Hiến kế cho sự phát triển bền vững
Mở đầu phần thảo luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở KH&CN (tổ đại biểu huyện Vũ Quang) đi sâu phân tích những băn khoăn trước thực tế tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng chủ yếu dựa vào giá trị sản lượng thép của Formosa Hà Tĩnh, còn công nghiệp địa phương, công nghiệp hỗ trợ, bảo quản, chế biến nông sản chưa phát triển; doanh nghiệp Hà Tĩnh đông nhưng không mạnh; tốc độ tăng trưởng dịch vụ, du lịch còn chậm. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống chưa mạnh mẽ; nhiều vùng quê thiếu vắng nguồn nhân lực trẻ để xây dựng phát triển nông thôn và tiếp nhận chuyển giao các tiên bộ kỹ thuật.
Đại biểu Đỗ Khoa Văn mong muốn HĐND tỉnh có những quyết sách đúng đắn để từng bước giải quyết các vấn đề tồn tại nêu trên. “Cấp ủy chính quyền các cấp cần trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa thực hiện hiệu quả các nghị quyết của HĐND, đặc biệt là các chính sách về phát triển nông nghiệp bền vững, chính sách khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường an sinh xã hội, việc làm, giáo dục đào tạo, dạy nghề”, đại biểu Văn nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh (tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) phân tích kỹ một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế mà các báo cáo nêu như: Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người dân có việc, có lúc chưa kịp thời; giải quyết các tồn đọng trong giải phóng mặt bằng, việc thực hiện các quy trình, thủ tục, chủ trương, quy định của Nhà nước ở một số lĩnh vực còn lúng túng, bị động; sự phối hợp giữa các cấp ngành, địa phương chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ….
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt đề xuất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập; thường xuyên bám nắm địa bàn, lãnh đạo, chỉ đạo đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2018; thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII…
Lĩnh vực môi trường nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong phiên thảo luận chiều nay. Đại biểu Đặng Quốc Cương cho rằng: “Tỉnh cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp làm công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải. Riêng trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh cần hỗ trợ để sớm xây dựng khu xử lý rác thải từ các nhà hàng, khách sạn tại Khu du lịch Thiên Cầm; đầu tư hạ tầng và khu xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên…
Bàn giải pháp gỡ khó trong phát triển nông nghiệp
Đại diện tổ đại biểu huyện Hương Khê, ông Lê Ngọc Huấn (Chủ tịch UBND huyện Hương Khê) đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ giống phục vụ sản xuất vụ đông cho nông dân, đặc biệt là cho các huyện miền núi thường xuyên bị thiên tai lũ, lụt; có chính sách phát triển lâm nghiệp, đặc biệt chỉ đạo rà soát, quy hoạch các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản; thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên doanh, liên kết theo chuỗi khép kín; có chính sách đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây trồng cạn để chủ động sản xuất, nhằm tăng năng suất cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
Đại biểu Đặng Quốc Cương phân tích thêm: “Hiện có rất nhiều mô hình liên kết đã không được thực hiện đúng như cam kết ban đầu. Do vậy, tỉnh cần có chủ trương xúc tiến đầu tư, mở rộng liên doanh, liên kết thị trường để giúp các địa phương tổ chức thực hiện bằng những việc làm và giải pháp cụ thể”
Quan tâm đến các giải pháp chiến lược trong phát triển giáo dục
Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến Đề án phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Đại biểu Đỗ Khoa Văn kiến nghị: Các chính sách cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, nắm bắt xu thế phát triển, nhưng cũng cần tránh cách làm duy ý chí, đối phó hoặc áp đặt, chủ quan, đảm bảo đề án phát triển giáo dục hợp lòng dân và mong muốn của xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt nhấn mạnh, đối với sáp nhập các trường tiểu học với THCS trên địa bàn xã, phường, thị trấn; sáp nhập, giải thể các trường THPT quy mô nhỏ, UBND tỉnh cần đưa ra các tiêu chí cụ thể, điều kiện cho việc sáp nhập. Các điều kiện đó cần tính đến yếu tố tác động của sự phát triển địa phương, sự ảnh hưởng của yếu tố vùng miền, quá trình đô thị hóa, chủ trương phân luồng học sinh…
Chú trọng các giải pháp triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Đại biểu cho rằng, việc ban hành nghị quyết về chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” là cần thiết. Đại biểu Đặng Văn Thành - tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh phân tích, việc ban hành chính sách này mang tính chất cấp bách, vì thực tế hiện nay Hà Tĩnh có nhiều lợi thế phát triển CN-TTCN theo cả chiều rộng và chiều sâu.
“Với những nhóm chính sách được nghị quyết HĐND tỉnh thông qua sẽ thúc đẩy quá trình phát triển CN-TTCN trên địa bàn qua các nội dung: Giải quyết được vấn đề khó khăn cho các chủ đầu tư khu, cụm công nghiệp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong thời gian ban đầu, do chưa thu hút được các dự án thứ cấp; giúp các doanh nghiệp quảng bá, thuận lợi trong việc đưa sản phẩm thị trường trong nước và quốc tế; tạo mối liên kết trong sản xuất giữa các doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài khu, cụm công nghiệp; giúp cá nhân, tổ chức sản xuất các ngành nghề truyền thống, có thế mạnh của tỉnh có điều kiện tổ chức sản xuất quy mô, chuyên nghiệp, bền vững, ổn định…”- đại diện tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh khẳng định.
Nhiều ý kiến đại biểu cũng đã nêu trăn trở về thực trạng phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn hiện nay và cho rằng, việc ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển CN-TTCN sẽ tạo môi trường phát triển mới để các loại hình kinh tế này tìm hướng sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững hơn.
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã