Nhập nhèm đánh tráo thương hiệu
Theo Cty Dream Incubator (đơn vị được JICA Nhật Bản thuê khảo sát về nông nghiệp Đà Lạt suốt 2 năm để làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Nhật và địa phương này), nông sản Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh gay gắt với nông sản nội địa.
Tại thời điểm kiểm tra, vào trái vụ, nông sản Trung Quốc chiếm lĩnh tới trên 70% thị phần đối với một vài nông sản ôn đới là thế mạnh của Đà Lạt trước đây như cải thảo, súplơ, bắp cải, ớt chuông, càrốt… Khảo sát tại một số chợ truyền thống ở TPHCM cũng cho thấy: 80% khoai tây, 70% hành củ, càrốt và bông cải xanh (súplơ xanh) là hàng Trung Quốc. Nếu không được chấn chỉnh kịp thời, vựa rau Đà Lạt sẽ dần mất hết thị phần.
Đặc biệt, khoai tây là một trong những nông sản chủ lực của Lâm Đồng bị khoai tây Trung Quốc “nhái nhãn” trắng trợn nhất với mỗi vụ lên tới hàng nghìn tấn. Sau khi nhập khoai tây về, các tiểu thương rửa sạch rồi dùng tiểu xảo trát đất đỏ lên giả mạo khoai tây Đà Lạt đưa ra thị trường tiêu thụ. Việc “mặc áo” đất đỏ Đà Lạt cho khoai tây Trung Quốc công khai đến mức, các cơ quan phải vào cuộc nhưng "không thể xử lý bởi không có quy định nào cấm bôi đất đỏ vào khoai tây”.
Giải pháp ứng phó lâu dài
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, do nông sản Đà Lạt khi đưa ra thị trường chưa có nhãn mác xuất xứ; hơn 80% sản lượng rau Đà Lạt được tiêu thụ ở các chợ truyền thống và chưa được người trồng chú trọng gắn nhãn mác, thương hiệu. Khi được lưu thông trên thị trường, nông sản Đà Lạt được bày bán cùng với các nông sản vùng miền khác, trong đó có cả nông sản của Trung Quốc nên người tiêu dùng rất khó phân biệt. Điều này đã khiến các tiểu thương có cơ hội “đánh lận con đen”. Trước tình trạng nông sản, khoai tây Trung Quốc tràn vào “núp” mác khoai tây Đà Lạt ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề ra giải pháp để tháo gỡ.
Đầu tư trên 1 tỉ đồng đòi lại tên cho rau củ Đà Lạt
Theo đề án này, từ năm 2018, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra tình hình sản xuất, tiêu dùng khoai tây, thống kê diện tích, năng suất, sản lượng, giống khoai tây, số hộ, cơ sở đang sản xuất, kinh doanh khoai tây Đà Lạt. Sở NNPTNT Lâm Đồng sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan làm hàng chục nghìn tờ rơi, poster hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây từ các nguồn khác trên thị trường. Ngoài ra, Sở NNPTNT Lâm Đồng sẽ hỗ trợ in ấn hàng trăm nghìn bao bì loại 2kg và 5kg để nhận diện khoảng 700 tấn khoai tây Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Đề án đang đi vào giai đoạn triển khai gồm các nội dung: Điều tra tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường; biên soạn 10.000 tờ rơi để hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm khoai tây Đà Lạt hàng trăm nghìn bao bì, được sản xuất theo mẫu mã riêng và tem chống hàng giả cho mỗi túi, mỗi thùng chứa sản phẩm khoai tây Đà Lạt.
Để bảo vệ mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu khoai tây Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định điều chỉnh nội dung đề án và đầu tư tổng kinh phí trên 1,055 tỉ đồng để thực hiện Đề án, trong đó sử dụng gần 776 triệu đồng từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng đề án.