Học tập đạo đức HCM

Thích ứng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững - Bài 3: Những hiệu quả bước đầu

Chủ nhật - 30/09/2018 03:40
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu là một ưu tiên hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng trước thực tế biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt.

Bước đầu, những mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đang phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao hơn, có tính bền vững cho nông dân.

Chú thích ảnh
Để thích ứng với khô hạn, nhiều diện tích trồng lúa, mía… kém hiệu quả ở các huyện Mỹ Tú, Long Phú, Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã được chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc rau màu.

Phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch 

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, tiến tới phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu. Bước đầu, trên địa bàn tỉnh đã có một số trang trại nuôi thủy sản, gia súc gia cầm quy mô lớn; mô hình lúa đặc sản, lúa chuyên canh, lúa-tôm kết hợp… hợp tác xã trồng cây ăn trái xoài, nhãn, bưởi Năm Roi… có tính liên kết. Riêng năm 2017, giá trị sản phẩm trồng trọt và thủy sản trên mỗi ha đất ở Sóc Trăng đạt tới 147 triệu đồng (tăng 12 triệu đồng/ha so với năm 2016); năm 2018, tỉnh phấn đấu đạt giá trị trên 150 triệu đồng/ha.

Để thích ứng với khô hạn, nhiều nông dân ở huyện Mỹ Tú đã đưa cây màu xuống ruộng theo cơ cấu sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ màu, các loại rau củ, trong đó trồng nhiều nhất là dưa hấu, vì đây là cây cần ít nước, dễ tiêu thụ. Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, trồng màu thay thế lúa vụ 3 được xem là lợi thế phát triển theo hướng ổn định, vì lượng nước cần cho cây màu vừa phải, nhanh cho thu hoạch, lợi nhuận đạt được gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa và cải tạo được đất… Do đó, mô hình này được duy trì hằng năm, diện tích ngày càng tăng thêm. 

Gần đây, Sóc Trăng chú trọng đến chất lượng lúa và giá trị hạt gạo hơn là nâng cao sản lượng lúa hàng năm. Năm 2017, năng suất lúa bình quân ở tỉnh đạt 60,4 tạ/ha, sản lượng lúa của tỉnh đạt hơn 2,1 triệu tấn, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đề ra, lợi nhuận bình quân đạt tới đạt 8,7 triệu đồng/ha, tương đương 43,66% chi phí đầu tư (theo quy định của Chính phủ là trên 30%).

Đạt được mức lợi nhuận ấy là do nông dân Sóc Trăng đã đẩy mạnh sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm, giá trị cao phục vụ nhu cầu thị trường xuất khẩu với diện tích lúa thơm, lúa đặc sản chiếm trên 50% diện tích xuống giống của tỉnh, tương đương trên 177.000 ha (tăng gần 20% diện tích so với năm sản xuất 2016). Mô hình cánh đồng lớn ngày càng được duy trì và mở rộng với trên 530 cánh đồng, tổng diện tích hơn 52.550 ha.

Bên cạnh sản xuất lớn, đại diện các doanh nghiệp, đại lý cũng tham gia ký kết với nông dân. Hiện  đã có trên 60 doanh nghiệp, đại lý thu mua liên kết với nhà nông ở Sóc Trăng để bao tiêu sản phẩm trên diện tích hơn 75.000 ha lúa.

Trong quá trình cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng chú trọng đẩy mạnh cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã xây dựng, hoàn thành các nhãn hiệu nông sản chủ lực như: Bưởi, cam sành, vú sữa (huyện Kế Sách, Mỹ Tú); nhãn xuồng cơm vàng (Vĩnh Châu); mãng cầu gai (Ngã Năm); xoài Đài Loan, xoài cát chu, nhãn Ido (Cù Lao Dung)… với tổng diện tích hơn 29.000 ha, thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương, phù hợp điều kiện tự nhiên, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Với các loại nông sản này, nông dân có mức doanh thu đạt từ 120 - 200 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những hộ đạt từ 1-2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 40% trở lên. Đối với một số địa bàn vùng đất gò cao, khó khăn về nước ngọt, người dân tích cực áp dụng các mô hình chuyển đổi như đưa màu xuống chân ruộng.

Để thích ứng với điều kiện khô hạn, cần tiết kiệm nước, mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn trái ở Kế Sách đã được thực hiện. Mô hình này được thực hiện trên vườn cam bắt đầu vào giai đoạn cho trái tại  ấp An Ninh 1, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), quy mô 1.000m2. Sau một năm triển khai cho thấy, khi sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, kết hợp bón phân qua hệ thống tưới giúp cây trồng có tốc độ tăng trưởng tốt hơn, năng suất tăng thêm 15,4 tấn/ha/vụ (tăng 28%); đồng thời tiết kiệm được 40-50% lượng nước tưới, 20% lượng phân bón và giảm công lao động so với cách tưới phun của nông dân. Ngoài ra, việc tưới nhỏ giọt còn hạn chế sự xói mòn, đóng váng (làm bít các kẽ hở trong đất) và rửa trôi dinh dưỡng trong đất, hạn chế lây lan mầm bệnh...

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm trên thị trường xuất khẩu, tỉnh Sóc Trăng đã khuyến khích và tăng cường hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, tôm sinh thái chất lượng cao, tôm sạch để nâng giá trị sản phẩm, trong đó đặc biệt chú trọng mở rộng mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: Ngành Nông nghiệp chủ trương, ở những vùng có nguy cơ nhiễm mặn sẽ chuyển một phần đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò; thay vì 1 ha làm lúa 2 vụ/năm, chuyển sang trồng cỏ quanh năm hiệu quả cao hơn. Với phương châm "biến những bất lợi do biến đổi khí hậu thành lợi thế trong sản xuất" để không bị động, giảm nguy cơ đe dọa từ biến đổi khí hậu, tỉnh sẽ hỗ trợ để nông dân thay đổi ý thức canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. 

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp trong mùa khô hạn. Trong đó, tại những vùng khó khăn về nước và chân ruộng cao như ở huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, người dân đã mạnh dạn trồng dưa hấu, bước đầu đạt hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Chú thích ảnh
Để chuyển đổi, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã đưa cây màu xuống chân ruộng được gần 1.700 ha, trong đó có gần 1.000 ha dưa hấu.

Anh Dương Văn Chiến, ở xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, cho biết: Mùa khô năm nay, anh thuê 2 công đất ruộng (1 công = 1.300 m2) để trồng dưa hấu, mỗi công thuê hết 700.000 đồng. Sau 2 tháng, dưa hấu đã cho thu hoạch. Hiện dưa hấu đã thu hoạch được thương lái đến tận ruộng mua với giá trung bình 4.000 đồng/kg, năng suất khoảng 4 tấn trái/công đất vụ này. Anh Chiến ước tính sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng hơn chục triệu đồng/công, tức là cao hơn so với trồng lúa khoảng 4-5 lần.

Những năm trước, gia đình anh Trần Văn Phục, ở ấp Bình Du B, xã An Thạnh Nhì (huyện Cù Lao Dung) trồng mía nhưng không hiệu quả. Thấy vậy, anh chuyển sang trồng nhãn da bò. Tuy nhiên, giá loại nhãn này thường bấp bênh, cây nhãn lại dễ bị sâu bệnh… nên anh đã chuyển 3 ha từ trồng nhãn da bò sang trồng nhãn Ido (giống Thái). Năm nay, vườn nhãn của gia đình anh đang chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu, hứa hẹn bội thu vì năng suất ước tính cao gấp đôi so với trồng nhãn da bò.

Theo anh Phục: Nhờ tham gia Hợp tác xã An Phú Hưng nên anh được hướng dẫn quy trình trồng nhãn sạch, an toàn thực phẩm. Quy trình trồng nhãn Ido gần như tự động từ khâu tưới nước với hệ thống đường ống dẫn nước, trộn phân vi sinh được tự động hòa trong hồ nước và phun qua hệ thống tự động trực tiếp vào khu vực gốc cây hàng ngày. Việc tiêu thụ trái cũng rất tốt do thị trường xuất khẩu nhãn này luôn cung chưa đủ cầu. 

Tổ hợp tác mãng cầu gai Kiên Hòa, ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, hiện có 62 thành viên, tổng diện tích gần 30 ha trồng cây mãng cầu gai. Từ khi thành lập, các thành viên trong tổ đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, liên kết tiêu thụ, nâng cao thu nhập. Được sự hỗ trợ của ngành chức năng địa phương, tổ hợp tác đã xây dựng mô hình VietGap trong sản xuất mãng cầu gai, trong đó có 40 thành viên, với diện tích trên 25 ha được cấp giấy chứng nhận. Qua đó, chất lượng sản phẩm mãng cầu gai được nâng lên, năng suất ổn định từ 25-32 tấn/ha.

Sản phẩm mãng cầu gai của Tổ hợp tác mãng cầu gai Kiên Hòa được Công ty trách nhiệm hữu hạn Cẩm Thiều thu mua, sau đó sản xuất ra các sản phẩm như: Trà, rượu, mứt... Các sản phẩm từ mãng cầu gai của Công ty đang được quảng bá, trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị thương mại lớn, mở rộng đại lý ở nhiều địa phương trong nước, được khách hàng phản hồi tích cực.

Hiện các cấp, các ngành đang tích cực hỗ trợ công ty, tổ hợp tác xã kỹ thuật trồng, thiết bị, quy trình sản xuất các sản phẩm từ loại trái cây này. Thị xã Ngã Năm cũng xác định đây là 1 trong 3 loại cây thế mạnh trong đề án chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao cho địa phương và các hộ nông dân.

Tại huyện Mỹ Xuyên, ngành Nông nghiệp và địa phương duy trì mô hình “lúa thơm-tôm sạch” diện tích hơn chục ngàn ha lúa luân canh với nuôi tôm. Mô hình đã cho sản phẩm lúa và tôm thương phẩm đạt chất lượng sạch, có giá trị cao hơn các vùng nuôi tôm khác; lúa gạo cũng đang được xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, được thị trường tiêu thụ mạnh, đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông.

Hàng năm, Sóc Trăng thả nuôi trên 65.000 ha thủy sản các loại, trong đó có gần 50.000 ha tôm nước lợ. Xác định tôm nước lợ là thủy sản chủ lực, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Quản lý vùng nuôi, hỗ trợ vốn sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình liên kết chuỗi và xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, thủy lợi, giống nuôi, nhân rộng mô hình chuẩn VietGAP.

Nhiều nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao ở Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu đã áp dụng mô hình trang trại lớn, sản xuất sạch, theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP như nuôi tôm trong nhà kính, hệ thống sục khí đáy, sử dụng vi sinh và có quy trình chăm sóc đặc biệt.

Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A là một trong những Hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP về nuôi tôm sú và tôm thẻ nước lợ. Hiện nay, Hợp tác xã có 20 xã viên, với hơn 26,6 ha thả nuôi, mỗi năm đạt lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng.

Năm nay là năm thứ hai gia đình anh Lâm Minh Lớn, xã viên Hợp tác xã Nông Ngư 14/10 Hòa Nhờ A (xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên) nuôi tôm sú theo tiêu chuẩn VietGAP. Vượt qua những khó khăn ban đầu về kỹ thuật và quy trình nuôi, vụ tôm vừa thu hoạch, gia đình anh Lớn đã thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng từ 2,2 ha mặt nước thả nuôi tôm nước lợ. 

Cũng như Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, Hợp tác xã Thành Đạt, chuyên nuôi tôm nước lợ ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, cũng đang phát triển từ mô hình hợp tác nuôi tôm, có sự hỗ trợ của ngành chuyên môn thông qua các dự án. Vụ nuôi năm 2017-2018, thành viên các hợp tác xã thu hoạch được130 tấn thương phẩm với tổng giá trị 14,6 tỷ đồng, lợi nhuận 6,75 tỷ đồng. Chỉ riêng thành viên Dương Văn Thanh đã có lợi nhuận 1 tỷ đồng, bằng tổng lợi nhuận của Hợp tác xã năm 2016, người thu lãi thấp nhất cũng đạt trên 30 triệu đồng.

Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng: Mỗi năm, UBND tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng để thực hiện công tác tuyên truyền và xây dựng mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến cuối năm 2017, Sóc Trăng đã có 1 công ty, 3 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP trong nuôi tôm nước lợ. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện được hơn chục mô hình điểm nuôi tôm sạch có liên kết theo chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, nhiều mô hình nuôi tôm không sử dụng kháng sinh trên các loài thủy sản khác đang được người dân Sóc Trăng áp dụng.

Theo ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát triển đúng định hướng, đúng trọng tâm, tuyên truyền để nông dân hiểu những mô hình kinh tế hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài, để giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm.

 

Bài, ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập132
  • Hôm nay29,313
  • Tháng hiện tại983,125
  • Tổng lượt truy cập92,156,854
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây