Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, các sản phẩm du lịch nông nghiệp hiện tập trung chủ yếu ở Củ Chi và Cần Giờ. Hiện cơ quan này chưa có số liệu thống kê đầy đủ về lượng khách đi tour này nhưng ước tính mỗi năm có hơn 100.000 lượt.
Có những nông trại như Nông Trang Xanh cho biết trong 9 tháng đầu năm 2017 đón khoảng 35.000 lượt khách, Hoa Lúa đón 1.000-2.000 lượt khách/tháng, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ước tính đón 14.000-15.000 lượt khách trong năm nay. Lượng khách chính của những khu này là học sinh, sinh viên và số ít khách đến từ các cơ quan, đoàn thể.
"Chưa có sự gắn kết nhiều giữa các khu, điểm du lịch với doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan liên quan nên sản phẩm này chưa phát triển mạnh", ông Nguyễn Minh Trí, Phó phòng Quy hoạch và Phát triển sản phẩm du lịch thuộc Sở Du lịch TPHCM nói trong hội thảo về Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM.
Đại diện Sở Du lịch cùng một số doanh nghiệp lữ hành, nông trại và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, cho rằng cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau để người nông dân, đơn vị phát triển nông nghiệp có thêm kiến thức về phục vụ du lịch, biết những dịch vụ cần cho du khách để đầu tư thêm và hợp tác quảng bá hình ảnh. Các doanh nghiệp lữ hành cũng có lợi vì có thêm sản phẩm để làm mới chương trình tour.
Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, cho biết phát triển mảng du lịch là một sự tình cờ và khu này đã học kinh nghiệm từ một số địa phương để phát triển dịch vụ. Đến nay, lượng khách tăng dần, trong đó có đến 80% là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, do làm tự phát nên dịch vụ du lịch còn chưa đủ, chưa kết nối được mạng lưới khách hàng lớn... Việc cùng ngành du lịch tổ chức hội thảo lần này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết phần nào vướng mắc này.
"Chúng tôi chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho các địa phương. Trong đó, có những nơi làm du lịch nông nghiệp nên chúng tôi học hỏi. Cũng là cây đó, con đó nhưng chỉ cần đưa thêm dịch vụ vào là đã có thể tăng giá trị lên vài lần", ông nói và kể câu chuyện làm du lịch nông nghiệp ở Bến Tre. Tại đây, thay vì chỉ bán trái dưa lưới thì người dân đã biết cách kéo du khách đến chơi, cho khách chọn cây để tự chăm sóc hoặc chăm sóc thay rồi báo quá trình nuôi dưỡng cho khách hàng. Khi trái chín, một trái dưa được bán hơn 200.000 đồng thay vì chỉ 70.000-80.000 đồng như bình thường.
Với Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, mong muốn phát triển mạnh sản phẩm du lịch nông nghiệp không chỉ nhằm kéo thêm khách đến đây mà còn tạo ra những mô hình, cách làm mới giúp gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp để chuyển giao lại cho nông dân.
Sắp tới, Sở Du lịch và đơn vị này sẽ thảo luận cụ thể những việc cần làm. Trong đó, có việc kết nối Khu Nông nghiệp Công nghệ cao với địa đạo Củ Chi để làm phong phú chương trình tour, tổ chức thêm các tour trải nghiệm nông nghiệp và tạo nên các tour một ngày hoặc ba ngày cho người dân TPHCM...
Theo thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;