Học tập đạo đức HCM

Chân tay co quắp vẫn thành triệu phú nhờ... gà

Thứ năm - 10/12/2015 09:16
Cơ thể bị dị tật bởi chất độc da cam, hàng ngày phải dùng cánh tay teo quắp để di chuyển, nhưng anh Chu Đình Kế (43 tuổi, ở thôn Trung, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vẫn vượt qua muôn vàn khó khăn, mặc cảm, vươn lên trở thành triệu phú nhờ mô hình chăn nuôi gà.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ khác trong vùng và được mọi người gọi bằng cái tên thân thiết: Anh Kế “gà”…

Chân tay co quắp vẫn muốn làm giàu

Đến xã Đồng Than, hỏi thăm nhà anh Kế “gà”, tôi được một thanh niên nhanh miệng nói: “Nhà anh ấy ở làng dưới, cách đây hơn 2km, để tôi đưa anh đi cho đỡ mất công hỏi thăm”. Tôi đi theo người thanh niên tốt bụng đến nhà anh Kế. Ngay từ đầu ngõ, đã nghe thấy những tiếng kêu, với đủ âm thanh từ các chuồng gà. Trong nhà có 3 - 4 người đang rôm rả trò chuyện về chăn nuôi gà. Rót xong chén nước mời tôi, anh Kế bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện “kỳ diệu” về cuộc đời mình.

…“Bố mình trước đây tham gia chiến đấu tại nhiều chiến trường phía Nam, hiện vẫn đang được hưởng trợ cấp chất độc da cam. Từ nhỏ, mình đã bị dị tật, do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố”- anh Kế bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn.

Theo lời anh kể, khi mới lọt lòng, chân tay Kế đã bị dị tật, co quắp và dần dần teo liệt. Nhà Kế vốn nghèo, mọi người trong gia đình, hàng xóm dù cũng xúm vào giúp đỡ, nhưng đành bất lực trước căn bệnh quái ác. Tuổi thơ của cậu bé Kế vì thế gắn liền với những lần lật đật cố đứng dậy, rồi lại ngã lăn lóc, thân thể rớm máu, đầy sứt sẹo. Dù sau đó cũng quyết tâm đi học, nhưng anh chỉ học được hết… mẫu giáo, do bạn bè không cõng được anh đi học mãi.

Giấc mơ được cắp sách tới trường dang dở, cậu bé Kế sau chút tủi hờn bỗng suy nghĩ lại, quyết sống tự lập, không để trở thành gánh nặng của gia đình. Tất cả những việc sinh hoạt cá nhân Kế đều cố gắng tự làm lấy. Ban đầu tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng dần dần, ngoài tự chủ được các sinh hoạt của bản thân, cậu bé Kế còn giúp gia đình những công việc vặt như quét nhà, quét sân, cho gà, vịt ăn.

Lớn lên một chút, Kế bắt đầu quan sát bố, anh trai làm mộc rồi học làm theo. Và cuộc đời anh bắt đầu rẽ sang một trang mới, nhiều thăng trầm nhưng cũng ngập tràn hạnh phúc, khi anh gặp người bạn đời của mình - chị Trương Thị Bích, do cảm phục nghị lực, bản lĩnh của chàng thanh niên tật nguyền đã đem lòng yêu thương và đồng ý cùng anh nên duyên chồng vợ.

Đến lúc này, trong câu chuyện với tôi, anh Kế vẫn không dám tin rằng, với cơ thể dị tật như thế, anh lại lấy được vợ và đã làm bố của 3 đứa con (2 gái, 1 trai) khỏe khoắn, lành lặn, bé nào cũng học giỏi.

Có vợ, anh Kế bắt đầu tính toán làm ăn lớn hơn, quyết tâm làm giàu để không phụ sự tin tưởng, yêu thương của vợ. Thấy công việc làm mộc vất vả, anh quyết định vay vốn của gia đình để chăn nuôi lợn thịt. Được một thời gian, giá thịt lợn chững lại, chi phí cám bã, thuốc men lại cao, nên anh chuyển sang nuôi gà, phù hợp với sức mình hơn. Lúc đầu, anh chỉ nuôi thử nghiệm vài chục con gà mái ta, rồi khi có kinh nghiệm, anh nâng dần số lượng gà lên và có lãi. Hầu hết các công việc về chăn nuôi đều do anh tự làm, chị Bích chỉ phụ trách việc đồng áng, chăm sóc con cái.

