Đã từng đọc báo, nghe kể rất nhiều về Ba Huân, người đàn bà đi từ luỹ tre làng sang đất nước xa xôi Hà Lan tìm đường cứu “trứng”, nhưng phải đến một ngày đầu tháng 3/2016, tôi mới có dịp gặp mặt.
Đó là cuộc hội thảo về tiêu dùng thực phẩm sạch tại vườn Bách Thảo, Hà Nội. Vẫn gương mặt thân quen trên báo, vẫn nụ cười đôn hậu, ánh mắt lóng lánh mà sắc sảo, Ba Huân ấn tượng bởi cách mà bà hướng dẫn người dân phân biệt thực phẩm sạch tận tình, chu đáo.
Phải mất một hồi lâu năn nỉ, tôi mới có được cuộc trò chuyện kéo dài chưa đến 15 phút với “vua trứng Việt Nam”.
“Bận. Tôi bận lắm, sáng vừa bay ở Sài Gòn ra, sau hội thảo này tôi lại phải bay gấp về để gặp đối tác”, Ba Huân tay cầm con gà, bắt đầu câu chuyện.
Ký ức về ngày đầu tiên đi buôn trứng như chuyện vừa mới hôm qua kể lại. Ba Huân hồi tưởng, 50 năm trước, khi đó mới 12 tuổi, học chưa hết cấp 2 trường làng, cô bé Phạm Thị Huân (tên thật của bà Ba Huân, sinh năm 1954, quê ở Long An) đã lẽo đẽo theo mẹ ra chợ làng bán trứng. 4 năm sau, được mẹ giao toàn bộ gánh trứng, Ba Huân rong ruổi từ làng này đến làng kia.
Và nghiệp bán trứng bắt đầu từ đó.
Sau những năm tháng bôn ba, bươn chải, hạnh phúc đầu đời của Phạm Thị Huân là điều phối một mạng lưới kinh doanh trứng gia cầm rộng dài từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Những tưởng thành công cứ thế mà vang dội, ai ngờ rằng dịch cúm gia cầm H5N1 ập xuống, “đập vỡ tan” những quả trứng còn hồng màu vỏ.
“6 tỷ đồng lúc ấy không cánh mà bay. Đó là khoản tiền tôi cho nợ gối đầu và ứng vốn cho nông dân chăn nuôi. Lúc đó, nói là tiếc thì cũng chẳng phải nhưng nhìn cảnh nông dân bất lực, đau đớn, tôi như ngây dại, xót xa, ăn không ngon ngủ cũng không yên", Ba Huân chậm rãi.
Hàng trăm câu hỏi thôi thúc, một ngày mùa hè năm 2005, Ba Huân quyết định tay xách nách mang, quần áo và một chút tiền dành dụm ra đi đi tìm đường cứu trứng. Đi từ Trung Quốc, sang Australia rồi Ba Huân bất ngờ dừng lại ở Hà Lan với một cuốn cataloge trên tay giới thiệu về máy xử lý trứng của hãng Moba.
Bà Huân bảo, nửa chữ cắn đôi tiếng Anh còn không biết nhưng với nỗ lực và tâm huyết, hàng loạt câu hỏi của bà khiến các chuyên gia của hãng Moba phải vò đầu bứt tóc mà tìm cách giải thích.
Họ nói rằng người Việt xưa nay coi quả trứng là thành phẩm nhưng đó mới chỉ là nguyên liệu, phải qua một quy trình xử lý để rửa bỏ chất bẩn, chiếu tia UV diệt khuẩn, bao một lớp dầu bảo vệ bịt kín lỗ thông hơi trên vỏ trứng mới an toàn…
Về Việt Nam, ngay lập tức bà đem hết vốn liếng ra để xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm, thành lập Công ty TNHH Ba Huân với công suất 65.000 trứng/giờ. Số vốn cũng phải lên đến 30 tỷ đồng.
"Cuộc đời tôi không có gì vui bằng khi quy trình xử lý trứng được nhấn nút, người nông dân quê mùa chất phác đã ôm tôi và nói trong nước mắt: Cô Ba ơi, mình sống rồi! Có lẽ, tôi là người đàn bà lấy trứng chọi đá đúng như người ta nói thật”, bà Huân mỉm cười nói.
