Trong đợt giới thiệu sản phẩm du lịch công nghiệp Hàn Quốc tới các doanh nghiệp (DN) lữ hành Việt Nam mới đây, phía Hàn Quốc cho hay loại hình du lịch này đang khá thành công tại nhiều quốc gia ở châu Âu.
Xu hướng của thế giới
Đây là loại hình du lịch sử dụng ngành công nghiệp truyền thống, các di sản công nghiệp như nhà máy, công xưởng sản xuất, phòng trưng bày sản phẩm của DN kết hợp với sản phẩm du lịch tạo nên những điểm du lịch tổng hợp.
Tại châu Á, Hàn Quốc đi đầu trong phát triển du lịch công nghiệp. Chính phủ nước này xác định du lịch công nghiệp sẽ tạo nên hiệu quả kinh tế bổ sung cho các DN, các địa phương và đang ra sức hỗ trợ xúc tiến loại hình du lịch này ra các thị trường, trong đó có Việt Nam.
Theo gợi ý từ phía Hàn Quốc, các công ty du lịch Việt Nam cũng nên nghĩ về sản phẩm du lịch công nghiệp để thu hút du khách nước ngoài, trong đó có khách Hàn Quốc. Sản phẩm du lịch công nghiệp Việt Nam có thể kết hợp những công trình công nghiệp, nhà máy sản xuất, nhà máy chế biến nông sản, nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu, các làng nghề nổi tiếng, các sản phẩm thủ công tinh xảo hay khu nông nghiệp công nghệ cao. Tổng cục Du lịch Việt Nam đồng tình rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này thông qua việc khai thác các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trang trại làm nông nghiệp "sạch" và làng nghề truyền thống.
Khách thăm một vườn rau thủy canh đạt chuẩn GlobalGAP tại huyện Củ Chi (TP HCM) Ảnh: Ngọc Ánh
Tại hội thảo "Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao TP HCM" do Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP phối hợp cùng Sở Du lịch TP tổ chức sáng 5-10, bà Phan Yến Ly, Trưởng Phòng Điều hành Khối Du lịch quốc tế Công ty Du lịch Lữ hành Saigontourist, cho biết du lịch nông nghiệp với các dịch vụ cho du khách trải nghiệm trồng rau, gặt lúa, làm đồng… rất hấp dẫn đối với du khách cả trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, Việt Nam còn rất thụ động trong tiếp cận. Chính du khách là người đặt hàng các công ty lữ hành làm sản phẩm du lịch nông nghiệp cho họ.
Cần sự hợp tác, định hướng
Theo các chuyên gia về du lịch, để kiếm được tiền từ mô hình mới mẻ này, rất cần sự định hướng của các cơ quan quản lý, sự hợp tác của các DN sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nhất là sự vào cuộc của các công ty du lịch. Trong lúc hầu hết công ty du lịch còn mơ hồ, chưa tìm thấy cơ hội cũng như tính khả thi của mô hình du lịch công nghiệp tại Việt Nam thì đã có vài DN tiên phong nghiên cứu mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời khai thác mạnh các tuyến du lịch canh nông.
Một số địa phương cũng làm sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao, như: tỉnh Lâm Đồng khai thác mạnh các tuyến du lịch Đà Lạt Xanh, du lịch "Đà Lạt trong tôi"... và đã tạo được sức hút đối với du khách. Tuy nhiên, quá trình khai thác vấp phải một số trở ngại do chương trình không ổn định, cơ sở hạ tầng không bảo đảm, sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng và chủ vườn không mặn mà đón tiếp du khách, hướng dẫn viên chưa am hiểu về các nhà vườn…
Gần đây, TP HCM bắt đầu kết nối hình thành những tour nông nghiệp công nghệ cao. Theo Sở Du lịch TP, các vùng ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… có nhiều lợi thế để phát triển các mô hình và sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp. Ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (huyện Củ Chi), cho biết từ năm 2014 đến nay khu này đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ tham quan hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Chính nhờ những hoạt động này, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tự tin đưa ra nhiều phương án cho các DN du lịch lựa chọn hợp tác khai thác du lịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, do xây dựng sản phẩm du lịch trên nền tảng đầu tư ban đầu cho nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp nên Khu Nông nghiệp Công nghệ cao cần có thời gian xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch cũng như đội ngũ nhân sự biết làm du lịch để khai thác một cách bài bản.
Phát huy thế mạnh đặc trưng của TP HCM
Bà Phan Yến Ly đề xuất xây dựng một số sản phẩm du lịch gắn liền với nông nghiệp trên cơ sở khai thác những thế mạnh đặc trưng của TP HCM, không trùng lắp hoặc sao chép từ các địa phương khác. Muốn làm được như vậy, cần hoàn thiện việc quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp từ cấp quản lý nhà nước; tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các DN du lịch về du lịch nông nghiệp và đào tạo kiến thức du lịch cho nông dân.
Song song đó, kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, trang trại theo đúng tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường mở rộng thị trường và tuyên truyền quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn theo hướng bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;