Học tập đạo đức HCM

Cây cam ở Hà Tĩnh: Nguy cơ “vỡ trận”

Thứ bảy - 20/10/2018 02:33
Cam Khe Mây, cam Vũ Quang, cam Thượng Lộc… đã có chỗ đứng trên thị trường và được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng ồ ạt như hiện nay thì cây cam đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, khủng hoảng thừa!
cam7.jpg

Cây cam đã mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân ở Hà Tĩnh.

Thu tiền tỷ từ cam

Với lợi thế về tiềm năng đất đai, những năm qua, huyện miền núi Vũ Quang đã nỗ lực xây dựng hàng trăm mô hình trồng cam cho thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho quê hương.

Để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, ngoài chính sách của tỉnh, mỗi năm Vũ Quang trích ngân sách 2,5-3 tỷ đồng hỗ trợ tiền cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ trồng cam. Đến nay, toàn huyện phát triển được gần 1.600ha cây ăn quả, chủ yếu là cam các loại. Hộ trồng ít thì vài ba sào, nhiều 4 - 5ha cam. Lợi nhuận trung bình của hộ trồng cam đạt 50-70 triệu đồng/năm; đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang, cho biết: Lợi thế là đòn bẩy thì chính sách là “đầu kéo” để phát triển bền vững cây ăn quả nói chung, cây cam nói riêng ở Vũ Quang. Có lợi thế diện tích đất đồi lớn; điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi; nguồn nhân lực dồi dào; chính sách kích cầu đa dạng..., tất cả các yếu tố trên hợp lại đã đưa huyện Vũ Quang trở thành “thủ phủ” cam chanh, cam Bù chỉ trong thời gian ngắn. Hàng trăm, hàng nghìn hộ gia đình đua nhau làm nhà, tậu ô tô nhờ lợi nhuận từ cây cam.

Ông Đinh Văn Oánh ở xã Hương Đô (huyện Hương Khê) được biết đến là “vua cam” ở Hà Tĩnh hiện nay, cho biết: “Cây cam đã làm cho cuộc sống gia đình thay đổi hoàn toàn. Từ hai bàn tay trắng, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây cam nên vợ chồng đã gây dựng và phát triển trên diện tích 20ha tại vùng kinh tế trang trại Khe Mây, bình quân mỗi vụ thu về khoảng 5 tỷ đồng. “Vụ cam năm nay tiếp tục được mùa. Tính đến nay, mới chỉ đầu vụ, chỉ riêng cam chanh, gia đình đã thu được gần 100 triệu đồng”.

Không chỉ gia đình ông Oánh, nhiều hợp tác xã, hộ gia đình ở Hà Tĩnh cũng ăn nên làm ra, trở thành tỷ phú nhờ cây cam.

Phát triển rầm rộ, tiềm ẩn rủi ro

Cam là cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì nguy cơ “vỡ trận”, khủng hoảng thừa là điều dễ xảy ra.

Theo định hướng đến năm 2020, cả nước có gần 90 nghìn hecta cam, nhưng đến hết năm 2017, đã đạt hơn 90 nghìn hecta, với sản lượng quả gần 800 nghìn tấn. Riêng ở Hà Tĩnh, theo Đề án Tái cấu trúc ngành nông nghiệp của tỉnh được xây dựng năm 2014 thì đến năm 2020, diện tích cam được mở rộng từ 2.360ha lên 4.050ha. Tuy nhiên, hiện diện tích cam đã lên tới 7.500ha, tăng 31% so với cùng kỳ 2017, gấp 2,3 lần diện tích so với năm 2013 và hiện vẫn không ngừng tăng nhanh. Hà Tĩnh từ vị trí thứ 12 vươn lên xếp thứ 6 của cả nước về diện tích cam.

cam3.jpg

Chưa nói tới những quan ngại về nguy cơ dư thừa sản phẩm, thì sự phát triển quá nhanh diện tích trồng cam đã dẫn tới những hệ lụy như chuyển đổi ồ ạt đất lâm nghiệp, hay thiếu kiểm soát nguồn giống… Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã có hơn 3.800ha cam được trồng trên đất lâm nghiệp, trong đó Vũ Quang 2.186ha, Hương Sơn 798ha, Hương Khê 408ha... Con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới vì các địa phương không kiểm soát được tình hình phát triển cây cam.

Trên trục đường Hồ Chí Minh đoạn từ xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê) sang thị trấn Vũ Quang, có nhiều vùng đồi cao hun hút, dốc, rộng hàng chục hecta trước trồng keo, nay đang được người dân chặt bỏ để trồng cam. Những vùng đồi được “cạo trọc” để trồng cam nhiều nhất là ở các xóm 6,  7, 10 (Hương Minh, huyện Vũ Quang), thôn Nam Lách (Phương Mỹ, huyện Hương Khê)…

Tôi hỏi, huyện không lo phát triển ồ ạt sẽ kéo theo nhiều hệ lụy? Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vũ Quang, cho biết: Từ năm 2013 đến nay đúng là cây ăn quả phát triển như vũ bão  nhưng sắp tới việc mở rộng diện tích trồng cam sẽ giới hạn theo quy hoạch, không làm tràn lan mà hướng đến đầu tư quy mô lớn, tập trung nâng cao chất lượng, sản lượng cam. Hiện tại, Công ty Tân Thanh Phong – Hương Khê là doanh nghiệp số 1 thu mua cam ở Vũ Quang. Ngoài liên kết với doanh nghiệp, Vũ Quang cũng đã thành lập Hội cam Vũ Quang, giao cho Hội Nông dân chủ trì làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề nghị công nhận thương hiệu cam Vũ Quang nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Còn người dân cho biết, họ chỉ nghĩ đơn giản, cây cam đang cho thu nhập tốt nên chặt bỏ keo để trồng. Hết những vùng đất thuận lợi thì mở rộng sang những vùng mới; còn về thổ nhưỡng, độ cao, độ dốc, nguồn nước, thị trường tiêu thụ... đều chưa được quan tâm.

Ông Đào Nghĩa Nhuận, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh, khuyến cáo: Ngành Nông nghiệp, các địa phương ở Hà Tĩnh nên có hướng dẫn cho nhân dân các vùng quy hoạch trồng cam bởi cây sinh trưởng, phát triển và cho hiệu quả kinh tế tốt nhất ở vùng đồi có độ dốc 3-8 độ. Nếu hội tụ đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước thì cũng không được trồng ở những độ dốc lớn hơn 20 độ. Việc phát triển và mở rộng diện tích khi nguồn giống không đủ cũng xảy ra tình trạng mua giống trôi nổi, kém chất lượng. Cá biệt, có trường hợp cam đến thời kỳ thu hoạch nhưng người dân phải ngậm ngùi chặt bỏ vì trồng phải “cam ngây” như hàng chục hộ dân ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) năm 2017, hay thay vì thương lái đến tận nhà thu mua như trước đây, vài năm nay, người làm vườn đã phải trực tiếp mang sản phẩm ra chợ bán. Có thể đây là dấu hiệu báo trước cho một cuộc khủng hoảng thừa...

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, cho biết: Trước thực trạng cây cam, nhất là cam chanh phát triển “nóng”, chúng tôi đã khuyến cáo các địa phương cần cẩn trọng khi phát triển cây có múi, nhất là cây cam. Hiện tại, các địa phương không nên mở rộng diện tích, thay vào đó cần kiểm tra, rà soát, có quy hoạch hợp lý để tập trung thâm canh, đầu tư chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

http://kinhtenongthon.vn/

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập848
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại772,591
  • Tổng lượt truy cập93,150,255
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây