Học tập đạo đức HCM

Kho báu trên rừng thiêng Na Pá với những cây gỗ nghiến 500 - 600 năm tuổi

Thứ năm - 14/12/2017 03:34
Đứng trên đỉnh dốc cao, gió thổi lồng lộng, từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng rộng lớn trên vòm nhô sông Chảy. Điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là giữa thung lũng Bản Mế rộng lớn, có một khu rừng nổi bật hẳn lên với màu xanh của những cây cổ thụ, dưới đó là một bản nhỏ với mấy chục nóc nhà.

Hỏi người dân thì được biết đó là khu rừng cấm của thôn Na Pá, với những cây nghiến cổ thụ bậc nhất trên thượng nguồn sông Chảy, có cây 500 - 600 năm tuổi.  

Bảo vệ báu vật bằng lệ làng

Nhiều lần ngược dốc lên Si Ma Cai (Lào Cai), tôi đã từng cùng đồng bào Mông xã Nàn Sín lên hái thảo quả dưới tán rừng tống quá sủ cổ thụ, tụt xuống thôn xa xôi nhất vùng đất này là Phìn Chư 3, hay đi sâu vào rừng già Cốc Rế xã Bản Mế, tắm mình trên bãi cát trắng sông Chảy. Tuy nhiên, từ trước đến nay chỉ tận mắt thấy khu rừng gỗ nghiến cổ thụ trên đỉnh Lùng Sui, chứ chưa nghe nói đến rừng nghiến thứ hai ở Si Ma Cai. Lần này trở lại xã Bản Mế, trong câu chuyện tình cờ khám phá ra “kho báu” thứ hai trên thượng nguồn sông Chảy, tôi mừng như bắt được vàng.

10-28-26_110-28-26_2
Thôn Na Pá nằm dưới chân rừng thiêng hàng trăm năm tuổi

Trong gian nhà nhỏ nằm ngay sát chân khu rừng cổ thụ ở thôn Na Pá, ông Nùng Phủng Dùng, một cao niên dân tộc Nùng ở đây bảo khu rừng cây này không biết có từ bao giờ, khi ông còn lẫm chẫm biết đi đã thấy khu rừng với những cây cổ thụ sừng sững vươn cao trên đỉnh núi phía sau nhà. Khu rừng rất đặc biệt, dù mùa đông lạnh giá, khắc nghiệt đến mấy, cây cỏ đều héo khô, chỉ riêng có khu rừng ấy vẫn một màu xanh thẫm.

Tôi theo chân ông Dùng ngược dốc bám đá tai mèo luồn sâu vào khu rừng thâm u tìm “báu vật”. Càng vào sâu, khu rừng càng tĩnh lặng như tờ, có thể nghe thấy tiếng đàn muỗi đói vo ve ngay bên tai, thi thoảng có tiếng sột soạt của những con sóc hay chuột nhỏ đang tìm hạt mầm trong lớp lá khô mục. Đến quá nửa khu rừng, cũng là khi mồ hôi đã thấm áo, hiện ra trước mắt chúng tôi là một gốc cổ thụ đường kính có tới 1,5m, thân cây rêu phong, bong từng lớp vỏ, mọc lên sừng sững vượt lên khỏi tán những cây khác. Ông Dùng bảo đây là cây nghiến tổ to nhất khu rừng này, tuổi đời có lẽ đến 500 - 600 năm. Ngoài ra, trong khu rừng còn có những “cụ nghiến” khác và nhiều loài cây cổ thụ.

Tôi cùng ông Dùng và một anh cán bộ xã Bản Mế nối tay nhau cũng không ôm hết gốc cây nghiến tổ. Ngước mắt nhìn lên, những tia nắng thưa thớt lọt qua tán lá dày xuyên xuống mặt đất rung rinh. Gỗ nghiến là loại gỗ quý, từ trước đến nay bị cánh lâm tặc săn lùng ráo riết, làm không ít rừng nghiến đã bị “chảy máu”, nhưng tại sao khu rừng nghiến ở thôn Na Pá vẫn xanh tốt qua bao đời? Tôi hỏi.

Ông Nùng Phủng Dùng chia sẻ: Khu rừng nghiến này cũng là rừng cấm của thôn. Mỗi cây nghiến được coi như báu vật. Từ thời các cụ ngày xưa đã nghiêm cấm không ai được vào rừng chặt cây, lấy củi, bẻ cành. Người dân ở đây tin rằng ai vi phạm điều này sẽ bị thần rừng trừng phạt nên không ai dám vào rừng cấm linh thiêng.

10-28-26_310-28-26_4
Cây nghiến cổ thụ trong khu rừng cấm
Cách đây chưa lâu, trong 3 ngày cấm bản làm lễ cúng rừng, có một nhóm công nhân khi thi công đoạn mương đào vào sát chân rừng cấm, vi phạm vào luật tục của thôn nên đã phải mua lợn, gà, mời thầy cúng đến làm lễ tạ tội với thần rừng. Đó cũng chính là lý do tại sao sau hàng trăm năm, rừng nghiến Na Pá vẫn xanh tươi như vậy.

Theo thông lệ, vào ngày 30 tháng Giêng và ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm, bà con trong thôn Na Pá lại tưng bừng dâng lễ tạ ơn thần rừng. Riêng lễ cúng rừng Mò Hâu (ngày mùng 2/2) sẽ cấm bản 3 ngày và cứ 3 năm một lần, người Nùng ở Na Pá lại cùng nhau mổ trâu thật linh đình để hiến tế thần linh. Theo lời ông Dùng kể, rừng cấm Na Pá là khu rừng cổ xưa nhất vùng đất này. Xưa kia, khi địa giới các xã chưa chia tách như bây giờ, mỗi mùa xuân đến, người dân khu vực Sín Chéng, Thào Chư Phìn đều nô nức quần tụ về đây làm lễ cúng rừng đông vui như ngày hội.

Đến Na Pá, tôi còn được nghe những chuyện kỳ bí về sự linh thiêng của khu rừng cấm. Tín ngưỡng cúng thần rừng đã trở thành nét tâm linh trong đời sống người dân tộc Nùng ở đây.  

Sức sống trên vùng đất cổ

Thôn Na Pá có 75 nóc nhà, đa số là đồng bào dân tộc Nùng, nằm quần tụ dưới chân rừng thiêng. So với các thôn, bản khác của xã Bản Mế, thì Na Pá được coi là thôn gốc, vì có người dân sinh sống từ rất lâu đời.

Tôi dạo quanh thôn một vòng, điều đặc biệt ở đây là đồng bào Nùng vẫn còn giữ được nhiều nếp nhà với kiến trúc cổ xưa với tường đất dày và mái lợp bằng ngói âm dương cổ. Có những ngôi nhà làm bằng sa mộc, trải qua hơn 30 năm vẫn chưa hư hỏng, mái ngói xếp lớp như vảy cá vẫn còn khá nguyên vẹn. Được biết, cách đây khoảng nửa thế kỷ, ở khu vực Bản Mế có những nghệ nhân làm ngói âm dương cung cấp cho cả vùng Si Ma Cai, tuy nhiên để làm ra loại ngói này rất tốn công sức nên về sau người dân chủ yếu lớp bằng mái proximăng.

Vì ngói âm dương làm bằng đất nung nên độ bền cao, chống được cả mưa đá nhỏ. Những ngôi nhà truyền thống của người Nùng ở Na Pá có tường đất dày, lan can bằng gỗ, mái lợp mái bằng ngói âm dương mang vẻ đẹp vừa thanh thoát, vừa cổ kính, mùa đông ấm áp, còn mùa hè vẫn mát mẻ, thông thoáng. Tuy nhiên, những thôn bản còn nhiều nhà mái ngói âm dương như Na Pá chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

10-28-26_510-28-26_6
Na Pá vẫn còn nhiều ngôi nhà của đồng bào Nùng lợp mái ngói âm dương

Ở nơi vùng đất cổ với những ngôi nhà mái ngói vảy cá, cuộc sống của người dân đã đổi thay nhiều. Trò chuyện với anh Vàng Văn Khương, Trưởng thôn Na Pá, được biết, ở Na Pá bây giờ có những hộ thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm như ông Lèng Văn Sáng, Lù Cồ Binh, Nùng Phủng Binh, Lù Đức Lợi, Lều Cồ Hùng… Thôn tuy còn 32 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), nhưng không có gia đình nào tảo hôn, sinh con thứ 3, không có tệ nạn xã hội. Từ năm 2012, mỗi hộ trong thôn đã đóng góp 200 nghìn đồng để đổ bê tông đường trục thôn. Năm 2016, được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con lại đóng góp ngày công tự xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang.

Mấy năm trở lại đây, đồng bào Nùng ở Na Pá tích cực phát triển kinh tế để thoát nghèo. Người dân đã mở mới 15 ha ruộng lúa nâng tổng diện tích ruộng của thôn lên 40 ha và trồng 60 ha ngô hàng hóa. Đặc biệt, Na Pá có trên 400 con trâu, hơn 60 con bò. Nếu chia cho bình quân tổng số hộ dân, thì mỗi hộ có tới 5 - 6 con trâu, bò. Thời gian qua, bà con đã trồng được 50 ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc...Điều phấn khởi nhất đối với trưởng thôn Vàng Văn Khương là mấy năm qua 100% học sinh trong thôn được đến trường. Na Pá cũng có nhiều cháu là học sinh giỏi, thi đỗ các trường đại học, cao đẳng.

Tôi chia tay Na Pá mà không thể nào quên được hình ảnh những cây nghiến cổ thụ trong khu rừng cấm đang ngày đêm xòe tán rộng xanh tốt che chở cho bản làng nơi đây. Còn trên vùng đất cổ dưới chân rừng thiêng, ngay dưới tán rừng nghiến hàng trăm năm tuổi, cũng có những lớp cây non đầy sức sống cũng đang vươn lên mãnh liệt, đón ánh nắng mặt trời, mở ra một tương lai tươi sáng.

TUẤN NGỌC/nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập823
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại749,457
  • Tổng lượt truy cập93,127,121
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây