Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP - chuyên sản xuất rau sạch theo công nghệ cao Lê Văn Cường cho biết, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần số vốn rất lớn, có thể lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi ha nên doanh nghiệp buộc phải vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp lại gặp vướng mắc ở tài sản thế chấp cho khoản vay, bởi các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp chủ yếu là thuê đất của nhiều hộ nông dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn do từng chủ hộ nắm giữ nên doanh nghiệp cũng không thể đem thế chấp quyền sử dụng đất.
Nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mới nên việc thẩm định, phân tích rủi ro vẫn có khó khăn, phức tạp nhất định so với việc cho vay thông thường. Theo Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam Đào Huy Giám, việc xác định tài sản thế chấp trong nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều lúng túng.
Chẳng hạn, nhà kính trên dự án thì giá trị rất cao, nhưng khi tháo rời lại không có nhiều giá trị. Ngoài ra, khái niệm về nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chí đánh giá dự án, quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn nhiều điểm cần làm rõ.
Hiện nay, tiêu chuẩn doanh nghiệp công nghệ cao đã có, nhưng quá trình phê duyệt còn chậm nên mới chỉ một số doanh nghiệp được xác nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Số doanh nghiệp này cũng chỉ tập trung ở một vài địa phương.
Các bộ, ngành liên quan cũng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc quyền sở hữu đất, nhà kính có được phép làm vật thế chấp hay không? Các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.
Về phía ngân hàng, theo phân tích của TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, các ngân hàng đang hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel 2, trong đó có các chuẩn mực quản trị rủi ro. Vì vậy quy trình cho vay phải chặt chẽ, thận trọng hơn.
Ngân hàng cần có tài sản thế chấp của doanh nghiệp để bảo đảm an toàn cho khoản vay. Tuy nhiên, ngoài việc căn cứ vào dòng tiền hồ sơ kế toán, ngân hàng nên căn cứ vào hoạt động kinh doanh chính thức. Có thể coi tài sản thế chấp chính là các hợp đồng kinh doanh, uy tín của người lãnh đạo, thị trường, thị phần của doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cũng cho rằng, các ngân hàng nên chú trọng những giá trị tài sản khác như hợp đồng vay vốn, hợp đồng kinh doanh uy tín của lãnh đạo, doanh nghiệp, lịch sử kinh doanh, khả năng trả nợ của doanh nghiệp đối với hợp đồng vay vốn.
Khi đó, tài sản thế chấp sẽ ở vị trí thứ yếu. “Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi ngân hàng Việt Nam phải có đủ khả năng đánh giá, thẩm định tài sản thế chấp đó”, TS. Bùi Quang Tín nói. Còn phía doanh nghiệp, cũng cần lập dự án khả thi, tiếp cận thị trường, tìm kiếm hợp đồng để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển.
Theo daibieunhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã