Chúng tôi về lại thôn 9, xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân sau hơn 5 năm. Trong làng, ngoài thôn thấp thoáng bóng những ngôi nhà cao tầng sau những rặng tre già. Chỉ trong một thời gian ngắn, thôn 9 đã có những bước chuyển mình, đổi thay rõ rệt.
Từ một thôn có đến 57% số hộ nghèo, thì nay thôn 9 chỉ còn 1,48% tỉ lệ hộ nghèo. Bà Trịnh Thị Minh – người quen cũ của chúng tôi tại thôn 9 không giấu được niềm vui: “Không riêng gì thôn 9 mà cả Thọ Trường đã thay đổi rất nhiều! Giờ xe tải cỡ trung có thể vào tận những nhà cuối thôn để thu mua nông sản cũng như phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân. Từ đó, chất lượng đời sống của bà con được nâng lên về mọi mặt”.
Trong thành công này, người vui nhất có lẽ là ông Trịnh Bá Lập – Chủ tịch UBND xã Thọ Trường. Ông vui là bởi, những gì mà ông “gieo mầm” từ những ngày đầu lên giữ chức Chủ tịch xã, nay đã cho những “quả ngọt” đầu tiên.
Vừa rót chén trà xanh mời khách, ông Lập vừa nhớ lại: Năm 2010, ông được bà con trong xã tín nhiệm bầu Chủ tịch UBND xã Thọ Trường. Ngày ông nhậm chức, cả Thọ Trường còn chìm trong tứ bề khó khăn. Mọi khoản thu từ người dân thuần nông gặp rất nhiều trở ngại. Có khi phát đi thông báo thì phải mất cả nửa năm người dân mới hoàn thành việc đóng góp. Đặc biệt, khi được phổ biến về chương trình xây dựng nông thôn mới, ông và các lãnh đạo xã mới giật mình, toàn xã mới được khoảng 6 tiêu chí là “hòm hòm” tiệm cận nông thôn mới. Vậy điều gì đã khiến trong suốt một thời gian dài Thọ Trường không thể mở mang phát triển?!
Sau nhiều thực tế và trăn trở, cuối cùng ông Lập đúc kết: Mấu chốt của vấn đề tại Thọ Trường là tiếng nói đồng thuận giữa chính quyền và người dân chưa được tìm thấy, nếu có cũng chỉ ở mức thấp, không đủ để dân tin và liệu mọi việc cùng chính quyền.
Xuất phát từ thực tế này, ông Lập đã xây dựng và tạo một cầu nối giữa người dân và chính quyền bằng cách tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nhân dân. Đồng thời, phân công các cán bộ công chức của xã về phụ trách các thôn, từ đó lắng nghe, nắm bắt mọi tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Cách làm này đã cho hiệu quả, chuyển biến rõ rệt trong suy nghĩ của người dân cũng như trong tư duy của cán bộ. Từ các buổi tiếp xúc, bà con được nói hết những bức xúc, mong muốn và cả những kế sách hướng tới sự đoàn kết, phát triển bền vững từ những vị cao tuổi, trí thức trong xã; Đối với cán bộ, họ được lắng nghe, tiếp thu và rút kinh nghiệm cho bản thân, từ đó có hướng vận động, phát triển phù hợp cho từng khu dân cư.
Năm 2016, UBND xã Thọ Trường đã quyết định thành lập đoàn công tác do Chủ tịch MTTQ xã làm Trưởng đoàn, các thành viên bao gồm các trưởng các đoàn thể, các ngành… tăng cường đối thoại, tuyên truyền đến từng khu dân cư, từ đó tạo khối đại đoàn kết, gắn bó toàn dân, hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã đã đề ra trong nhiệm kỳ.
Từ hiệu quả của tiếng nói đồng thuận, đến cuối năm 2017, Thọ Trường đã trở thành một trong những địa phương của Thọ Xuân về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới.
Nói về những thành công của Thọ Trường, ông Trịnh Văn Nguyên – Chủ tịch MTTQ xã cho biết: “Mấu chốt cho sự thành công của Thọ Trường là tạo được sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền. Bản thân trong đội ngũ cán bộ xã, chúng tôi đều xác định, đã làm thì phải làm tốt. Vì nếu làm không hiệu quả sẽ phụ lại lòng tin của bà con nhân dân”. – ông Nguyên nói.
Tác giả bài viết: Nguyễn Chung
Nguồn tin: daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;