Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Trong phát biểu khai mạc hội nghị về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung ương bám sát vào Đề án và Tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào thực tiễn triển khai thực hiện để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thống nhất nhận định về tình hình phát triển lĩnh vực bảo hiểm xã hội ở nước ta, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và đặc biệt là nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thành công, chưa thành công trong lĩnh vực này. Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ tổng kết thực tiễn và sự phân tích, dự báo một cách khoa học, với tầm nhìn xa tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và thu nhập của người dân trong trung và dài hạn, Trung ương cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới. Tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính bảo hiểm xã hội trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu... Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đồng thời, căn cứ vào phạm vi, tính chất, mức độ đổi mới trong nội dung đề án, tính đồng bộ với Đề án cải cách chính sách tiền lương và tạo sự đồng thuận xã hội giữa người đang làm việc và người đã nghỉ hưu để thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết của Trung ương về cải cách hay chỉ là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Phát biểu tại tổ và thảo luận, các đồng chí Ủy viên Trung ương đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, khách quan, các giải pháp có tính khả thi cao. Đa số ý kiến phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết cải cách để chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng, tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch. 
Các đại biểu thống nhất cao, khẳng định bảo hiểm xã hội là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là vấn đề hệ trọng, cần tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm tương xứng với chính sách tiền lương và các chính sách xã hội, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội lần này xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội). Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội; phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 85%. Giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 90%. Qua từng giai đoạn, tăng dần tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1% lên 2,5% và 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được xác định trong đề án; thống nhất ban hành nghị quyết của Trung ương về vấn đề này; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng về các nội dung Bộ Chính trị trình xin ý kiến Trung ương.

Theo TTXVN