Ở nhiều địa phương trên cả nước, người nông dân đang thi nhau bỏ lúa để trồng, nuôi các cây, con khác vì nghĩ: Lúa không đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thế nhưng, ở vùng đất cằn cỗi đầy nắng gió, mưa bão, ngập lụt như Quảng Trị lại xuất hiện những cánh đồng lúa hữu cơ rộng mênh mông, trĩu bông.
Hoang mang xen lẫn hoài nghi
Giám đốc HTX Đức Xá ở xã Vĩnh Thuỷ (huyện Vĩnh Linh) Trần Văn Hải khoe: “Gần 33ha lúa hữu cơ của HTX được thu hoạch gần xong rồi, chỉ còn lại vài ba ha nữa là kết thúc vụ hè thu này thôi. Mà vụ này dù có rầy nâu hại lúa, nông dân vẫn thắng lớn!”.
Người nông dân chân lấm tay bùn không ngại vất vả, có lợi nhuận là sẽ quyết tâm |
"Để có được thành quả ngọt ngào này là cả một quá trình gian nan vất vả trước đó". Ông nhớ lại: Hồi mới nghe đến “mô hình trồng lúa hữu cơ”, những người nông dân đầu hai thứ tóc như ông cảm thấy hoang mang, chẳng hiểu gì. Suốt bao năm qua, nông dân nơi đây đã quen kiểu ai thích trồng lúa thì trồng lúa, ai thích trồng rau thì trồng rau… ruộng là của mình nên không ai quản, cũng chẳng phải làm theo ai.
Giờ làm “lúa hữu cơ” - nhất cử nhất động phải nghe theo DN lại nhiều điều kiện khắt khe, gò bó nên ai nấy có chút hoang mang, xen lẫn hoài nghi.
“Tôi là người đứng đầu HTX, khi ấy còn phân vân, huống hồ các xã viên”. Thế nên, ông Hải cho biết, vận động người dân tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ là cực kỳ khó khăn.
Ông Trần Văn Hải |
Sau khi làm việc với chính quyền cấp tỉnh, huyện, với cả DN liên kết trực tiếp cùng nông dân, ông bắt đầu về HTX mình vận động xã viên tham gia.
Các buổi họp được tổ chức để phân tích cho các hộ dân hiểu về quy trình trồng lúa hữu cơ, tiêu chuẩn làm lúa hữu cơ, về lợi ích làm lúa hữu cơ, chuyện DN ký cam kết thu mua với giá 8.000 đồng/kg, chuyện được bảo hiểm năng suất lúa tối thiếu… Một số hộ dân gật đầu đồng ý làm thử sau vài lần vận động, song nhiều người nhất quyết từ chối.
2 tháng ròng rã
Ở HTX Đức Xá này có 5 tổ đội tương ứng với 5 cánh đồng. "Sau suốt 2 tháng trời đi vận động, các xã viên ở 4 tổ đội đã đồng ý. Duy nhất tổ đội thứ 5, do 2 hộ dân nhất quyết không làm, thành ra gần 20 xã viên kia đành chịu thua và cả cánh đồng của tổ đội đành lỡ nhịp” - ông Hải nói.
Làm lúa hữu cơ có đặc điểm, nếu đã quyết tâm thì cả cánh đồng đó phải làm cùng, còn nếu chỉ một thửa ruộng không làm thì coi như bỏ cả, vì họ sẽ phun thuốc, sẽ dùng phân hoá học, hàng rào cách ly bị phá bỏ… Như thế diện tích lúa sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng.
Mà theo ông, đã làm lúa hữu cơ thì phải tâm huyết, phải quyết chí, không nên ép buộc. Bởi, nếu bị ép, trong quá trình trồng và chăm sóc, chỉ cần một bước làm sai, làm ẩu của một hộ là hỏng cả cánh đồng.
Chỉ vào cánh đồng lúa trước con đường rẽ vào trụ sở HTX Đức Xá, ông Trần Văn Hải cho biết, vụ đầu tiên, HTX của ông chỉ tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ với diện tích khiêm tốn 11ha. Thấy được mùa, lợi nhuận cao, đến vụ thứ 2 được các hộ dân ủng hộ nhiều hơn nên diện tích trồng lúa tăng lên hơn 20ha. Vụ thứ 3 vừa thu hoạch xong, diện tích đã là gần 33ha.
“Người nông dân mà, khi thấy có mô hình làm thực tế hiệu quả họ sẽ làm theo”. Ông tiết lộ, vụ này nhà ông cấy 0,8ha lúa hữu cơ, bị rầy nâu nhiều, năng suất giảm hơn vụ đầu tiên nhưng bán lúa tươi xong vẫn thu được tiền lãi 40 triệu đồng/2 vụ.
Ở HTX ông phụ trách, có hộ xã viên chỉ có 2 vợ chồng làm được 2ha lúa hữu cơ, một năm 2 vụ lúa, trừ hết chi phí phân, giống họ cũng có khoảng 65 triệu đồng chứ không ít.
Lúa hữu cơ không dùng thuốc bảo vệ thực vật |
Ông Hải cho biết, người nông dân chân lấm tay bùn không ngại vất vả, chỉ cần làm có lợi nhuận là sẽ quyết tâm.
"Xếp hàng" xin trồng lúa hữu cơ
Ba vụ đã thành công, nông dân bội thu, vụ nào bán lúa xong cũng có lời cao. Thế nên, các hộ nông dân khác “xếp hàng” xin được trồng lúa theo mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Thậm chí, chính 2 hộ nhất quyết từ chối lúa hữu cơ dù đã được xuống tận nhà vận động nhiều lần, nay cũng xin được gia nhập mô hình trồng lúa này.
Kế hoạch vụ tới sẽ mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ của HTX lên gấp đôi so với bây giờ, trong khi hiện tại có khoảng 40 hộ dân đăng ký tham gia. Thế nên, HTX đang xem xét và quy hoạch vùng trồng cho thật hợp lý, xem chất đất, hệ thống thuỷ lợi ở những cánh đồng đó có phù hợp với lúa hữu cơ hay không.
Bà con nhận tiền ngay sau khi lúa được đưa lên bờ |
Đại diện DN sản xuất lúa hữu cơ ở Quảng Trị cũng cho biết, để người nông dân tham gia, vụ đầu tiên DN chấp nhận cung cấp miễn phí phân bón cho các hộ dân, cam kết bảo hiểm năng suất tối thiểu, mua đúng giá đã ký kết trước đó.
Đến vụ thứ 2 và thứ 3 này, dù không còn miễn phí, song DN vẫn hỗ trợ hộ dân 60% tiền phí phân bón hữu cơ vi sinh.
Đến nay, mô hình này được rất nhiều hộ dân ủng hộ. Đã có 8 HTX làm lúa hữu cơ liên kết cùng DN với tổng diện tích 142ha. Vụ tới, diện tích lúa hữu cơ sẽ được mở rộng lên khoảng gần 300ha.
Tác giả bài viết: Bảo Hân - Trần Thường
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã