Cuộc sống thôi thúc

Đầu năm 2015, Trần Phúc Hậu- chàng trai 29 tuổi ở ấp Bình Thuận, thị trấn Bình Đại (Bình Đại, Bến Tre) đã có một quyết định mang tính đột phá: sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía. Anh Hậu cho biết, nhận thấy nhiều hộ nuôi tôm thâm canh ở địa phương bị thiệt hại lớn do hội chứng gan tụy cấp tính EMS trong tôm nuôi nhưng họ chỉ biết sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh để phòng trị bệnh.

Cách thức trên không mang lại hiệu quả rõ rệt trong khi chi phí rất cao, hơn nữa tạo ra những sản phẩm tôm nguyên liệu không sạch. Qua tìm hiểu, anh biết được có nông dân ở Bạc Liêu sử dụng chế phẩm vi sinh sản xuất từ bột bã mía, anh đến tận nơi tìm hiểu, học hỏi.

Theo lời anh, thời gian đầu các hộ nuôi tôm rất dè dặt trong việc sử dụng chế phẩm vi sinh từ bột bã mía sạch của anh để phòng chống dịch bệnh cho tôm. Tuy nhiên, qua thời gian kiểm chứng, tư vấn tại ao tôm, các hộ nuôi đã mạnh dạn áp dụng mô hình phòng bệnh sinh học này.

Anh Hậu cho rằng, phòng dịch bệnh cho tôm bằng cách này sẽ làm thay đổi tập quán canh tác lạm dụng hóa chất, kháng sinh vào việc nuôi tôm thâm canh ở địa bàn tỉnh Bến Tre và dần mở rộng trong khu vực Tây Nam bộ.

Đồng thời, tiết giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, an toàn cho môi trường và tạo ra sản phẩm sạch theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phục hồi độ phì nhiêu của đất đai, phân hủy các chất độc tích tụ lâu năm do sản xuất truyền thống, đáp ứng tính bền vững cao cho ngành nông nghiệp tương lai.

 
Khởi nghiệp từ nhu cầu cuộc sống - ảnh 1
Anh Trần Phúc Hậu (giữa) đang tư vấn cho khách. Ảnh: Hòa Hội.

Hai chàng trai Cao Thanh Hùng và Võ Minh Nhựt (ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre) lại khởi nghiệp từ việc phát triển cây dược liệu, cụ thể là trồng cây đinh lăng. Anh Võ Minh Nhựt cho biết, đinh lăng thu hoạch có thể quanh năm và tận dụng hết từ rễ, thân, lá và có tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe nên rất được ưa chuộng.

Trong khi đó, loại cây này chịu hạn tốt, thích hợp phát triển ở vùng đất cát pha, ít sâu bệnh nên rất dễ trồng và phát triển. Không chỉ nhằm làm giàu cho mình, cả hai còn hướng đến mục tiêu mong muốn hỗ trợ người nghèo tăng thu nhập.

Với mong muốn đó, cả hai không chỉ hỗ trợ, giúp bà con nâng cao kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng đinh lăng mà còn thành lập tổ hợp tác sản xuất. Hiện tại, toàn bộ sản phẩm của tổ hợp tác được được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên đầu ra và nguồn thu nhập khá ổn định.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre cho biết, cả hai dự án trên đã được Ban tổ chức cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ nhất - năm 2017 ghi nhận và trao giải Nhất.

Trong cuộc thi này, nhiều ý tưởng, dự án dự thi mang tính khả thi, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt Dự án Phát triển cây dược liệu đinh lăng - Hỗ trợ người nghèo tăng thu nhập là một trong những dự án hướng đến cộng đồng cần được khuyến khích mở rộng.

Các dự án khác cũng được Ban tổ chức đánh giá cao như tận dụng phế phẩm trong sản xuất dừa trái tươi tạo ra giá thể trồng lan và một số sản phẩm phục vụ nông nghiệp (của Lương Hoàng Minh); sản xuất kem đánh răng an toàn từ dầu dừa và tro trấu với chi phí thấp (của Lê Nguyễn Ngọc Duyên)...

Chung tay từ những vườn ươm khởi nghiệp

Phát biểu tại ngày hội Đồng khởi khởi nghiệp ở Bến Tre vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong các bạn trẻ ở Bến Tre cố gắng vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu tìm tòi, học hỏi. Đặc biệt, cần am hiểu một cách đúng đắn về khởi nghiệp và hiện thực hóa những ước mơ, hoài bão của mình.

“Khởi nghiệp không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao; cũng không nhất thiết bắt đầu từ những điều lớn lao mà từ những công việc giản dị, điều bình thường” - Thủ tướng nhắn nhủ. Thủ tướng cho rằng, “Khởi nghiệp luôn bắt đầu từ ý tưởng mới, dù nhỏ hay lớn đều đáng quý” đồng thời kêu gọi các bạn trẻ, sinh viên, thanh niên nông thôn trang bị cho mình những nền tảng tốt nhất để sau này mỗi bước chân khởi nghiệp đều vững vàng. Thủ tướng lưu ý: “Khởi nghiệp đòi hỏi phải dấn thân nhưng đừng dấn thân một mình. Hãy tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp, qua đó trao đổi và hợp tác. Cần chung tay xây dựng nhiều hơn nữa những vườn ươm khởi nghiệp có sự hợp tác từ các bạn”.

Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, sau một năm triển khai chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp đã thu được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong nhân dân, doanh nghiệp và cán bộ đảng viên. Tỷ lệ hộ thoát nghèo tăng hơn, hộ kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng trên 30%, đã xuất hiện một số dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương bước đầu được hình thành qua ba trụ cột, gồm: Những người khởi nghiệp; các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, chính sách khởi nghiệp; các nguồn lực cho khởi nghiệp. Về cộng đồng khởi nghiệp, đến nay tỉnh có gần 3.200 doanh nghiệp, trong đó có gần 100 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trong năm qua, đã thành lập 3 nhóm ý tưởng khởi nghiệp, 1 Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp tiên phong và 1 Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu. Cộng đồng này không ngừng được bổ sung và mở rộng. Về nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, tỉnh đã thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp với 100% kinh phí do doanh nghiệp đóng góp và điều hành. Quỹ có chức năng hỗ trợ kinh phí ban đầu, hỗ trợ lãi suất và sắp xếp nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp.

Gần đây, UBND tỉnh vừa thành lập Hội đồng Bảo trợ khởi nghiệp để bảo trợ và đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. “Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Đảng bộ tỉnh Bến Tre; thể hiện sự quyết tâm nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới” - ông Mãi chia sẻ.   

“Khởi nghiệp không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn tìm kiếm lợi nhuận cao. Khởi nghiệp cũng không nhất thiết bắt đầu từ những điều lớn lao mà từ những công việc giản dị, điều bình thường”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc