Chiều nay, 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên quan trọng của quốc gia, là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên tình hình sử dụng đất lâm nghiệp ở các nông – lâm trường hiện chưa thực sự hiệu quả, nhiều nơi còn rất lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn).
ĐB Nguyễn Lâm Thành cho biết, theo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, sau một thời gian thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị quyết số 112/2015/QH13 về quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, hiện trên cả nước có khoảng 9 triệu ha đất nông lâm nghiệp, trong đó hơn 8 triệu ha được giao cho 745 tổ chức sử dụng, quản lý; còn lại hơn 1 triệu ha do các hộ gia đình, cá nhân, UBND xã quản lý.
Thời gian qua Chính phủ, bộ ngành địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, giải quyết các vấn đề vướng mắc, liên quan đến đất NLN, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai nhưng vẫn còn một số tồn tại.
Một là công tác quản lý, rà soát các diện tích đất đai chưa hoàn thiện, hiện mới rà soát đo đạc, cắm mốc được hơn 2 triệu ha của hơn 252 công ty NLN, đạt 22% tổng diện tích; mới có 11 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất; có tới 65,9% công ty chưa lập được phương án sử dụng đất hoặc chưa được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất phần giữ lại.
Thứ hai, việc chuyển đổi và xây dựng phương án sử dụng đất của một số công ty chưa hiệu quả, điển hình là có công ty NLN giữ lại diện tích đất quá lớn, hàng chục nghìn ha mà nguồn nhân lực thì lại rất mỏng.
Ông Thành cho rằng, các công ty NLN mặc dù đã rà soát, sắp xếp lại nhưng thực tế chưa đổi mới về mô hình hoạt động và quản trị doanh nghiệp, mà vẫn cho thuê, cho mượn đất, áp dụng liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư, hoặc sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng quỹ đất giữ lại, thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”.
Ba là, việc tiếp nhận, bàn giao đất về địa phương còn chậm, thời gian kéo dài, lúng túng phương án xử lý. Hiện mới có 524.000ha được xây dựng phương án sử dụng đất; tỉ lệ giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào thiếu đất còn chậm, chỉ đạt khoảng 15%, song phần lớn mới là hợp thức hoá diện tích đất đã được giao trước đây, hoặc phần tranh chấp. Phần đất cấp mới chủ yếu là đất xấu, ở xa, không thuận lợi cho sản xuất.
Bốn là tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, đòi lại đất, vi phạm về lấn chiếm đất đai, vi phạm đất rừng chậm được xử lí, chưa được giải quyết triệt để. Nhiều vụ việc còn kéo dài chưa có biện pháp xử lí.
Người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Theo ĐB Thành, đáng chú ý là việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lí tài chính về đất đai NLT còn chậm, còn nhiều bất cập, chưa làm hết các quy định của chính sách.
"Việc xác định không rõ loại đất, không rõ diện tích để làm cơ sở cho các khoản thu, việc chuyển đổi việc giao đất từ hình thức giao đất không thu tiền sang hình thức cho thuê đất còn chậm, có nơi giao nhiều năm nhưng không tiến hành hợp đồng thuê đất, giá thuê đất rất thấp, chỉ có 26.000 đồng/ha/năm, đã làm thất thoát nguồn ngân sách lớn của nhà nước. Đặc biệt là có đơn vị sử dụng 40.000ha đất rất tốt nhưng chỉ nộp 900 triệu đồng tiền thuê đất" - ĐB Thành cho biết.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo ĐB Thành, chính sách tài chính là điểm mấu chốt làm các công ty NLN cố tình giữ lại đất trong khi nguồn lao động hạn chế, dẫn tới buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng xâm lấn, cho thuê, cho mượn, giao khoán, phát canh và thu tô.
Từ tình hình trên, ĐB Nguyễn Lâm Thành kiến nghị, đối với các địa phương, cần tiếp tục thực hiện việc thẩm định phương án sử dụng đất ở các công ty NLN, đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch của địa phương, trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, hợp lý.
Tiếp tục giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, sắp xếp, quy hoạch đất đai đồng bộ, một số khu vực có thể hình thành các điểm dân cư mới cho đồng bào định cư, gắn với việc sắp xếp, bố trí lại dân cư đối với người thiếu đất.
ĐB Nguyễn Lâm Thành đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá việc đổi mới mô hình hoạt động, quản lý của các công ty NLN. Nghiên cứu rà soát, sửa đổi các văn bản chính sách liên quan để tháo gỡ vướng mắc về quản lý, phương thức hoạt động của các công ty NLN; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; nâng định mức giá cho thuê đất; bố trí đủ nguồn lực cho công tác đo đạc và tiến hành kiểm toán với các công ty NLN.
Tác giả bài viết: Theo Minh Huệ (Báo Dân Việt)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã