Đã qua tuổi “lục tuần”, bước đi dáng đứng của Tà-in Tá vẫn lanh lợi như trai làng. Anh dẫn đường đưa chúng tôi lội ruộng trên những bờ thửa nhỏ hẹp vừa đủ bước chân người đi. Đứng trên cánh đồng Ruộng Soi, anh cho biết khu ruộng này rộng khoảng 3 ha, bà con xuống giống vụ đông-xuân vào đầu tháng 1-2017.
Tuy được hưởng lợi từ hồ Phước Trung, nhưng do nằm ở vùng cuối kênh nên thường xuyên bị hụt nước vào mùa khô. Khi cây lúa tròn mình chuẩn bị trổ bông thì thiếu nước tưới. Gia đình anh có giếng chủ động bơm tưới cho 6 sào ruộng nên bảo đảm thu hoạch cho năng suất khoảng 7 tạ/sào.
Các nông hộ quanh vùng gieo lúa cùng thời điểm đều bị hụt nước, Tà-in Tá chia sẻ nguồn nước “miễn phí”, đồng thời cho bà con mượn máy, ống dẫn bơm nước tưới cứu lúa với diện tích trên 2 ha của các hộ Mai Tốt 6 sào, Tà-in Hoan 4 sào, Tà-in Bọng 4 sào, Bo Máy 2,5 sào… Sau hơn 3 tháng đứng đồng, cây lúa bắt đầu chín rộ, năng suất ước đạt 65-70 tạ/ha.
Anh Tá bơm nước cứu lúa giúp bà con trên cánh đồng Ruộng Soi.
Cách đây 4 năm vào thời điểm khô hạn nhất của tỉnh ta, anh Tà-in Ná quyết tâm đào giếng khai thác mạch nước ngầm bơm tưới canh tác đậu xanh trên ruộng lúa. Anh đã kiên trì đào giếng đến lần thứ 5 mới gặp được mạch nước tốt.
Giếng đào sâu 10 m, thả 20 bi xi măng và lắp đặt máy dầu D15 bơm tưới. Nhờ có giếng đào, anh chủ động bơm tưới bổ sung cho cây lúa và chia sẻ nguồn nước giúp bà con thôn xóm. Tà-in Ná cho biết: Mình đào được giếng có nguồn mạch thấm từ suối Sa Ra vô luôn đầy nước. Tôi cho mượn giếng, mượn máy, mượn ống, bà con chỉ tốn tiền mua dầu đổ vô máy bơm tưới 4-5 lứa là lúa chín có thu hoạch.
Tà-in Tá là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của thôn Mỹ Hiệp. Khi lập gia đình, anh khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, vợ chồng đi làm thuê cuốc mướn sinh sống qua ngày. Đến năm 1982, vợ chồng anh tích lũy vốn mua con bò cái giống. Từ một con bò cái được chăm sóc chu đáo đã sinh sản hàng chục con bò. Anh bán bò xây nhà ở khang trang và mua sắm thiết bị cơ giới đưa vào đồng ruộng.
Từ chiếc máy tuốt lúa đầu tiên mua năm 2007 với giá 36 triệu đồng, đến nay anh là chủ nhân của hai chiếc máy cày Shibaura D26 và D28F do Nhật Bản sản xuất và một chiếc máy đập ra hạt bắp, đậu xanh trị giá trên 300 triệu đồng. Nguồn hoa lợi canh tác 4 ha đất trồng hoa màu, 6 sào ruộng lúa kết hợp chăn nuôi bò và làm dịch vụ cơ khí, gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, bảo đảm cuộc sống no ấm. Bà con thôn xóm khó khăn đều được anh tận tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.
“Qua 42 năm đất nước hòa bình và 25 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận, Nhà nước đã quan tâm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhà nước giúp đỡ bà con xây dựng nhà ở, hỗ trợ giống sản xuất, ưu tiên cho con em thôn Mỹ Hiệp học tập, có nhiều người tốt nghiệp đại học. Tôi luôn động viên xóm làng phải chủ động tính toán làm ăn, dành dụm vốn liếng đầu tư cho sản xuất, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới”-anh Tà-in Tá phấn khởi chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;