Học tập đạo đức HCM

Bấp bênh với khóm

Thứ bảy - 07/07/2018 09:05
H.Tân Phước (Tiền Giang) nổi tiếng với nghề trồng khóm (dứa), nhưng suốt 2 năm nay nông dân phải bán khóm với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Thua lỗ nặng, nhiều hộ muốn chuyển đổi cây trồng nhưng không còn vốn.
Ông Bùi Văn Tám phải tự thu hoạch khóm rồi chở ra lộ lớn tìm thương lái bán
ẢNH: BẮC BÌNH
 
Chua xót nghề trồng khóm
Gia đình ông Bùi Văn Tám (52 tuổi, ngụ xã Thạnh Mỹ, H.Tân Phước) có 10 ha đất trồng khóm. Gần 1 tháng qua, mỗi ngày ông phải tự thu hoạch rồi chở bằng xuồng máy ra lộ lớn tìm thương lái để bán. “Giá khóm loại 1 (1,2 kg/trái trở lên) chỉ bán được 3.000 đồng/kg nhưng tui chọn bán xô với giá 2.500 đồng/kg, bởi có khi trái to hơn vẫn bị thương lái dạt xuống loại dưới 2.000 đồng/kg. Đã vậy, chỉ cần trái khóm dập một chút xíu do vận chuyển xa cũng bị lái lựa bỏ không mua. Tình hình này diễn ra ngay thời điểm thu hoạch suốt hơn 2 năm nay. Nghề trồng khóm bấp bênh quá”, ông Tám chia sẻ.
Hoàn cảnh bà Đoàn Thị Điểm (54 tuổi, ngụ xã Phú Mỹ, H.Tân Phước) bi đát hơn. Bà kể, cả nhà 5 người từ tỉnh Kiên Giang đến vùng đất chua phèn Tân Phước tìm kế mưu sinh. Cuối năm 2016, bà dành hơn 120 triệu đồng tích góp nhiều năm thuê hơn 2 ha đất ruộng trong 3 năm để trồng khóm, với hy vọng đổi đời. Nhưng cuối năm 2017, khi thu hoạch vụ khóm đầu tiên đã lỗ gần 50 triệu đồng do giá quá thấp. Từ đó, 3 người con của bà quyết định bỏ nghề trồng khóm, đến KCN Tân Hương (H.Châu Thành, Tiền Giang) xin làm công nhân. “Hiện ruộng khóm của tôi còn vài trăm trái nữa là hết nên tôi gánh ra đường ngồi bán, mong có người ghé mua để kiếm tiền chợ”, bà Điểm chua xót nói.
Cuối năm 2016, anh Phạm Văn Đực (30 tuổi, ấp 4 xã Thạnh Tân, H.Tân Phước) quyết định đầu tư gần 200 triệu đồng chuyển đổi 3 ha đất trồng lúa sang trồng khóm, nhưng cũng liên tục bị lỗ vì khóm mất giá. Hiện anh muốn chuyển sang cây trồng khác để phục hồi kinh tế gia đình nhưng vốn liếng không còn nữa. “Thu hoạch đợt sau nếu vẫn lỗ chắc vợ chồng tôi chỉ còn cách kiếm việc khác sinh nhai để còn lo trả nợ, chứ bám mãi ruộng khóm như vầy bế tắc quá”, anh Đực nói.
Muốn chuyển đổi cũng khó khăn
Trên 10 năm qua, vùng đất Tân Phước đã hình thành các tuyến giao thông thủy bộ thuận lợi bằng các kênh đào thẳng tắp cặp bờ ô đê bao khép kín để cải tạo chua phèn, biến nơi đây thành vùng đất nông nghiệp màu mỡ. Nhưng trên các con đường nhựa, những dòng kênh thẳng tắp chỉ lèo tèo phương tiện vận chuyển nông sản của thương lái. Ông Phạm Văn Mến, một thương lái đến từ H.Gò Công Đông (Tiền Giang), chia sẻ: “Thú thật, giờ khóm có rẻ hơn nữa tôi cũng không bán ra được nhiều vì mỗi ngày, bằng hết khả năng của mình, tôi chỉ tiêu thụ khoảng 100 tấn khóm của bà con Tân Phước. Tôi đâu có pháp nhân để xuất khẩu, mà chỉ ráng chạy khắp các chợ miền Tây, miền Đông để bỏ mối cho tiểu thương”.
Theo ông Mến, tuy là một thương lái tự do nhưng ông nhất định không “ăn xổi ở thì” với người trồng khóm trong lúc khó khăn này. Bởi, những ngày khởi nghiệp khốn khó trước kia, nhờ một số bà con trồng khóm ở Tân Phước thương tình bán chịu mà vốn liếng kinh doanh của ông mới dần khá lên. “Tôi cho rằng dù cố gắng đến mấy thì bà con trồng khóm ở Tân Phước cũng khó chờ được ngày giá khóm bán ra cao hơn giá thành sản xuất tại thời điểm thu hoạch chính. Chỉ khi có các công ty lớn thu mua chế biến, xuất khẩu mới giải cứu được nông dân Tân Phước mà thôi”, ông Mến nói.
Ông Dương Quốc Giang, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Tân - địa phương có gần 2.000 ha trồng khóm, nói: “Không có nhiều thương lái tức là không có sự cạnh tranh trên thị trường. Từ khi trái khóm khó tiêu thụ, một thương lái nhỏ ở địa phương cũng có sức mạnh “điều tiết” giá khóm với người nông dân. Nhưng ngay cả Công ty CP rau quả Tiền Giang, pháp nhân duy nhất tiêu thụ lượng khóm lớn của bà con trước kia, cũng không thiết tha nữa thì bà con khó chờ đợi ngày giá khóm tăng trở lại”, ông Giang nhận xét.
Theo ông Giang, hiện rất nhiều nông dân trên địa bàn xã muốn chuyển đổi từ cây khóm sang cây trồng khác hiệu quả hơn như thanh long, mãng cầu xiêm, chanh hoặc nuôi cá... nhưng hầu hết bà con gặp khó khăn về vốn và nhân công lao động nên đang “oằn mình” chịu đựng với những ruộng khóm già cỗi, năng suất thấp.
Giải pháp duy nhất là... giảm diện tích
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Tân Phước, nói: “Một nghịch lý trớ trêu là diện tích khóm đã tăng thêm khoảng 1.000 ha kể từ thời điểm giá khóm tươi giảm xuống dưới 4.000 đồng/kg (tức giá thành sản xuất). Bởi, ngay sau khi các ô đê bao khép kín mới hoàn thành thì bà con thường chọn trồng cây khóm trước tiên để rửa phèn chua cho đất. Khóm là cây trồng phù hợp nhất với những đất đai vừa được ô đê bao bọc. Mặc dù huyện có chủ trương, kế hoạch chuyển đổi từ cây khóm sang cây trồng có hiệu quả kinh tế và ít rủi ro hơn nhưng hơn một năm qua chỉ mới chuyển được khoảng 200 ha khóm mà thôi”.
Theo ông Hải, giá khóm giảm sâu và kéo dài gần 2 năm qua do sản lượng sản xuất tại địa phương đã trên 300.000 tấn/năm, lại chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường nội địa. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác tại khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ... đều có trồng khóm. “Tôi thấy rằng chỉ còn cách duy nhất để giải quyết tình hình khó khăn đối với cây trồng chủ lực của huyện là giảm diện tích trồng khóm”, ông Hải nói.
Theo thanhnien.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập244
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm243
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại202,322
  • Tổng lượt truy cập92,579,986
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây