Học tập đạo đức HCM

Hướng đi cho nông nghiệp Nghệ An từ các mô hình ở Lâm Đồng

Thứ sáu - 06/10/2017 04:08
Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Câu chuyện thành công của xứ ngàn hoa là kinh nghiệm quý để Nghệ An thực hiện thành công mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa CNC.


Những người con quê hương thành danh 

Nhắc đến Lâm Đồng, nói đến Đà Lạt, chúng ta đều liên tưởng mảnh đất của những sản phẩm nông nghiệp ôn đới giữa xứ sở nhiệt đới. Với nguồn tài nguyên lớn nhất là khí hậu, cùng với các chủ trương, chính sách thích hợp, nền nông nghiệp Lâm Đồng đã có bước tiến dài trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trăn trở về một nền nông nghiệp Nghệ An phát triển, hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cùng đoàn công tác của tỉnh đã vào khảo sát trực tiếp tại địa phương này. 

Cà chua trồng trong nhà kính của Công ty trồng trọt và thương mại Kim Bằng. Ảnh: Thành Duy
Cà chua trồng trong nhà kính của Công ty trồng trọt và thương mại Kim Bằng. Ảnh: Thành Duy

Sáng Đà Lạt lãng đãng sương mai, ông Trần Đức Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Xuân Hương đóng tại phường 9, TP. Đà Lạt vui vẻ đón tiếp đoàn công tác đến từ quê hương. Quê gốc Yên Sơn, Đô Lương, người đàn ông ngoại lục tuần đã đứng đầu một hợp tác xã nông nghiệp phát triển đạt hiệu quả cao từ năm 2003 đến nay. 

Trên diện tích 7 ha với 25 hộ thành viên, Hợp tác xã Xuân Hương là một trong những đơn vị điểm đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp nhằm xây dựng mô hình điểm ứng dụng nông nghiệp CNC từ năm 2004. Hiện nay, toàn bộ diện tích của hợp tác xã đều được khép bằng nhà màng trồng các loại rau trên đất sạch. “Hợp tác xã định hướng giống các loại rau để trồng và bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Sản phẩm hiện tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hoà, Đắk Nông, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, các siêu thị Metro, Big C. Doanh thu năm 2016 của chúng tôi đạt 7,2 tỷ đồng” - ông Quang chia sẻ; đồng thời vui vẻ cho biết sẵn sàng hỗ trợ tỉnh để chuyển giao khoa học kỹ thuật gieo trồng.

Một người con xứ Nghệ khác cũng rất nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp CNC ở xứ sở ngàn hoa là ông Trần Huy Đường - chủ Công ty TNHH trang trại Lang Biang đóng tại phường 9, TP. Đà Lạt. Trên những miền đồi dốc trập trùng của xứ sở ngàn hoa, với bàn tay, khối óc, ý chí, ông cùng vợ đã gây dựng nên một doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng CNC vào sản xuất.

Công ty sản xuất các sản phẩm hoa, dâu tây, khoai tây sạch và khai thác loại hình du lịch nông nghiệp; đồng thời thực hiện tư vấn lĩnh vực nông nghiệp CNC cho doanh thu 40 -50 tỷ đồng/năm. “Chúng tôi đã áp dụng công nghệ nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính, quản lý bằng các phần mềm tin học, dùng các biện pháp sinh học để quản lý dịch hại” - người đàn ông quê gốc Kim Liên, Nam Đàn chia sẻ: “Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ tỉnh về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ”.

Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Ảnh: Thành Duy
Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Duy
Công nhân Công ty TNHH trang trại Lang Biang chăm sóc dâu tây. Ảnh: Thành Duy
Công nhân Công ty TNHH trang trại Lang Biang chăm sóc dâu tây. Ảnh: Thành Duy
Lâm Đồng có diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 50.000 ha, chiếm 17% diện tích canh tác; doanh thu bình quân trên diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh đạt 150 triệu/ha. Trong đó, diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 400 -500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thuỷ canh đạt 8 -9 tỷ đồng/ha/năm; hoa đạt 800 triệu - 1,2 tỷ đồng/ha/năm, chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng/ha/năm; cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm. 

Chủ tịch Nguyễn Xuân Đường cũng đã đến thăm Công ty trồng trọt và thương mại Kim Bằng tại phường 7, TP. Đà Lạt do đôi vợ chồng Mỹ - Việt dành tình yêu sâu sắc với Đà Lạt gây dựng nên. Trên diện tích 7 ha, trong đó có 5 ha nhà kính, công ty Kim Bằng trồng các loại rau cả đất và thuỷ canh.

Khi Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị hỗ trợ tỉnh Nghệ An phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bà Nguyễn Thị Huệ chủ công ty, có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng rau bày tỏ sẵn sàng đồng hành với tỉnh, nhất là đào tạo học viên nông nghiệp cho Nghệ An nếu tỉnh có nhu cầu.

Kinh nghiệm từ Lâm Đồng

Tại cuộc làm việc chiều ngày 5/10, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, tỉnh này xác định rõ việc triển khai thực hiện là do các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ nông dân thực hiện. Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với những nội dung mà các đối tượng trên gặp khó khăn như: xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại,…

Công tác quy hoạch được triển khai đảm bảo phù hợp với điều kiện sinh thái, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Với tầm nhìn đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, tỉnh đã tích tụ đất đai theo hình thức quy hoạch các khu, các vùng liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp. Đây là cách làm khác so với nhiều địa phương nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt đã có 77 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đạt hơn 266,3 triệu USD.

Mặt khác, Lâm Đồng cũng rất quan tâm đến xây dựng thương hiệu sản phẩm. Hiện, địa phương này có 19 sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu chứng nhận và 8 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC; hoàn thành việc xây dựng và đăng ký thương hiệu “Đà Lạt, kết tinh kỳ diệu từ đất lành” gồm những sản phẩm chính gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông.

Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH trang trại Lang Biang. Ảnh: Thành Duy
Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH trang trại Lang Biang. Ảnh: Thành Duy

Có cơ chế, có nhà đầu tư song vấn đề cốt lõi nhất để địa phương này thực hiện thành công ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp chính là nhân lực. Lâm Đồng đào tạo theo 3 nhóm là cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. “Nông dân được đưa đi đào tạo trong nước và nước ngoài ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Mỗi lần, chúng tôi cử đi 18 -20 nông dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, đồng thời nhấn mạnh phương châm tổ chức sản xuất là: lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy nông dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt.

Ấn tượng trước những thành công của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường khẳng định quyết tâm cao của Nghệ An trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đánh thức tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng... Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hiện nay, Nghệ An có một số định hướng quy hoạch phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn đến 2020, định hướng đến năm 2030 là phát triển từ 20 - 25 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng CNC, tổng diện tích khoảng 8.000-10.000 ha với các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực. Đến năm 2020, hình thành một khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại Nghĩa Đàn, quy mô 200 ha để tổ chức sản xuất, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. 

Tuy nhiên, thực tiễn xuất hiện không ít khó khăn do ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, khí hậu và ruộng đất còn manh mún, chưa có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh; nguồn nhân lực còn thiếu… Do đó từ những kinh nghiệm thực tiễn từ Lâm Đồng, những nét tương đồng về tiềm năng và về quyết tâm của tỉnh Nghệ An và sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trong việc hỗ trợ Nghệ An thực hiện mục tiêu trên, tin tưởng, một ngày không xa, nông nghiệp của tỉnh sẽ phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao.

Tác giả bài viết: Nhật Lệ

Nguồn tin: www.baonghean.vn

 Tags: nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập558
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại791,819
  • Tổng lượt truy cập93,169,483
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây