Chưa bao giờ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại “nóng” như hiện nay. Sự kiện phát hiện chất cấm Salbutamol có nhiều trong thịt heo và những tranh cãi của các cơ quan quản lý nhà nước gần đây về nguồn gốc, trách nhiệm… như giọt nước tràn ly đẩy NTD vào hố đen hoang mang và lo lắng cực độ. Trong bối cảnh đó, ngày 26/3 vừa qua, Báo Người Tiêu Dùng đã tổ chức thành công hội thảo “Vì thị trường thực phẩm an toàn” thu hút hơn 300 nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và tham dự.
Hội thảo “Vì thị trường thực phẩm an toàn” được tổ chức vào ngày 26/3/2016 tại Cơ quan đại diện phía Nam Báo Người Tiêu Dùng. Ảnh: Trần Phong. |
Kiểm tra mẫu thì phát hiện 16% dương tính với Salbutamol
Theo bà Lê Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas)(ảnh nhỏ), hiện có đến 50% thuốc kháng sinh trên thế giới đang bị lạm dụng trong nông nghiệp, đặc biệt trong chăn nuôi để tăng năng suất nuôi trồng. Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm một cách vô tội vạ nhất và ngày càng phổ biến.
“Hành vi này sẽ làm xuất hiện những loại vi khuẩn có tính chống kháng sinh cao hơn. Hậu quả là chúng sẽ vô hiệu hóa các thuốc kháng sinh hiện có, đẩy loài người vào những dịch bệnh thảm khốc. Chưa kể, khi tồn dư, tích lũy trong cơ thể chúng còn tạo ra nhiều biến chứng xấu đối với sức khỏe con người, đặc biệt là nguy cơ gây ung thư cao. Bà Nhung cho biết.”
Còn ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện Vinastas văn phòng TP.HCM chỉ rõ việc lạm dụng kháng sinh, chất cấm vào chăn nuôi, chế biến thực phẩm đã có từ lâu, Vinastas đã rất nỗ lực nhưng những vụ việc được phanh phui trước công luận chưa phản ánh hết thực trạng.
“Bị cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới, không hiểu ai đã “vẽ đường” và cung cấp Salbutamol cho bà con dùng để tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc cho vật nuôi? Khi NTD ăn phải thịt có tồn dư các chất trên có thể dẫn đến ngộ độc, bệnh mạn tính, ung thư, thậm chí tử vong”, ông Chính lo lắng.
Theo ông Chính cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, kiểm tra 50 mẫu đã phát hiện 8 mẫu dương tính với Salbutamol, tương đương 16%. Những phát hiện này cho thấy mức độ phổ biến của các chất cấm trong chăn nuôi ngày càng trầm trọng.
Gần đây nhất, ngày 24/3, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương bắt quả tang một cơ sở đang tiêm thuốc an thần và bơm nước vào miệng heo. Chủ cơ sở khai nhận mua heo từ Bến Tre, đưa về đây cho tiêm thuốc an thần để bơm nước nhằm tăng trọng, sau đó chuyển đến lò giết mổ ở TP.HCM. Tại hiện trường, công an thu giữ bơm tiêm, 32 xô nước có gắn vòi, 48 chai thuốc an thần nhãn hiệu prozil fort - một loại thuốc cấm sử dụng cho heo chuẩn bị giết thịt. Các chuyên gia khuyến cáo NTD thường xuyên ăn loại thịt này có nguy cơ bị mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu…
Liên quan đến chất lượng các sản phẩm sản xuất từ bột gạo như: bún, bánh phở... tháng 6/2013, Vinastas đã khảo sát và phát hiện nhiều mẫu sản phẩm có sử dụng chất trắng huỳnh quang (Tinopal) với hàm lượng rất cao. Tinopal là một loại hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp dệt để tạo độ sáng, bóng cho vải, khi vào cơ thể người, Tinopal sẽ gây ra nhiều nguy hại như: làm hư hại đường tiêu hóa, hư hại niêm mạc thành ruột có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày; tổn thương mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thu, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Nếu ăn bún, phở có chứa Tinopal lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi, ung thư.
Thực tế cho thấy hóa chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm đang là những “kẻ giết người” thầm lặng, và người sử dụng chúng là những “sát thủ máu lạnh” nhưng những trường hợp vi phạm về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ bị phạt tối đa 7,5 triệu đồng đối với nông hộ và 15 triệu đồng đối với trang trại. “Phạt như vậy không đủ sức răn đe. Họ thà chấp nhận đóng phạt mà không công khai nguồn cung cấp Salbutamol và không ngăn được họ tái phạm”, ông Chính cho biết thêm.
Lãnh đạo quản lý thị trường: “Luật đưa ra cho vui thôi”
Nói về “quốc nạn” thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội thảo cho rằng, pháp luật hiện nay còn thiếu nhiều lắm, chồng chéo và chậm sửa đổi…
“Năm 2015, Bình Dương bắt giữ 4.538 bịch Knor (hơn 4 tấn) loại 900g, sau đó chuyển qua cơ quan điều tra nhưng không đủ cơ sở để khởi tố nên nói sản xuất mấy ký bún làm sao mà khởi tố được. Luật đưa ra cho vui thôi”, một điển hình được ông Danh nêu ra để nói về sự yếu kém và thiếu của hệ thống pháp luật.
Cũng theo ông Danh, pháp luật hiện đang theo đuôi: “Ví dụ, chỉ khi nói đến trong thực phẩm có chứa chất vàng ô, Salbutamol… thì mới vội vã mở văn bản đưa chất cấm. Chứ chưa hề có một cơ chế để phòng, định hướng cho người sản xuất và NTD”.
Cơ quan thực thi Luật ATVSTP thì như thế nào? Theo ông Danh chính sự phân công phân cấp có vẻ rất rõ ràng thực ra lại không rõ ràng một chút nào, ngược lại rất chồng chéo và rối rắm.
“Vừa qua, khi thông tin có hơn 9 tấn Sabultamol được Bộ Y tế cho phép các công ty dược phẩm nhập khẩu về trong năm 2015 nhưng chỉ có khoảng 10kg được dùng trong sản xuất dược, còn lại, bằng cách nào đó chúng được chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tôi không biết báo mạng nói chính xác hay không nhưng trên đó, tôi thấy ông y tế nói khác, ông nông nghiệp nói khác, ông hải quan nói khác, ông cảnh sát điều tra nói khác. Và đang tranh luận nhau về mặt trách nhiệm”, ông Danh dẫn chứng.
“Việc cấp bách lúc này là giải quyết triệt để vấn đề để người dân không phải ăn thịt heo có chứa Salbutamol nữa chứ không phải là đi tranh cãi nhau về mặt trách nhiệm. Trách nhiệm thì nội bộ làm việc với nhau chứ đưa lên báo chí làm gì?”, ông Danh phản ứng.
Người tiêu dùng đang tước bỏ quyền lợi của mình
Theo ông Danh thì NTD thiếu kiến thức về pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD. Trong khi quyền lợi đã được pháp luật công nhận chứ không phải là cảm tính nhưng hỏi đến thì không biết có những quyền lợi nào. Chưa kể tâm lý e ngại. Mặc dù biết mình bị thiệt hại đó nhưng cứ chậc lưỡi: chuyện này nhỏ quá không quan tâm; bận quá thôi bỏ đi; đến cơ quan chức năng ngại quá, hẹn tới hẹn lui mất công quá, thôi bỏ đi… Chính NTD đang tự tước bỏ quyền lợi của mình và không đánh giá đúng vai trò của mình trong nền kinh tế, đặc biệt trong vấn đề tẩy chay, xóa bỏ thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng.
“Chúng tôi vẫn thường nói, mặc dù nó là chuyện nhỏ nhưng chúng ta quan tâm, chúng ta tố cáo để nhiều người cùng biết, tạo ra một luồng dư luận, khiếu nại đến cơ quan chức năng… là một cách thể hiện thái độ rõ ràng nhất với thực phẩm không an toàn, cùng chung tay bảo vệ lẫn nhau. Mỗi người đều làm được vậy thì sẽ đỡ cho cộng đồng biết bao”, ông Danh nói.
Theo La Giang - Mai Trinh/nguoitieudung.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;