Thông tin tại Hội thảo “Hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững cho Việt Nam – nghiên cứu từ tỉnh Lâm Đồng” tổ chức mới đây, ông Trần Văn Tần, Vụ Tín dụng, NHNN cho biết, NHNN đã triển khai nhiều chính sách tín dụng và các công cụ của chính sách tiền tệ đề hỗ trợ vốn cho lĩnh vực này nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn thấp hơn 1-2% so với các lĩnh vực sản xuất khác (hiện phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm đối với trung và dài hạn).
Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành thông tư 20/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn, đạt trên 40% dư nợ cho vay của tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, NHNN còn ưu tiên tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn (trên 40%) nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn cho vay.
Chính vì những ưu đãi như trên nên dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2011-2015 là 17,39%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (13,51%).
Tính đến cuối năm 2015, dự nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn (chưa bao gồm dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đạt 843.795 tỷ đồng, tăng 13,32% so với cuối năm 2014, chiếm 18,12% tỷ trọng tín dụng chung.
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập còn nhiều khó khăn, trong khi nền nông nghiệp của Việt Nam còn phát triển dưới dạng hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, giá trị gia tăng thấp, ông Trần Văn Tần cho rằng, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiến để tập trung nguồn vốn cho vay, có tính đến các chương trình tín dụng đặc thù cho một số lĩnh vực và sản phẩm chủ lực của ngành.
Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ rà soát để đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản vay để đảm bảo đúng mục đích, an toàn, hiệu quả.
Cùng với nỗ lực của hệ thống ngân hàng, ông Takahashi Akito, Phó Trưởng Đại diện JICA Việt Nam cho rằng, hệ thống ngân hàng cần đến 4 giải pháp để cải thiện tình hình cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Theo đó, các ngân hàng phải có sự hỗ trợ liên quan đến tài sản đảm bảo giúp sửa chữa những thiếu sót trong việc phát triển thị trường thứ cấp về tài sản của hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bằng cách phát triển thị trường tài sản này như một gói tổng thể. Thông qua đó, hoạt này sẽ giúp điều phối các bên liên quan cũng như vận hành một cơ sở dữ liệu về tài sản của hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
Hơn nữa, các ngân hàng nên có chương trình hỗ trợ phát triển kế hoạch kinh doanh tốt gắn liền với chuỗi giá trị để áp dụng thông suốt Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục phát triển nông nghiệp nông thôn trong đó có chính sách yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ cho vay không cần tài sản đảm bảo.
Đặc biệt, đại diện JICA cũng cho rằng, các tổ chức tín dụng nên có phương án bảo lãnh tín dụng, giúp giảm yêu cầu về tài sản đảm bảo. Hoặc các ngân hàng nên cung cấp tín dụng từng phần (trả góp). Từ đó, cùng với các khoản vay ưu đãi từ nguồn vốn ODA, người vay có thể giảm cả gánh nặng đầu tư ban đầu lẫn yêu cầu về tài sản đảm bảo của ngân hàng.
Theo baohaiquan.vn