Ở đây còn lưu truyền những câu ca của dòng họ Nguyễn từ Thanh Hóa vào sinh cơ lập nghiệp: “Họ ta vốn gốc từ Diêm Phá/ Thuộc tỉnh Thanh vất vả vào đây/ Mến yêu cảnh vật nơi này/ Cần cù lương thiện vui vầy làm ăn”. Do quá trình giao lưu buôn bán dọc bờ biển, triền sông, khá nhiều người vốn ở làng này đã thiên cư nhiều nơi hoặc ở xen ghép quần tụ thành từng chòm, xóm riêng.
Làng quê Cương Gián. Ảnh: Quang Vinh |
Sách Hoan Châu phong thổ ký đã viết về làng Cương Gián sầm uất, đông đúc với nghề làm nước mắm vang bóng một thời: “Thuyền bè chen chúc dọc bờ sông, sập sả tiếng vang bên bến nước”.
Tôi trở lại làng Cương Gián một ngày gần đây. Con đường 22 chạy dọc bờ biển mang đến cho các làng quê một luồng sinh khí mới. Đang mơ màng với những lũy tre xanh giấu sau đó gương mặt của đời sống nông thôn ngàn đời, tôi bỗng bất ngờ gặp một không gian sống động, nhiều hình khối của làng Cương Gián. Hơi thở của đô thị đã phả vào đây. Những khối nhà tầng quét sơn đủ màu sắc. Đất làng như dồn chật lại. Hai bên đường nhựa san sát những ki-ốt bán hàng, rồi chợ, rồi công sở. Con người Cương Gián hoạt bát hẳn lên. Nụ cười, gương mặt, kiểu áo, màu tóc rạng rỡ hơn. Làng đang giàu lên.
Ông Hoàng Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: Xã có khoảng 14.000 dân nhưng mấy chục năm nay có tới 2.500 người đã đi XKLĐ. Mỗi nhà bình quân có 2-3 người, đặc biệt, có gia đình 9-10 người đi XKLĐ. Chỉ tính riêng thị trường Malaysia và Đài Loan, năm ngoái, tiền gửi tín dụng của lao động xuất khẩu gần 35 tỷ đồng. Cương Gián có 15 thôn, thôn nhiều nhất có 303 người đi XKLĐ, thôn ít nhất 73 người, bình quân mỗi lao động gửi về cho gia đình 30 triệu đồng/tháng.
Ông Tiến dẫn tôi vào nhà chị Lê Thị Thanh ở gần chợ Cương Gián có đến 5 đứa con gái đi du học. “Du học”. Tôi ngạc nhiên vì cứ tính 1 suất đã mất một khoản tiền lớn. Nhưng không phải thế, chị Thanh kể: Anh chị đã bán đàn bò ở nông trại dưới chân núi Hồng Lĩnh cho cô đầu xuất khẩu sang Hàn Quốc. Cứ thế, chị kéo em sang, có tiền cho em đi nước khác. Đến nay, cả 5 chị em đã có công việc ổn định với thu nhập cao và 3 chị đã lấy chồng người Việt cũng đi XKLĐ. Thì ra, “du học” là một cách nói, thật ra, sang đó để đi làm thuê, học tiếng và học nghề.
Tôi hỏi ông Tiến:
- Nhờ đâu làng Cương Gián có cái “chìa khóa vàng” mở cánh cửa này, rồi vốn, con người?
Ông Hoàng Văn Tiến rót bát nước chè xanh sóng sánh mời tôi và hồ hởi nói:
- Việc đưa lao động ra nước ngoài làm ăn ban đầu cũng khó khăn do thiếu yếu tố quyết định là đồng vốn. Dân Cương Gián nghèo nên bài toán này được giải bằng một phép tính rất đơn giản: cả làng gom tiền lại cho người lao động, người lao động lại gửi về cho người khác đi tiếp, cứ thế mà rộng dần. Và để làm được điều này, Cương Gián có một tổ chức trung gian là quỹ tín dụng nhân dân.
Ông Trần Kỉnh, nguyên là phụ trách quỹ tín dụng xã ngay từ ngày đầu thành lập, giở cuốn sổ bằng những ngón tay to bè, sứt sẹo vết lưỡi câu. Đây là “ngư phủ” chính cống, giờ đây “ngư phủ” đang đọc lên những con số bằng trí nhớ tuyệt vời của mình. Những con số thân thương không còn hơi đồng, hơi bạc mà thấm ướt bao mồ hôi, công sức. Những con số tiền tỷ cứ hiện lên hao hao như gương mặt của những người thân, nó có linh hồn cựa quậy không chịu nằm yên trong những ô kẻ dòng của cuốn sổ học trò. Tôi hỏi ông:
- Bí quyết nào để ông tháo gỡ những khó khăn và phát triển quỹ?