Cứ như thế, từ việc xử lý, đóng gói bằng tay, nhà máy xử lý trứng gia cầm của công ty Ba Huân đã đưa sản phẩm Việt Nam ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Quả trứng gà, trứng vịt Việt Nam tự tin đi vào các khách sạn quốc tế, các công ty, doanh nghiệp dùng trứng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm...
Ở trong nước, thay vì chỉ bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn, trứng gà Ba Huân được phân phối tới từng chợ, quầy bán lẻ. Bà Huân nói, bất kể ai muốn mở sạp bán trứng Ba Huân chỉ cần số vốn 1 - 2 triệu đồng sẽ được công ty cấp khay đựng, vận chuyển đến tận nơi.
Đến nay, Công ty TNHH Ba Huân đã có hai dây chuyển xử lý trứng với công suất 185.000 trứng/giờ, với trang trại gà 1 triệu con, một nhà máy chế biến thực phẩm công nghệ hiện đại đặt tại Long An với công suất 20 tấn/ngày…
Ở cái tuổi 62, khi bạn bè, đồng nghiệp quây quần bên con cháu hưởng thụ những năm tháng tuổi xế chiều thì Ba Huân vẫn đang ngày đêm tảo tần, lo đi bán trứng cho người nông dân.
Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do như TPP, hay AEC… ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi gia cầm nói riêng đứng trước nguy cơ thất bại trên sân nhà, Ba Huân như ngồi trên đống lửa.
Không chỉ liên tiếp đi ra nước ngoài, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tìm đầu ra cho trứng và gia cầm sạch Việt Nam, Ba Huân còn đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao tại Phúc Thọ Hà Nội với số vốn khoảng 100 tỷ đồng.
“Khi thành lập nhà máy ở HN, chúng tôi đã gắn kết với rất nhiều hộ nông dân ở Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ vừa hướng dẫn tận tình người dân làm, vừa để bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân đứng vững hơn trong thị trường dự báo đầy khốc liệt này”, Ba Huân nói.
Người phụ nữ đi bên cạnh Ba Huân kể, đi bất cứ đâu, gặp nông dân hay lãnh đạo chính quyền, người tiêu dùng hay chủ cửa hàng, siêu thị, Ba Huân cũng dặn từng người phải gắn kết lại với nhau.
Những chuỗi sản xuất nhỏ lẻ phải có nhạc trưởng để gắn kết các doanh nghiệp trong nước lại với nhau, người sản xuất gắn kết với hệ thống phân phối, doanh nghiệp bé bắt tay với doanh nghiệp lớn. Có như thế, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam mới không chết được.
Thậm chí, mỗi năm Ba Huân còn chi hàng tỷ đồng tiền túi đưa đội ngũ, nhân viên của mình sang nước ngoài học quy trình chăn nuôi, sản xuất thực phẩm sạch bằng công nghệ cao.
45 năm gắn bó với nền nông nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, gỡ khó khăn cho nông dân Nam Bộ, Ba Huân được người dân Nam Bộ xướng tên "nữ hoàng hột vịt" hay "Vua trứng Việt Nam"...
Bà còn được Nhà nước trao bằng khen, chứng nhận cao quý như "Nữ doanh nhân đảm đang, thành đạt"; "Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu", Bà còn lọt top 100 người phụ nữ nổi bật nhất năm 2012 của thế giới...
Khép lại câu chuyện đi tìm đường cứu trứng Việt Nam, chia tay bà vào Sài Gòn, tôi hỏi: Làm việc với cường độ như thế, đến khi nào bà sẽ nghỉ hưu và truyền cho người kế nhiệm?
Ba Huân gấp gáp trả lời: “Ở nước ngoài, phụ nữ đến 80 tuổi vẫn còn lo làm giàu thì tôi chẳng có lý do gì để nghỉ hưu sớm. Đến 80 tuổi, còn khoẻ thì tôi còn đi tìm đường bán trứng cho nông dân Việt Nam và truyền lửa cho đội ngũ kế thừa".
Theo Trí Thức Trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã