%, cá biệt có một số diện tích bị hại nặng, tỷ lệ bị bệnh có thể từ 40-70% như một số diện tích rừng trồng keo thuộc tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa - Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Cà Mau.

Tổng diện tích rừng trồng keo bị bệnh chết héo thống kể được thuộc 17 tỉnh là trên 2.000ha. Kết quả theo dõi định kỳ hàng năm cho thấy bệnh chết héo đang có xu hướng lan rộng và tăng nặng hơn theo thời gian. Năm 2016, Tổng công ty Giấy Việt nam ghi nhận hơn 1.500ha rừng bị nhiễm bệnh.

Năm 2019, kết quả điều tra bệnh chết héo tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam cho thấy một số diện tích bị hại nặng và đã phải thanh lý. Đặc biệt Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài (Phú Thọ) đã thống kê số lượng cây chết héo từ năm 2015 đến 2019, tổng số cây bị chết héo hằng năm tương ứng khoảng 50ha/năm. Đến nay, bệnh chết héo ghi nhận đã xuất hiện ở hầu hết các địa phương trồng keo.

Theo GS.TS Võ Đại Hải, trong những năm qua Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu nhiều đề tài, mô hình lâm sinh nhằm tìm ra các biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh chết héo do nấm Ceratocystis sp cho keo lá tràm, keo lai và keo tai tượng, qua đó bước đầu tìm ra một số quy trình, giải pháp sau:

Nguyên nhân gây bệnh chết héo cây keo

Từ 225 mẫu cây bị bệnh đã phân lập được 110 mẫu nấm gây bệnh chết héo. Trình tự đoạn gen β-tubulin 1 của các chủng nấm gây bệnh được so sánh với các chủng tham chiếu thuộc các loài thuộc chi Ceratocystis. Kết quả đã xác định các chủng nêu trên tương đồng trên 99,6-100% với loài Ceratocystis manginecans.

Đặc điểm sinh học nấm Ceratocystis manginecans

Triệu chứng điển hình của bệnh chết héo keo lai, keo tai tượng và keo lá tràm do nấm C. manginecans là trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể chảy nước hoặc sùi bọt.

Phần gỗ ở vị trí vết bệnh bị biến màu, gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo nhưng lá vẫn treo trên cây. Sau đó lá héo khô, rụng và cây chết.

Cơ chế gây bệnh: Nấm xâm nhiễm vào cây thông qua các vết thương, nấm phát triển làm bít mạch dẫn nước từ rễ lên ngọn làm cho tán cây thiếu nước, lá bị héo và sau đó làm cây chết. Nấm gây hại tập trung ở giai đoạn 1-3 năm tuổi, thời gian ử bệnh từ 3-6 tháng.

Nấm gây bệnh chết héo xâm nhiễm vào cây chủ trong các tháng có độ ẩm cao và các tháng có lượng mưa nhiều. Thời gian xuất hiện triệu chứng bệnh nặng nhất trong các tháng sau mùa mưa.

Nấm gây hại và lây lan mạnh trên các lập địa đã canh tác liên tục nhiều luân kỳ keo, đặc biệt là các khu vực trồng keo với diện tích lớn, nơi có lượng mưa cao.

Thí nghiệm gây bệnh nhân xác định được 18 chủng gây bệnh rất mạnh, 28 chủng gây bệnh mạnh, 43 chủng gây bệnh trung bình và 1 chủng gây bệnh yếu.

Khi gây bệnh trên vỏ cây (bên ngoài vỏ cây, không gây tổn thương), nấm không thể xâm nhập và gây bệnh cho cây. Khi gây tổn thương và nhiễm bệnh vào lớp tượng tượng tầng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nấm xâm nhập với thời gian ủ bệnh chỉ từ 5-7 ngày và 100% cây thí nghiệm bị nhiễm bệnh.

Kết quả đặt bẫy bào tử trong rừng trồng Keo lá tràm, keo lai và Keo tai tượng cho thấy ở cả 10 độ cao từ 60cm đến 150cm so với mặt đất đều xuất hiện bào tử nấm Ceratocystis sp. và đều tập trung nhiều ở hai độ cao 110cm và 120cm so với mặt đất.

Nấm Ceratocystis sp. tồn tại trong đất, đặc biệt trong đất rừng keo đang bị nhiễm bệnh rất phổ biến. Tỷ lệ mẫu đất có nhiễm nấm ở thời điểm ngay sau khi khai thác rất cao, trên 90%. Khả năng tồn tại của nấm Ceratocystis sp. trong đất giảm dần theo thời gian, đến thời điểm 12 tháng sau khai thác vẫn ghi nhận trên 23% mẫu đất có nhiễm nấm.

Hệ sợi nấm sinh trưởng mạnh nhất ở 25oC, tốc độ sinh trưởng đạt 4,95 mm/ngày. Tốc độ sinh trưởng của sợi nấm cao nhất ở độ ẩm 80%, đạt 5,1 mm/ngày. Ở độ pH từ 5,5 đến 7,0 tốc độ sinh trưởng của nấm rất nhanh, đạt từ 5,07 đến 5,56 mm/ngày, cao nhất là độ pH 6,5 với tốc độ sinh trưởng 5,56 mm/ngày.