- Một phương án được chấp nhận trước mắt là quỹ tín dụng tập trung huy động vốn 100%, chỉ cho vay 50%, khuyến khích người gửi nhiều tiền vào quỹ. Nếu rút trước thời hạn cũng được hưởng lãi suất bằng 20% lãi suất đúng kỳ hạn.
- Nghe nói, dân XKLĐ nếu không có quỹ tín dụng làm mạnh thường quân thì khó mà làm ăn được, phải không bác Kỉnh? Nhưng cho vay như thế cũng mạo hiểm, lấy gì thế chấp?
Hình như câu hỏi của tôi chạm đến điều tâm đắc nhất nên ông sôi nổi hẳn lên:
- Thế chấp bằng lòng tin, con em làng xóm cả mà, chuyện cho vay đi XKLĐ là việc làm mới mẻ. Cách đây hơn chục năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về khảo sát, thấy vốn thu hồi được đã ra Quyết định 440 cho phép vay hỗ trợ người đi XKLĐ.
- Như thế, ông đi trước mở cho ngành ngân hàng một dịch vụ mới?!
- Mình là người ở cơ sở nên thấu hiểu hoàn cảnh cụ thể, từ đó, đúc kết kinh nghiệm và thử làm, đến lúc được Nhà nước chấp nhận.
Tôi tìm gặp Nguyễn Đại Dương - tỷ phú trẻ gần 30 tuổi. Bố anh là một “tài công” có tiếng ở đất này. Ông đặt tên con là Đại Dương với khát vọng chinh phục biển khơi. Nhưng rồi, biển đột ngột mất cá. Ông xót xa nhìn con thuyền chỏng chơ trên cát, nứt nẻ vì đi biển chỉ có lỗ dầu. Ông quyết định vay tiền cho Đại Dương đi XKLĐ. Chàng trai có vóc người chắc đậm, vòng ngực, vòng tay cuồn cuộn thấm cái gen của ông nên yêu biển từ nhỏ, được ông truyền nghề, truyền cả đức tính cần cù, chịu khó.
Dương sang Hàn Quốc làm nghề đi biển. Trong một dịp lên bờ, tình cờ, Dương gặp cô gái cùng làng sang đây làm ở xưởng may mặc có cái tên hiền dịu là Hương Mai. Đám cưới của họ được hội đồng hương tổ chức tuy đơn giản nhưng ấm áp. Giờ đây, Đại Dương có một cửa hàng kim hoàn vàng bạc cạnh chợ Cương Gián, còn Hương Mai là chủ cửa hàng may mặc với nhiều kiểu mốt mới lạ, được giới trẻ yêu thích.
Tôi hỏi ông Hoàng Văn Tiến:
- Khi đời sống được nâng lên, thanh niên dễ sa vào tệ nạn xã hội. Thế còn làng Cương Gián?
Ông Tiến nói:
- Ở làng này, ít xảy ra điều đó, vì đồng tiền họ kiếm được từ sức lao động. Người lao động xuất khẩu của Cương Gián lao lực gần chục năm trời nơi đất khách quê người mới có được số vốn ban đầu ấy. Thanh niên về làng tập trung thời gian, trí lực tìm cách quay vòng đồng tiền, ít sa vào cám dỗ. Tuy nhiên, tìm ra nghề mới không phải dễ. Vì ở đây, dân chủ yếu làm nghề đánh cá cha truyền con nối. Mà biển xanh thì chảy “máu trắng” từ lâu rồi. Còn trên bờ, đất chật, người đông, dịch vụ mọc lên san sát, có khi, người bán nhiều hơn người mua nên chúng tôi tìm cách tạo ra những mô hình kinh tế mới. Ví dụ như thực hiện phủ xanh 315 ha rừng ở núi Hồng Lĩnh. Rồi hàng trăm hộ đầu tư nguồn vốn xây dựng trang trại chăn nuôi đàn bò, đàn dê hàng nghìn con. Lạch Kèn bây giờ được bà con ở thôn Đại Đồng, Song Long vay vốn từ quỹ tín dụng xã cùng với tiền con em nước ngoài gửi về cải tạo gần 40 ha đất sình lầy thành cánh đồng nuôi tôm có năng suất cao. Nhưng điều làm tôi tâm đắc nhất ở thế hệ trẻ là khi lao động xuất khẩu về, họ học được tác phong công nghiệp, nhạy bén tiếp thu những cái mới trong làm ăn và ứng xử có văn hóa với cộng đồng.
Làng Cương Gián sau một cuộc trở mình đã gần như lột xác bằng chính sự cương quyết không cam chịu đói nghèo, nới rộng, giãn ra tầm nhìn của mình như cái tên vốn có.
Theo Nguyễn Ngọc Phú/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;