Kiếm tiền giỏi hơn người thường

Nhiều gia đình trước đây chủ yếu chăn nuôi thủ công, nhờ học hỏi mô hình của anh, đều chuyển sang chăn nuôi gà theo quy mô trang trại, số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm lên tới vài chục hộ. Người mang ơn anh Kế ở khu vực này nhiều lắm.      

 

Được chút tiền lãi, anh tiếp tục mở rộng mối quan hệ, đi tham quan các mô hình chăn nuôi lớn để học làm trang trại. Không tự mình đi lại được, anh Kế nhờ người thân, bạn bè chở đi.

Nhận thấy giống gà Đông Tảo, gà Hồ vừa dễ nuôi, giá trị kinh tế lại cao, sau khi đi thăm quan về, anh tính toán tỉ mỉ rồi quyết định mở thêm các gian chuồng nuôi thử theo kiểu trang trại, từ gà mái đến gà con, gà thịt. Ngoài kinh nghiệm học hỏi từ các hộ dân, anh tích cực sưu tầm sách báo, tài liệu, xem các chương trình giới thiệu, hướng dẫn trên truyền hình để nâng cao kiến thức.

Gần đây, thấy nhu cầu chăn nuôi gà của bà con trong khu vực ngày càng cao, có người phải mang đi ấp trứng thuê cách nhà rất xa, anh quyết định đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng lò ấp trứng và mở đại lý cám, vừa phục vụ bà con, vừa tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Hiện nay, lò ấp của anh đã có thể phục vụ nhu cầu thường xuyên của hàng chục hộ gia đình trong thôn và khu vực lân cận. Từ chỗ chỉ có vài chục con gà, đến nay, trang trại của anh Kế nuôi hàng nghìn con gà thịt, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mỗi tháng, anh còn thu thêm hàng chục triệu đồng từ tiền ấp gà thuê, bán cám...

Câu chuyện đang rôm rả, điện thoại anh Kế đổ chuông. Anh xin lỗi khách, dùng cánh tay cong queo, lúc lắc quặp điện thoại áp vào tai nghe, rồi tay kia  ghi nắn nót các số liệu vào cuốn sổ đã cũ. Thấy tôi nhìn với ánh mắt ngạc nhiên, anh cười: “Hồi bé, có cậu bạn thân thương mình sáng dạ nhưng không được đi học nên tranh thủ giờ đi chăn trâu hướng dẫn mình tập viết, tập đọc. Nhờ “học lỏm” mà bây giờ mình đọc thông, viết thạo, làm phép tính trong phạm vi hàng triệu!”.

Cũng nhờ cái “học lỏm” đấy, mà hiện nay anh đã tự học được cách phòng bệnh, chữa các bệnh thường gặp cho gia súc, gia cầm. Nhiều trường hợp gà bị bệnh lạ, người dân quanh khu vực phải đến nhờ anh “trợ giúp”. Cứ trò chuyện được vài câu, chúng tôi lại phải dừng lại bởi anh liên tục có khách đến. Có những nông dân từ Hải Dương, Hà Tây… nghe lời đồn về anh nên tìm về. 

Chào khách về rồi, anh Kế tiết lộ thêm: “Nếu việc chăn nuôi thuận lợi, mình sẽ thuê đất, mở thêm lò ấp nữa. Nhu cầu chăn nuôi gà của bà con trên địa bàn vẫn còn rất nhiều, mình mở rộng chăn nuôi, ấp trứng cũng là để giúp bà con làm giàu...”. Đúng lúc đó, ngoài cổng có tiếng khách gọi. Nhận ra khách quen, anh Kế cười chào từ xa. Khi biết tôi là nhà báo, vị khách vồn vã khoe: “Mấy năm trước, khi mới chập chững bước vào nghề chăn nuôi, tôi bị thất bại mấy lần, tưởng sạt nghiệp. May có anh Kế giúp đỡ, tận tình hướng dẫn, giờ trang trại nhà tôi nuôi tới 2.000 con gà, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng”.

Theo Dân Việt

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập249
  • Hôm nay96,947
  • Tháng hiện tại833,057
  • Tổng lượt truy cập93,210,721
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây