Cần tới 200 triệu tấn phân bón hữu cơ
Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Tính trên đơn vị diện tích thì lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000 kg/ha, hiệu quả sử dụng phân bón nói chung chỉ đạt 45-50%.
Việt Nam có điều kiện thuận lợi để sản xuất, đồng thời cũng có nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ rất lớn. Ảnh: I.T
"Riêng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn, bên cạnh đó có phân bùn, là những cơ sở hết sức thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ”. Bộ trưởng NNPTNT |
Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Trong khi đó, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng còn có tác dụng cải thiện chế độ mùn, điều hoà dung dịch trong đất, cải thiện hệ vi sinh vật đất, giảm rửa trôi, giảm bốc hơi, tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ còn khai thác tiềm năng rất lớn về tận dụng phế, phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), tính đến tháng 12.2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp đã đăng ký trong giấy phép sản xuất phân bón là 713 sản phẩm. Hiện nay toàn quốc có 180 cơ sở đã được cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ, tổng công suất là 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 8,5% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm).
Mục tiêu đẩy mạnh phát triển phân bón hữu cơ, theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV, nhằm sử dụng tối đa phế, phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nội tiêu; tăng tỷ lệ sản phẩm và tỷ trọng sử dụng phân bón hữu cơ. Đồng thời qua đó xây dựng ngành phân bón với cơ cấu, phân bố hợp lý, phát huy hiệu quả các khu, cụm sản xuất tập trung, đáp ứng về cơ bản nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp và hướng tới xuất khẩu một số loại phân bón trên cơ sở đầu tư chiều sâu.
Đánh giá về nhu cầu, thị trường sử dụng phân bón hữu cơ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Chỉ tính riêng thị trường Việt Nam là rất lớn, chúng ta có 10 triệu ha đất canh tác, có hơn 20 triệu ha lượt đất canh tác, nếu bình quân mỗi ha sử dụng 10 tấn phân hữu cơ, chúng ta cần trong tương lai hơn 200 triệu tấn phân bón hữu cơ. Đến thời điểm này Việt Nam đã có 43.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều bà con bón phân hữu cơ trong sản xuất.
Về nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, chúng ta có nhiều thuận lợi, riêng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn, bên cạnh đó chúng ta có phân bùn. Đây là những cơ sở hết sức thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ.
Nhân rộng mô hình bón phân hữu cơ
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nước ta có điều kiện rất thuận lợi để sản xuất phân hữu cơ và phân bón hữu cơ đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ độ phì nhiêu cũng như sức sản xuất của đất.
Tuy nhiên, người nông dân chưa có định hướng, tập huấn bài bản về tác dụng của phân bón hữu cơ, cách thức phối hợp cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ. Nông dân cũng có rất ít cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu về các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ cân đối hiệu quả.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Lam –Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cho rằng: “Quan trọng là coi trọng lợi ích của người nông dân, phải làm các mô hình chứng minh sản phẩm này đem lợi ích cho nông dân thì họ sẽ sử dụng. Tập đoàn Quế Lâm đang xây dựng các mô hình sản xuất liên kết với nông dân, lo đầu vào đầu ra cho nông dân, cam kết với nông dân không sử dụng hóa chất, không lạm dụng phân bón. Chúng tôi đã tạo ra mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, được nông dân tin tưởng và tham gia tích cực”.
Cũng theo đánh giá của Cục BVTV, việc nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả để nông dân tiếp cận là cách làm thiết thực mà các công ty, doanh nghiệp cần thực hiện. Hiện nay trên cả nước có nhiều mô hình đã được triển khai như mô hình canh tác hữu cơ lúa – tôm có sử dụng phân bón hữu cơ tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; mô hình sản xuất và sử dụng chất thải chăn nuôi dạng lỏng làm phân hữu cơ ở quy mô nông hộ đối với cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực và cây rau màu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bến Tre, Đồng Nai…
Đến thời điểm này đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón chuyển hướng mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Tập đoàn Con Cò Vàng là một trong những đơn vị tiên phong phát triển dòng phân bón hữu cơ nhiều năm qua. Bà Nguyễn Kim Thoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn Con Cò Vàng cho biết: “Hiện nay Con Cò Vàng đang cung cấp ra thị trường rất nhiều sản phẩm phân bón, trong đó có các sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng. Bón phân hữu cơ cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản, đem lại giá trị cao cho người nông dân. Thời gian tới, chúng tôi dành riêng một nhà máy 11ha để sản xuất phân bón hữu cơ. Chúng tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ chính sách, ưu tiên về vốn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện sản xuất phân bón hữu cơ trong thời gian tới”.
PGS - TS Mai Văn Trịnh - Viện Môi trường nông nghiệp: Cần nghiên cứu hệ thống thu gom phế thải để sản xuất phân hữu cơ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;