Cảnh quay giết mổ bò được thực hiện tại Việt Nam lan truyền ở Australia đã khiến chính quyền nước này tạm ngưng xuất gia súc đối với Công ty Animex Hải Phòng của Việt Nam. Theo điều tra của tổ chức bảo vệ động vật Animals Australia, nhiều lò mổ ở Hải Phòng đã ngược đãi động vật, vi phạm tiêu chuẩn ESCAS. Chính phủ Australia cũng đang tiến hành điều tra những cáo buộc cho rằng các lò giết mổ gia súc ở Việt Nam không đạt tiêu chuẩn và có những hành vi ngược đãi động vật.
Vấn đề ngược đãi động vật là phạm trù văn hóa và người kinh doanh sản phẩm chăn nuôi cần phải biết rõ điều này. Chẳng hạn người Hàn Quốc thường không ăn các sản phẩm là phần đầu của động vật, vì cho rằng đó là hành vi tàn bạo. Việc giết mổ cũng rất nhạy cảm với người châu Âu và đây chính là nguyên nhân mà họ chủ yếu tiêu thụ những sản phẩm gia súc gia cầm và thủy sản đã được chế biến sẵn và được cắt khúc riêng rẽ. Giá của những sản phẩm sống, chưa giết mổ thường rẻ hơn rất nhiều (vì người ta ngại không giết mổ chúng), trong khi các sản phẩm qua sơ chế lại có giá cao hơn và được tiêu thụ rộng rãi hơn ở ngay các nước phát triển.
Do đó, không chỉ nuôi trồng sạch mà còn phải giải quyết vấn đề giết mổ và chế biến ra thành phẩm như thế nào để được xã hội chấp nhận.
Thị trường không chỉ có luật của “cơ chế thị trường” mà còn có những bộ luật “ngầm” về văn hóa, trong đó có văn hóa giết mổ động vật. Cộng đồng Hồi giáo có quy định nghiêm ngặt về sản phẩm Halal, đó là sản phẩm được giết mổ đúng quy cách và người Hồi giáo chỉ sử dụng những sản phẩm này. Sự khác biệt giữa thịt bình thường và thịt Halal nằm ở cách giết mổ động vật. Theo quy định, từ từ Allah (Chúa Trời) phải được người mổ thịt nói trước khi mổ. Dụng cụ giết mổ phải được mài sắc bén để đảm bảo tính nhân đạo. Động vật phải được giết ở khe cổ họng. Động vật phải còn sống trước khi bị mổ. Thịt của động vật bị chết hoặc bất tỉnh trước khi mổ không phải là thịt Halal. Thịt sau khi mổ phải được treo ngược lên để máu chảy ra hết. Thịt Halal là thịt không dính máu. Việc giết mổ phải được thực hiện bởi người Hồi giáo hoặc người Do thái. Động vật phải được cho ăn ở chế độ tự nhiên, không chứa các sản phẩm làm từ động vật khác.
Sản phẩm giết mổ đúng quy cách có giá trị cao hơn Nguồn: Static
Bên cạnh đó, văn hóa vật tổ, tức sùng bái loài vật làm vật tổ là tín ngưỡng văn hóa phổ biến trên thế giới. Trong khi người Hồi giáo không ăn thịt heo thì người theo Ấn Độ giáo lại kiêng ăn thịt bò. Nhiều người dị ứng với việc ăn thịt những loại động vật gần gũi vật nuôi, thú cưng như chim bồ câu, chó cảnh, mèo cảnh, cá cảnh… Đạo Phật cũng nghiêm cấm việc sát sinh đối với những vị tu hành.
Từ những nét văn hóa riêng biệt và đặc thù, rõ ràng các sản phẩm chăn nuôi muốn xuất khẩu và tiêu thụ ở các quốc gia có nét văn hóa đặc trưng cần phải tuân theo những tập quán văn hóa.
Một trong những thói quen cổ hủ của người Việt Nam là thích mua con vật sống và trực tiếp giết mổ hoặc chứng kiến việc giết mổ ngay tại chợ, tại cửa hàng. Tập quán này hoàn toàn trái ngược với văn hóa hiện đại nói chung trên thế giới, khi mà việc giết mổ được tổ chức chuyên nghiệp và sản phẩm tiêu thụ trên thị trường là sản phẩm đã được giết mổ từ trước, các sản phẩm đông lạnh, các sản phẩm cắt khúc. Ngày nay, hầu hết sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đều thực hiện theo dạng này, nhưng các chợ nhỏ, chợ đầu mối vẫn diễn ra cảnh giết mổ khá mất vệ sinh và ít nhiều gây phản cảm.
Người viết bài này đã từng chứng kiến một số du khách nước ngoài gần như ngất xỉu khi vào chợ và thấy những con chim bồ câu bị quay lên treo thành dàn, hay những con lợn bị mổ phanh bụng và chở khắp các nẻo đường.
Từ việc giết mổ bò Úc gây phẫn nộ cho dân cư và khiến Chính phủ nước này phải can thiệp, phải chăng đã đến lúc cần có những thay đổi trong việc giết mổ, trong đó đề cao tính nhân văn, đồng thời đảm bảo cung cấp những sản phẩm giết mổ phù hợp với các tiêu chuẩn chung của thế giới bằng các lò mổ chuyên nghiệp và tích cực tiêu thụ các sản phẩm đã qua giết mổ, sơ chế, ướp tẩm hương vị và trình bày với những màu sắc bao bì đẹp đẽ?
Nguyễn Anh
http://nguoichannuoi.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã