Tham dự có PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, thành viên ban cố vấn chương trình; đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, Phòng NN-PTNT các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, các cơ quan liên quan và gần 40 nông dân trồng lúa.
Quang cảnh hội thảo |
Các đại biểu được giới thiệu và “mắt thấy, tai nghe” tại 5 điểm ruộng trình diễn canh tác lúa thông minh (0,5 ha/điểm) được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, từ làm đất, gieo sạ thưa bằng công cụ sạ hàng hoặc máy phun hạt, bón phân chuyên dùng, quản lý dịch hại, đến chăm sóc, tưới hợp lý...
Theo đó, sạ thưa với lượng giống 80 kg/ha là yếu tố chính tác động dây chuyền đến toàn bộ gói kỹ thuật sản xuất lúa. Các đại biểu hoàn toàn “tâm phục, khẩu phục” với nhận xét của các nông dân thực hiện mô hình.
Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, so với ruộng đối chứng, tất cả 5 ruộng mô hình cây lúa đều cao và cho bông lớn hơn; ruộng ít cỏ hơn nhờ giống tốt và làm đất kỹ; bệnh cháy bìa lá nhiễm nhẹ hơn nên năng suất cao hơn.
Chia sẻ với các đại biểu, nông dân Nguyễn Văn Út, người thực hiện mô hình trình diễn cho rằng, điều kiện “cần” để giải “bài toán” sạ thưa thành công phải thỏa điều kiện “3 tốt” gồm đất tốt, giống tốt và quản lý dịch hại tốt. Đất tốt là ruộng được làm đất kỹ, bằng phẳng, thoát nước tốt; không bị phèn, ngộ độc hữu cơ. Giống tốt là giống đạt cấp xác nhận trở lên, được ngâm ủ đúng kỹ thuật để có hạt nẩy mầm khỏe. Quản lý tốt dịch hại các dịch hại ốc bươu vàng, bù lạch và cỏ dại trong giai đoạn mới gieo sạ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc HTX Tín Phát cũng là người tham gia thực hiện mô hình thì cho rằng, điều kiện “đủ” để nông dân mạnh dạn áp dụng sạ thưa mà không sợ bị “rầy rà” từ... bà xã là có công cụ gieo sạ phù hợp. Theo ông Đậm và nhiều nông dân khác trong HTX thì máy phun hạt là công cụ phù hợp nhất để sạ thưa trong điều kiện hiện nay.
Các đại biểu càng được thuyết phục và yên tâm hơn với quy trình canh tác lúa thông minh khi nghe nhóm thực hiện phân tích chi tiết, so sánh về chi phí đầu tư, năng suất, giá thành và hiệu quả kinh tế của ruộng mô hình và ruộng đối chứng.
Tham quan mô hình |
Theo đó, ruộng mô hình giảm được lượng giống 145 kg/ha, tương đương 1.145.000 đồng/ha; giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được 936.000 đồng/ha; trong khi năng suất (lúa tươi) cao hơn 500 kg/ha, tương đương 2.500.000 đ/ha. Kết quả này giúp giảm giá thành được 504 đồng/kg lúa tươi và hiệu quả kinh tế của ruộng mô hình đạt cao hơn so với ruộng đối chứng là 4.608.000 đồng/ha.
Đối với vùng ngọt của tỉnh Sóc Trăng, nơi canh tác lúa 3 vụ/năm, nông dân vốn có tập quán sạ dày với lượng giống từ 200 kg/ha trở lên thì mô hình có tác động rất quan trọng đến nhận thức của nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ.
Canh tác lúa thông minh với tiền đề là giảm lượng giống gieo sạ nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, giảm lượng khí nhà kính, giúp nông dân sản xuất thông minh và bền vững hơn. Đồng thời, việc nhân rộng mô hình cũng góp phần giúp nông dân thực hiện đạt các tiêu chí “3 giảm” của dự án VnSAT đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Từ hiệu quả mang tính thuyết phục cao của mô hình, ông Trương Văn Lượng, Giám đốc HTX Thành Công (xã Thới An Hội) kiến nghị Ban Quản lý dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan liên quan hỗ trợ về kỹ thuật và thiết bị để nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh tại các HTX trong huyện, nhất là các khu vực bị ảnh hưởng mặn, hạn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã