Ảnh minh họa từ internet
Khoảng cách lối ruộng này sang lối ruộng khác thường có những cái mương nước nhỏ hẹp. Bắt cua đồng thì dễ hơn bắt cá nhiều nhưng khéo léo và kinh nghiệm vẫn hơn là tự thân mò mẫm, được chăng hay chớ. Cua đồng ngày hè ít trú ngụ trong hang như nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa khi mới 11 tuổi đã viết: “Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy...”.
Chúng tôi chỉ việc chặn một đầu mương lại, rồi đặt chiếc lờ ở cuối mương đã được lấp kín xung quanh bằng đất nhão rồi cứ thế dùng cây cỏ lùa xuôi theo mương nước là cua tự khắc lồm cồm bò vào trong lờ theo dòng nước nóng hổi và ít ỏi còn lại. Ở các thửa ruộng mà sáng sớm người lớn cho trâu bừa đất bằng phẳng để chuẩn bị gieo cấy, lũ cua đồng khi ấy sẽ không còn chỗ nương náu. Chớp lấy thời cơ, chúng tôi sẽ chọn thời điểm chính ngọ để ra đồng, cứ thế, hớn hở nhặt những chú cua đang trần trụi phơi mình dưới cái nắng bỏng rát cho vào oi, từ mẻ này đến mẻ khác.
Cua chúng tôi mang về được mẹ cho lội qua nước nhiều lần để rũ sạch rêu rong bám quanh mai nó. Tiếp đến, mẹ bóc mai, lột yếm rồi cho vào cối gỗ giã nhuyễn. Cua sau khi được giã sơ qua sẽ được mẹ lọc qua nước, rồi tiếp tục giã thêm 2 lần nữa, đến khi nào nước cua không bị lẫn bởi bã cua nữa. Gạch trong mai cua được mẹ dùng que tăm tre cật tỉ mẫn khều ra, trộn thêm hành với gia vị phi lên.
Nước cua khi nấu sôi, riêu cua sẽ từ từ nổi lên kín mặt nồi, mẹ bốc từng nắm rau tập tàng bỏ vào, đảo nhẹ, sao cho riêu và rau quyện vào nhau đượm thấm và bốc mùi thơm lựng. Gạch cua được chế biến trước đó, mẹ múc trải đều một lớp trên bề mặt tô canh, nước canh tự khắc dậy màu vàng rộm, chưa nếm mà đã nghe mùi mẫn cả mọi giác quan. Canh cua đồng ăn với cà pháo muối mặn, thật không còn gì đậm đà hơn! Cua đồng còn được dùng để nấu riêu (bún riêu) và nhiều món khác nhưng trong bữa chính, canh cua đồng vẫn có hương vị riêng.
Nguyễn Tiến Dũng/baohatinh.vn