Chưa hết lo lắng sau sự việc gần 26 ha rừng ngập mặn tại các thôn Nam Hà, Đông Hà và Hải Hà bị chết, thì đúng một tuần sau (ngày 7/4), ngư dân và hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Kỳ Hà (TX. Kỳ Anh) phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do hiện tượng cá chết hàng loạt.
Theo thống kê ban đầu, ước tính thiệt hại của các hộ nuôi tại TX. Kỳ Anh khoảng hơn 1 tỷ đồng |
Theo phản ánh của hộ nuôi Nguyễn Thái Bảo (thôn Tây Hà, Kỳ Hà), trưa ngày 6/4, toàn bộ hơn 4.000 con cá hồng, cá chẽm hơn 1 tháng tuổi được thả nuôi lồng bè vẫn ăn và vận động bình thường. Tuy nhiên, đến khoảng 2h ngày 7/4, khi thủy triều lên đẩy nguồn nước biển vào thì xuất hiện hiện tượng cá bơi lờ đờ và sau đó chết hàng loạt.
Theo ông Lê Văn Luyện - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, cũng tại thời điểm đó, hơn 39.000 con cá nuôi trong 12 lồng bè ở khu vực cửa sông Hải Khẩu cũng đồng loạt chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “Không riêng gì cá nuôi bị chết mà nhiều loài cá tự nhiên ở khu vực sông Hải Khẩu cũng bị lờ đờ, sau đó chết hàng loạt, trôi dạt khắp bờ sông.” - ông Luyện cho hay.
Cũng theo phản ánh của người dân, sáng 6/4, hơn 2 tấn cá mú, cá hồng bống sắp đến ngày thu hoạch của người dân thôn Hải Phong 1 và 2 (xã Kỳ Lợi, TX. Kỳ Anh) cũng bị chết trắng.
Vào thời điểm này, các hộ làm nghề đánh bắt cá tự nhiên xung quanh đảo Sơn Dương, Cảng Vũng Áng và cửa sông Hải Khẩu cũng đánh bắt được nhiều cá hơn so với thường ngày.
“Từ sáng sớm, khi chúng tôi mới thả lưới đã thấy nhiều loại cá, tôm bơi lượn lừ đừ, có con chết phơi trắng bụng. Mẻ lưới nào của ngày hôm đó cũng thu hoạch nhiều gấp 5, 6 lần so với những đợt ra khơi trước.” - ông Nguyễn Trung Dân (thôn Hải Phong 1, xã Kỳ Lợi) cho biết.
Được biết, hiện nay không những các hộ nuôi cá lồng bè đối mặt với những khó khăn do hiện tượng cá chết hàng loạt, mà hàng trăm hộ nuôi tôm chuẩn bị thả giống vụ hè - thu cũng đang lo lắng bởi không biết chất lượng nguồn nước sẽ như thế nào. Thậm chí, có nhiều hộ phải chịu lỗ hoàn lại giống do lo ngại rủi ro sau khi thả.
Trước thực trạng cá chết hàng loạt, lãnh đạo TX. Kỳ Anh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục cử cán bộ có chuyên môn kịp thời làm rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục. |
Theo ông Phan Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, UBND thị xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh khảo sát hiện trường, thống kê số lượng thiệt hại ban đầu, đồng thời lấy mẫu cá chết, mẫu nước và một số mẫu vật liệu tại các công trình, dự án trong vùng để đưa đi xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân.
“Đây là hiện tượng bất thường nên chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục cử cán bộ có chuyên môn kịp thời làm rõ nguyên nhân, có hướng khắc phục để thông báo cho người dân chủ động phương án sản xuất”. - ông Vĩnh cho hay.
Mặc dù các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh chưa có câu trả lời về nguyên nhân của hiện tượng trên, song theo phản ánh của bà con ngư dân, lượng chất thải từ một số công trình, nhà máy trong KKT Vũng Áng đã tác động lớn đến môi sinh ở vùng biển này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại KKT Vũng Áng, quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn chưa được các đơn vị sản xuất chấp hành một cách nghiêm túc. Thậm chí, có cơ sở sản xuất thải ra một số lượng lớn chất thải nguy hại nhưng không có hệ thống thu gom xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;