Những mô hình mới
Ghé thăm trang trại Thủy Thiên Nhu tại huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) trong chuyến famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) dành cho các khách hàng thân thiết của chuỗi cung ứng thực phẩm hữu cơ Orfarm, các vị khách đều không khỏi trầm trồ và bày tỏ sự thích thú với những gì được trải nghiệm. Đây là lần đầu tiên họ có cơ hội tới thăm cơ sở sản xuất của một thương hiệu thực phẩm hữu cơ, nghe giới thiệu về quy trình và tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất khép kín theo công nghệ vi sinh hữu hiệu EM (Nhật Bản) của trang trại.
Bà Văn Hạnh, Giám đốc thương hiệu Orfarm cho biết, dựa trên nhu cầu của những vị khách từng tham gia famtrip, Orfarm đã lên kế hoạch phát triển thêm mô hình du lịch trang trại hữu cơ vào đầu năm 2019. Ngoài tham quan và thưởng thức sản phẩm từ trang trại như các chuyến famtrip đang tổ chức hiện nay, những vị khách còn có thể nghỉ qua đêm, trực tiếp tham gia vào một số khâu chăm sóc cây trồng, vật nuôi và thu hoạch nông sản.
“Nguyên liệu trong bữa ăn của khách sẽ là sản phẩm do chính tay họ thu hoạch. Ngoài ra, khách tham quan có thể mua thực phẩm từ trang trại để mang về làm quà. Chúng tôi nhận định mô hình này sẽ hấp dẫn du khách, bởi nó mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn so với các hình thức tham quan phổ biến thông thường”, bà Hạnh cho biết.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ Phạm Minh Duy, người sáng lập thương hiệu cà phê The Married Beans nổi tiếng tại Đà Lạt nhận định, để đưa du khách đến và trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, The Married Beans thường xuyên tổ chức các chương trình tham quan nông trại nông dân trong liên kết The Married và các khoá học về sơ chế, rang xay, pha chế, thử nếm... cho khách hàng trải nghiệm.
“Tùy thuộc vào nhu cầu, khách hàng có thể ở lại nông trại từ 1 - 2 ngày hoặc nhiều hơn và tham gia sản xuất. Tại đây, khách hàng được tham quan vườn trồng cà phê với các chủng loại khác nhau, cùng sơ chế, tìm hiểu hệ thống sân phơi, trò chuyện với người nông dân, tự mình hái trái cà phê, thực hiện sơ chế, lên men và theo dõi sự thay đổi của chúng. Hầu hết du khách sau khi trải nghiệm đều có được những phản hồi rất tích cực và yên tâm hơn về sản phẩm The Married Beans. Sau đó, họ quay trở lại và giới thiệu đến nhiều người khác”, ông Duy nói.
Không riêng Orfarm hay The Married Beans, hiện nay, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc sản xuất hàng hóa, mà còn phát triển kết hợp thêm hoạt động du lịch để giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về sản phẩm. Điều này góp phần tạo nên những mô hình du lịch mới, đặc trưng, đồng thời có thể phát huy được hết giá trị của sản phẩm nông nghiệp và du lịch.
Triển vọng
Là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển với 70% dân số sống ở nông thôn, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp với các vườn cây ăn trái, trang trại, miệt vườn, làng nghề truyền thống…
Dọc theo chiều dài đất nước, không khó để tìm thấy làng nghề hoặc một vùng nào đó, bên cạnh sản xuất nông nghiệp còn phát triển du lịch như sản phẩm đi kèm. Nông nghiệp đóng vai trò là ngành nghề mang lại thu nhập chính cho những người nông dân, bên cạnh đó, du lịch phát triển dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng khiến các sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của vùng nông thôn.
Kết quả thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, nhu cầu tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn của khách du lịch tăng đều từ 20 - 30% mỗi năm. Đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đã ra đời và trở thành những thương hiệu thu hút du khách như tour du lịch Bắc Sơn (Lạng Sơn) và Mù Cang Chải (Yên Bái) vào mùa lúa chín, khám phá nông trường chè Mộc Châu (Sơn La), tham quan làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) hay du lịch miệt vườn miền Tây mùa nước nổi… Tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay tỉnh Lâm Đồng…, hàng loạt mô mình nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Dù đã có nhiều sản phẩm thành công, nhưng du lịch kết hợp với nông nghiệp vẫn còn những khó khăn nhất định. Khó khăn đầu tiên là sự đồng nhất về chất lượng giữa sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Khó khăn thứ hai bắt nguồn từ việc thay đổi nhận thức, thái độ, kỹ năng của những người nông dân, để từ những người sản xuất đơn thuần, họ có thể trở thành những người làm dịch vụ du lịch.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng giám đốc Công ty Quản lý du lịch Mekong Rustic, các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa có nhiều dịch vụ hấp dẫn. Chi tiêu của du khách chủ yếu dành cho các dịch vụ ăn uống, phòng ở… Nếu khắc phục được những nhược điểm này, các cơ sở du lịch nông nghiệp của Việt Nam có thể tăng sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo Báo Đầu tư
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;