Hình ảnh bệnh chết héo keo lai. Ảnh: Vafs.

Hình ảnh bệnh chết héo keo lai. Ảnh: Vafs.

Đặc điểm sinh thái nấm Ceratocystis manginecans

Ảnh hưởng của tuổi cây đến khả năng xâm nhiễm của nấm gây bệnh

Tuổi cây có ảnh hưởng rõ đến khả năng bị nhiễm bệnh khi tỉa cành vào giữa mùa mưa, trong đó rừng keo ở cấp tuổi nhỏ có tỷ lệ bị bệnh và mức độ bị bệnh nặng hơn so với ở các cấp tuổi cao hơn. Mức độ bị bệnh và tỷ lệ bị bệnh trung bình tương ứng với Keo lá tràm ở giai đoạn < 3 năm tuổi là 12,71% và 16,20%; với keo lai là 18,63% và 22,59%. Ở giai đoạn > 5 năm tuổi, mức độ bị bệnh và tỷ lệ bị bệnh giảm rõ rệt, tương ứng chỉ là 6,19% và 8,43% với Keo lá tràm; 7,15% và 9,63% với keo lai.

Ảnh hưởng của lịch sử canh tác đến khả năng xâm nhiễm của nấm gây bệnh

Khả năng rừng trồng các loài keo bị nấm gây bệnh xâm nhiễm mạnh nhất khi trồng liên tiếp hai luân kỳ keo trở lên và trồng xen canh cây nông nghiệp.

 

Khả năng rừng trồng các loài keo bị nấm gây bệnh chết héo xâm nhiễm mạnh nhất khi trồng ở những nơi có lượng mưa trên 2.400mm/năm và ở giảm dầm ở các lập địa khô hạn hơn. Tuy nhiên, điều kiện rất khô hạn như ở Ninh Thuận và Bình Thuận, rừng trồng keo lai, Keo lá tràm và Keo tai tượng vẫn bị bệnh chết héo. Qua đó cho thấy khả năng phát tán và gây bệnh cảu nấm Ceratocystis rất mạnh.

Kết quả nghiên cứu các biện pháp phòng chống bệnh chết héo cây keo

Biện pháp lâm sinh

+ Tỉa cành vào mùa khô tỉa đầu cành với cây dưới 1 năm tuổi, và tỉa đúng kỹ thuật, không làm tổn thương gốc cành đã hạn chế hiệu quả nấm gây bệnh xâm nhiễm vào cây. Tỷ lệ cây bị bệnh giảm giảm từ 70-75% so với đối chứng.

+ Phơi ải và bón vôi bột đã hạn chế hiệu quả nấm gây bệnh trong các hố đất trồng cây. Đặc biệt là các hố được bón vôi bột hoàn toàn không ghi nhận nấm gây bệnh chết héo sau 30 ngày xử lý.

Biện pháp sinh học

Đã xác định được thuốc sinh học Biobus 100WP và vi khuẩn Bacillus subtilis có hiệu lực ức chế mạnh đối với nấm C. manginecans, hiệu quả trừ nấm gây bệnh cao hơn 40-45% so với đối chứng. Hai loại thuốc sinh học này có khả năng phòng bệnh tốt nhưng yêu cầu thời gian dài.

Biện pháp hóa học

Đã xác định được bốn loại thuốc hóa học Ridomid gold 68WG, Carbenzim 500FL, Ao’Yo 300SC, Lanomyl 680WP có hiệu lực ức chế rất mạnh đối với nấm C. manginecans, hiệu quả trừ nấm gây bệnh cao hơn 75-80% so với đối chứng.

Mô hình trồng mới

+ Sử dụng giống đã được xác định có khả năng chống chịu bệnh chết héo gồm Keo lai AH7 (hom), Keo lá tràm AA9 (hom) và Keo tai tượng xuất xứ Úc (hạt).

+ Giải phóng đất trước 3 tháng; thu dọn tàn dư thực vật, tiêu hủy những cây keo đã bị bệnh chết héo; đào hố trồng trước khi trồng 1 tháng; bón vôi (0,5 kg/hố) và trộn đều với đất trong hố ngay sau khi đào hố; phơi ải hố 2 tuần sau khi bón vôi. Mật độ trồng từ 1.660 cây/ha, bón lót 200g NPK/hố.

+ Bảo vệ khỏi tác động của gia xúc; tỉa cành vào mùa khô và tiến hành tỉa đầu cành khi cây đạt 5-6 tháng tuổi, cây cao trên 1,2m; Tỉa cành bằng kéo và cưa, không gây tổn thương.

+ Chăm sóc, phát dọn thực bì 2 lần/năm. Tuyệt đối không làm tổn thương rễ khi xới gốc, chăm sóc.

+ Bón chế phẩm chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma và vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis vào đầu mùa mưa của năm thứ 2 sau khi trồng. Kết quả, hiệu quả trừ nấm gây bệnh đạt 90% so với đối chứng.

Mô hình phòng trừ tổng hợp trên rừng có sẵn

+ Bảo vệ các diện tích rừng trồng keo khỏi tác động của gia xúc.

+ Chăm sóc, phát dọn thực bì 2 lần/năm. Tuyệt đối không làm tổn thương rễ khi xới gốc, chăm sóc.

+ Thường xuyên kiểm tra và chặt, tiêu hủy những cây keo có triệu chứng bệnh chết héo gây hại nặng.

+ Tỉa cành vào mùa khô, tiến hành tỉa đầu cành khi cây đạt 5-6 tháng tuổi, cây cao trên 1,2m; với các đợt tỉa cành sau sử dụng cưa hoặc kéo cắt cành để tỉa cành, tỉa sát thân với các cành có đường kính trên 1 cm, với cành nhỏ hơn 1 cm có thể tỉa cánh thân 10 cm, không chế gây tổn thương phần gốc cành.

+ Sử dụng chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma và vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis vào đầu mùa mưa.

+ Sử dụng thuốc trừ bệnh hóa học có hoạt chất Metalaxyl (tên thương phẩm là Metaxyl 500WP) khi cây bị nhiễm bệnh nhẹ (cấp bệnh trung bình dưới 1) và tỷ lệ cây bị bệnh dưới 15%. Phun nhắc lại 2 lần, cách nhau 7-10 ngày.

- Kết quả: Hiệu quả trừ nấm gây bệnh đạt trên 75-80% so với đối chứng. Các cây mới bị nhiễm bệnh nhẹ đều có thể phục hồi.

Kết quả sàng lọc các giống keo có triển vọng tại vườn ươm bằng phương pháp nhiễm bệnh nhân tạo

+ Đã bước đầu xác định được 17 dòng Keo lai mới: BV584, BV523, BV434, BV350, BB055, BV105, BV265, BV330, BV355, BV372, BV389, BV430, BV474, BV466, BV511, BV547, BV566 có khả năng chống chịu. Trong đó, các giống BV584, BV523, BV434, BV350, BB055 đã được công nhận là giống cây trồng lâm nghiệp mới năm 2019.

+ Đã chọn lọc được các dòng Keo lai đã được công nhận dòng gồm BV10, BV16, BV71, BV73, BV75 có khả năng chống chịu bệnh.

Kết quả khảo nghiệm dòng vô tính kết hợp nhiễm bệnh tự nhiên bằng phương pháp gây tạo vết thương trên thân cây

+ Bước đầu đã xác định được 9 dòng Keo lai có sinh trưởng nhanh và có tính chống chịu với bệnh chết héo: BV10, TB12, BV584, BV523, BV434, BV350, BB055, BV586, BV376.

+ Bước đầu xác định các dòng Keo lá tràm có khả năng chống chịu bệnh chết héo: CLT7, CLT18, CLT25, CLT26, CLT43, CLT57, CLT64, CLT98, CLT171, AA9.

Hình ảnh bệnh vàng lá. Ảnh: VAFS.

Hình ảnh bệnh vàng lá. Ảnh: VAFS.

Kết quả chọn giống keo lá tràm có tính kháng bệnh chết héo

Đã xác định được 4 gia đình có khả năng kháng bệnh tốt nhất (100% cây không bị chết sau 3 lần gây nhiễm với 3 chủng nấm có độc lực): TH160, 143, 131 và TH62.

Trên cơ sở các kết quả và mô hình, đề tài đã nghiên cứu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đề xuất một số biện pháp, giải pháp phòng trừ bệnh chết héo cây keo, trong đó cần điều tra, đánh giá tình hình chết keo trên phạm vi toàn quốc và xác định nguyên nhân gây chết keo. Khuyến cáo áp dụng ngay quy trình tạm thời phòng chống bệnh chết héo keo. Chọn giống keo chống chịu bệnh chết héo.

Đối với bệnh vàng lá keo: Từ năm 2018, đã ghi bệnh vàng lá gây hại rừng trồng keo lai, keo tai tượng tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Sơ bộ ban đầu xác định nguyên nhân gây bệnh vàng lá do các loài nấm thuộc chi Phytophthora nhưng chưa xác định được loài và chưa xác định được cơ chế gây bệnh, cơ chế lây nhiễm, do vậy cũng chưa có biện pháp phòng chống.

Bệnh vàng lá xuất hiện ở cả vườn ươm, vườn cấp hom và rừng trồng ở giai đoạn 1-2 năm tuổi. Cây bị bệnh có triệu chứng vàng lá, nhiều chồi, không hình thành thân chính.

Đề xuất: Xác định loài nấm gây bệnh vàng lá keo, xác định cơ chế lây lan và truyền bệnh, nghiên cứu giải pháp tổng hợp quản lý bệnh vàng lá, chọn giống kháng bệnh vàng lá.

Theo Nguyên Huân/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập177
  • Hôm nay30,934
  • Tháng hiện tại806,212
  • Tổng lượt truy cập91,979,941
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây