Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bồng Trần Đức Trường, cho biết: “Nghề trồng cam ở địa phương có từ hàng chục năm nay, nhưng những năm gần đây mới thực sự phát triển mạnh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân phát triển cây cam.
Từ sự định hướng và quan tâm của xã, cộng với giá trị kinh tế từ loại cây này, người dân đã tập trung phát triển rất mạnh. Đến nay, toàn xã có 374,3 ha cam, trong đó 192 ha đã cho thu nhập. Trung bình, mỗi ha cam cho thu hoạch khoảng 20 tấn, thu nhập trên 500 triệu đồng”.
Theo chân cán cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Đức Bồng đi một vòng xung quanh các “rừng cam”, đâu đâu cũng bắt gặp những đồi cam bạt ngàn, xanh ngát. Ghé thăm một số mô hình cam tại thôn 8, chúng tôi như bị mê hoặc trước những vườn cam xanh tươi, trĩu quả.
Trưởng thôn 8 Phan Đình Phúc phấn khởi: “Thôn chúng tôi có 136 hộ thì có đến 98 hộ trồng cam. Đến thời điểm này, toàn thôn có 96 ha cam, trong đó 50 ha đã cho quả. Dự kiến hết năm nay, chúng tôi sẽ trồng mới thêm 4-5 ha, đưa tổng diện tích cam của thôn đạt trên 100 ha. Nếu chăm sóc tốt, trong giai đoạn cam cho quả tốt nhất, 1 ha có thể thu về 600-700 triệu đồng mỗi năm”.
Ghé thăm vườn cam trên 4 ha của anh Lê Vũ Quang (thôn 8), chúng tôi thực sự bị hút hồn bởi đồi cam bạt ngàn, trĩu quả này. Anh Quang cho biết: “Nhờ chăm bón tốt nên cam của vườn tôi đảm bảo chất lượng, được nhiều bạn hàng đặt mua tận vườn. Thậm chí, đến mùa, người mua tự tổ chức thu hái, mình chỉ việc ngồi cân và đếm tiền tại chỗ. Với 2 ha cho quả, mỗi năm, trừ chi phí, tôi có thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Năm nay do thời tiết thất thường cộng với xuất hiện nhiều thiên địch phá hại nên cam rụng khá nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng về một vụ cam có thu nhập hàng trăm triệu đồng”.
Không riêng gì anh Quang, hàng trăm hộ gia đình ở Đức Bồng đang có thu hoạch mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ cam. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Lý (thôn 8), có 3 ha, mỗi năm thu gần 1 tỷ; anh Trần Lê Quang Dũng (thôn 8) có gần 4 ha, thu hàng trăm triệu đồng; anh Lê Ngọc Lâm (thôn 6), có 1 ha, thu mỗi năm trên 300 triệu đồng; anh Lê Khánh Toàn (thôn 8), có gần 3 ha, mỗi năm thu trên 400 triệu đồng…
Lãnh đạo xã Đức Bồng cho biết: Cam Đức Bồng phát triển đều trên 8 xóm, trong đó tập trung nhiều ở các xóm 6,7,8. Hiện nay, toàn xã có 125 mô hình cam cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng; 10 mô hình cho thu nhập từ 300 đến trên 500 triệu đồng. Cây cam thực sự là cây kinh tế mũi nhọn, giúp nhiều gia đình Đức Bồng có cuộc sống khá giả.
Tác giả bài viết: Chính Thu
Nguồn tin: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã