Học tập đạo đức HCM

Tăng thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc đến các lợi ích

Thứ hai - 21/08/2017 09:25
Bộ Tài chính vừa có đề nghị nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo hai phương án. Có ý kiến đồng tình đây sẽ là cơ sở để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều cho rằng cần có sự cân nhắc, để tránh gây thêm sức ép cho doanh nghiệp.
Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1. 

Cơ cấu lại ngân sách 

Lý giải về đề xuất tăng mức thuế, Bộ Tài chính cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia kể cả các nước phát triển có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu. 

Cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập, các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt). Số lượng quốc gia áp dụng thuế giá trị gia tăng/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014 và 166 nước năm 2016. 

Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa thì việc tăng thuế giá trị gia tăng sẽ giúp tăng thu ngân sách, vì hiện tỷ trọng thu thuế giá trị gia tăng trong ngân sách khá lớn. Nên nếu thu thuế giá trị gia tăng lên vài % thì tạo ra nguồn thu khá lớn, trong khi chi phi thu thấp. 

Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) nhìn nhận, Dự thảo nâng thuế giá trị gia tăng mà Bộ Tài chính đang xin ý kiến của các đơn vị, bộ, ngành và doanh nghiệp, là phù hợp với yêu cầu và xu hướng phát triển. Nhất là trong bối cảnh, nguồn dự trữ quốc gia còn hạn hẹp; hiệu quả đầu tư công còn nhiều hạn chế và tốn phí. 

Thêm nữa, người lao động thì luôn đòi hỏi quyền lợi tăng lương và mong muốn thường trực của các doanh nghiệp là được Chính phủ ưu tiên, ưu đãi và tạo nhiều thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh. Để đáp ứng tối đa hầu hết mọi yêu cầu đều cần có nguồn thu và đương nhiên việc nâng thuế giá trị gia tăng hay thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng là đúng. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mức nâng thuế thế nào cho phù hợp; lộ trình nâng thuế cần phải được nghiên cứu, tính toán và công khai, minh bạch để doanh nghiệp có sự chuẩn bị lên kế hoạch cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. 

“Việc sử dụng nguồn thu từ thuế cũng cần được tổ chức sao cho hiệu quả hơn trước kia. Hoạt động quản lý thuế cần được tăng cường và nâng chất hơn nữa, tránh tình trạng sử dụng kém hiệu quả hay thất thoát, lãng phí”, ông Đào Huy Giám đề xuất. 

Về phía các doanh nghiệp, ông Giám cho rằng, cần có tinh thần đồng hành với Chính phủ. Không thể cứ thấy đặt ra yêu cầu nâng thuế là phản đối hay bất bình. Thực tế, mức thuế giá trị gia tăng mà Việt Nam đang áp dụng chỉ ở mức trung bình thấp trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng đang cần nguồn thu lớn để bù đắp cho các yêu cầu và nhu cầu phát triển trong tương lai gần và xa hơn. 

"Điều đó thực sự gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp, song song với quyền lợi và yêu cầu được tạo điều kiện, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng để phát triển", ông Giám chia sẻ. 

Cần cân nhắc các lợi ích 

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng tỷ trọng đóng góp của thuế giá trị gia tăng trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước Liên minh châu Âu (EU), là những nước có thuế suất giá trị gia tăng thuộc nhóm cao nhất thế giới. 

Ông Vũ  Thành Tự Anh cũng phân tích, với thuế suất giá trị gia tăng phổ thông hiện nay là 10%, thu từ thuế giá trị gia tăng đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tăng thuế giá trị gia tăng để tăng thu ngân sách không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà tạo điều kiện cho việc chi ngân sách nhiều hơn hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng thuế sẽ có những ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Ông Vũ  Thành Tự Anh cho rằng thuế giá trị gia tăng nhìn chung có tính “lũy thoái”, do vậy sẽ đánh vào người thu nhập thấp nặng nề hơn. Người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế giá trị gia tăng cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Do vậy, Bộ Tài chính nên cân nhắc đến việc tăng sắc thuế này. 

Ở góc độ người "trong cuộc", ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất đồ nội thất Hiệp Long (Bình Dương) cho rằng: “Xét ở góc độ doanh nghiệp tôi tin không ai hoan nghênh việc nâng thuế; trong đó, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng. Bởi lý do, khi doanh nghiệp mua hàng hóa đầu vào sẽ phải thanh toán ngay khoản thuế giá trị gia tăng, nhưng để được hoàn khoản thuế này theo quy định của Chính phủ thì thời gian chờ đợi phải rất lâu, đôi khi thủ tục hoàn thuế khá nhiêu khê và vướng mắc”. 

Doanh nghiệp không hiểu lý do vì sao phải tăng thuế. Nếu nhằm mục đích gia tăng ngân sách để bù đắp nguồn bội chi thì có vẻ không thuyết phục. Đó là chưa kể việc quản lý chi tiêu ngân sách đang có nhiều vấn đề cần xem xét và siết chặt; việc sử dụng các nguồn thu từ thuế chưa hiệu quả và đang tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi. Ông Thành chia sẻ. 

Ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng, tăng thuế giá trị gia tăng sẽ tác động tiêu cực tới kết quả sản xuất kinh doanh và làm giảm lợi nhuận. Thay vì tăng thuế,  cần giảm thuế mới đúng bởi đa phần doanh nghiệp tư nhân hiện còn rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế và nhiều tầng nấc cạnh tranh như hiện nay. 

Đồng tình quan điểm này, ông Hà Mạnh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư quốc tế GIICO cũng nhìn nhận đề xuất tăng thuế chưa biết nhằm mục đích gì; hiệu quả tới đâu song đối với doanh nghiệp và kể cả người dân đều sẽ gặp bất lợi. Đó là giá cả hàng hóa tăng; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cũng sẽ đội giá thành lên theo… 

Trong bối cảnh hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đều đang hoạt động cầm chừng và nỗ lực bằng nhiều cách để mở rộng. Nếu tăng thuế thì gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp có thể sẽ cản trở những dự định phát triển. 

Theo doanh nghiệp này, khi năng lực của các doanh nghiệp nội chưa đủ mạnh; cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên chính sân nhà mình còn nhiều khó khăn, việc tăng thuế cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, đánh giá tác động đối với doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào… 

 
Thạch Huê - Thùy Dương (TTXVN)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm94
  • Hôm nay24,753
  • Tháng hiện tại292,376
  • Tổng lượt truy cập92,670,040
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây