Mô hình nuôi rắn ri cá trong vèo lưới được ông Bằng nhân nuôi tại ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp. Đến nay, mô hình đã nhân rộng từ 1 vèo lưới có diện tích 6m2 lên 18 vèo với 1.200 con rắn bố mẹ, rắn lứa.
Mô hình nuôi rắn ri cá của ông Bằng đã duy trì và phát triển gần 10 năm nay, mỗi năm cho lãi khoảng 400 triệu đồng.
Ông Bằng nhớ lại: “Hồi năm 2009, tôi thấy ở gia đình còn đất trống nên tranh thủ ngày thứ Bảy, Chủ nhật về vườn nuôi thử rắn ri cá. Ban đầu vì thấy loại rắn này bán có giá khá cao và nguồn từ tự nhiên ngày càng ít, vì vậy tôi mới nuôi thử trong bể xi măng nhưng không thành công. Sau nghiên cứu thấy rắn thích hợp môi trường nước và có lục bình mới sống tốt, nghĩ vậy tôi mới may vèo lưới thả nuôi trong ao nước sau nhà, vậy mà rắn sinh sôi phát triển”.
Ông Bằng giới thiệu con rắn ri cá lứa trên 5 tháng tuổi. Ảnh: Thành Hiệp (NNVN).
Cũng theo ông Bằng, với vật dụng nuôi khá đơn giản gồm: vèo lưới, trụ tre (hoặc loại trụ gỗ khác), lục bình, rau ngổ, dây ni-lông đen, chà tre (hoặc loại chà khác) là có thể tự làm nơi cho rắn sinh sống. Chi phí để thả nuôi 1 vèo rắn 6m2 đủ cho 100 con rắn cần khoảng hơn 1 triệu đồng tiền con giống và vèo lưới.
Phần thức ăn là các loại cá tạp đánh bắt từ tự nhiên như cá sặc, cá chốt có thể tự tìm kiếm hoặc mua với giá khoảng 6 triệu đồng trong 1 năm thả nuôi rắn. Với giá bán 380.000 đồng/kg thì bà con lời được hơn 30 triệu đồng/vụ, nếu tính tỷ lệ hao hụt không đáng kể, nuôi trong điều kiện vèo lưới, có thả lục bình. |
Để tránh hao hụt thì bà con phòng chống chuột tấn công, cắn phá khi nhảy vào mùng lưới. Nên để vèo cách xa nhau 30cm và cách bờ ao hơn 40cm để chuột không nhảy vào vèo được. Trong quá trình nuôi nên làm cỏ sạch sẽ, làm nắp đậy mùng lưới, đặt bẫy hoặc thuốc chuột…
Như vậy, mô hình nuôi rắn trong vèo lưới đã thay thế cho cách nuôi truyền thống là nuôi trong bể, lu, khạp. Cách nuôi này đã khắc phục những khó khăn, hạn chế của cách nuôi theo truyền thống như thay nước (tốn chi phí), rắn dễ bị bệnh tật do điều kiện nuôi nhốt chưa gần giống với tự nhiên trú ẩn hoang dã của loài rắn, diện tích nhỏ…
Trái ngược với cách nuôi cũ, cách nuôi rắn ri cá của ông Bằng dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt, nguồn thức ăn đa dạng, đặc biệt nhu cầu thị trường nhiều và ổn định. Về cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, đều được áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật sản xuất mới đem lợi hiệu quả cao trong chăn nuôi động vật hoang dã nói chung và rắn ri cá nói riêng.
Một trong những vèo nuôi rắn ri cá bố mẹ của gia đình ông Bằng. Ảnh: Thành Hiệp (NNVN).
Ông Bằng lưu ý thêm: “Điều quan trọng là vèo nuôi rắn ri cá phải thoáng, ao mương phải sạch, nước vô ra thường xuyên. Trong trường hợp mương vườn không có đường thoát nước thì cần thường xuyên sát trùng bằng vôi bột và muối. Có như thế rắn mới lớn nhanh và ít bị nhiễm bệnh. Một bí quyết quan trọng nữa là trong mỗi vèo cần thả lục bình, rau ngổ và chà tre vì lục bình, rau ngổ có tác dụng lọc sạch nước, mặt ao mát mẻ và yên tĩnh, đồng thời rau ngổ có chất kháng sinh, kháng viêm giúp cho rắn phòng, ngừa bệnh tự nhiên được tốt hơn, lục bình và chà tre cũng giúp cho rắn có nơi trú ẩn.
Với những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong chăn nuôi rắn ri cá từ năm 2009 đến nay, mô hình của ông Bằng đã giúp nông dân trong và ngoài tỉnh học tập, áp dụng. Trong đó có cả nông dân ở tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Long An, Vũng Tàu… và bất cứ ai cũng có thể áp dụng rộng rãi từ nông dân, cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên. Chỉ cần diện tích nhỏ và tận dụng thời gian rảnh rỗi để chăn nuôi từ hộ gia đình đến quy mô trang trại. Công chăm sóc cũng không vất vả vì 3 ngày hoặc 1 tuần cho rắn ăn một lần. Thức ăn cũng dễ tìm, có thể tự bắt hoặc mua cá tạp dễ dàng ngoài các chợ cá.
Theo đánh giá của các thành viên Ban Tổ chức cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, mô hình đã cho thấy hiệu quả ngay trong thực tiễn do chính tác giả Bùi Hoàng Bằng đã làm được. Mô hình có thể giúp mọi người tăng thu nhập mặc dù chỉ tham gia nuôi quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cũng đánh giá cao và mong muốn với mô hình của tác giả Bùi Hoàng Bằng sẽ giúp nông dân Hậu Giang cải thiện được cuộc sống. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;