Học tập đạo đức HCM

Loại hình du lịch homestay ở Sa Pa hấp dẫn du khách

Thứ năm - 01/02/2018 02:31
Mùa Xuân đang tràn về trên các bản làng vùng cao Tây Bắc, hoa đào, hoa mận trắng đã bắt đầu nở, tô thắm thêm màu sắc của núi rừng. Đặc biệt, trong những ngày đầu năm mới 2018, nhiều bản làng của huyện Sa Pa (Lào Cai) thu hút rất đông du khách tới tham quan, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nơi đây. Dịch vụ homestay ở Tả Van, Lao Chải, Tả Phìn luôn kín khách du lịch trong và ngoài nước đến lưu trú.

Du lịch “ba cùng” hút khách 

Homestay (lưu trú tại gia) là một loại hình dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương. Đến đây, du khách sẽ được ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động) tại nhà dân để khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo. 

Nằm ở thung lũng Mường Hoa, dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, xã Tả Van cuốn hút du khách ngay từ những khung cảnh thiên nhiên đầu tiên trên đường tới các thôn. Nằm giữa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, dãy núi cao trùng điệp gối lên nhau, nhiều ngôi nhà ở Tả Van vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ lấp ló dưới màu xanh của núi rừng. 

Từ thị trấn Sa Pa, chúng tôi đi khoảng 7km tới ngôi nhà sàn theo kiểu người Tày của ông Hoàng Văn Mục, người đầu tiên khởi xướng làm homestay ở xã Tả Van. Ở góc sân của căn nhà, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh trẻ em người nước ngoài nô đùa rất tự nhiên, vui vẻ, thân thiện với những đứa trẻ người dân tộc thiểu số, như thể sống gần nhau từ nhỏ. Phía trong của căn nhà đang rôm rả lời giới thiệu của các hướng dẫn viên người địa phương về một số sản phẩm thổ cẩm của dân tộc mình được bày bán cho du khách. 

“Tôi biết đến Sa Pa từ một vài người bạn từng đi du lịch ở đây, trở về họ dành rất nhiều lời khen ngợi về thiên nhiên cũng như nét văn hóa độc đáo của Việt Nam. Mong muốn cho con cái đón một cái Tết thật khác biệt cũng như tận hưởng những ngày đầu năm ở một vùng quê, gia đình tôi đã chọn tour du lịch homestay để có thể nghỉ tại nhà dân trong bản làng, tìm hiểu văn hóa cũng như tập quán vùng miền của họ,” anh Patrick O’Regan đến từ New Zealand chia sẻ. 

Ông Hoàng Văn Mục cho biết năm nay khách đến Sa Pa rất đông, cách đây một tháng toàn bộ chỗ nghỉ đã được đặt kín trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, còn vài ngày sau hầu như khách nước ngoài cũng đã đặt gần kín phòng. Lượng khách đông, gia đình vẫn giữ mức giá niêm yết, chuẩn bị chăn, ga, đệm mới, bổ sung thức ăn để phục vụ tốt nhất cho du khách. Đồng thời, gia đình luôn nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch từ giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đến vệ sinh nhà cửa, bản làng sạch sẽ. Về ẩm thực luôn chú trọng các món ăn dân tộc từ nguyên liệu vườn nhà để thu hút và giữ chân du khách, nhất là người nước ngoài đến lưu trú. 

Nhiều dịch vụ gắn với văn hóa bản địa 

Đặt vé ôtô qua trang Book Vietnam Bus Ticket Online từ 4 tháng trước, được xe ôtô đón từ sân bay Nội Bài đến Sa Pa rồi thuê xe taxi đến homestay "The littler H’Mong House" của chị Bùi Thi Oanh, thôn Giàng Tà Chải Mông, xã Tả Van, anh Dev Dervesh, du khách đến từ Ấn Độ hào hứng cho biết, trải qua 3 ngày đầu của năm 2018 tại đây, anh thấy thực sự thú vị với những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Anh rất ấn tượng với người dân bản xứ và dự kiến sẽ ở thêm khoảng 3 ngày nữa cho chuyến du lịch Việt Nam. 

“Không cần quá cầu kỳ, ngôi nhà truyền thống bằng gỗ của mình tôi chỉ sửa sang nhà tắm và khu vệ sinh rồi đầu tư chăn, ga, gối, đệm, sau đó phối chúng từ sản phẩm thổ cẩm. Ở đây, du khách có thể cùng nấu ăn, sinh hoạt, trải nghiệm cuộc sống thường ngày cùng gia đình. Cơ sở của tôi có nhiều loại phòng tùy theo nhu cầu của khách với mức giá từ 100.000-500.000 đồng/đêm, bao gồm cả bữa sáng. Homestay của gia đình có thể đón tối đa 30 khách lưu trú, trong những ngày đầu năm ngày nào cũng kín phòng,” chị Bùi Thị Oanh cho biết. 

Vừa trải qua 3 đêm tại homestay ở Tả Phìn, du khách Nguyễn Phương Nam đến từ Bình Dương cho biết: “Nghỉ tại nhà dân nhưng chỗ ở rất sạch sẽ, thoải mái và tương đối chuyên nghiệp. Sống chung với chủ nhà nhưng chúng tôi vẫn có không gian riêng, được tự tay đốt lửa, nướng đồ ăn và cảm nhận theo cách của riêng mình. Đây thực sự là một lựa chọn hợp lý cho những ai còn trẻ, thích thoải mái, thích trải nghiệm những điều mới lạ." 

Bên cạnh những mô hình lưu trú tại gia truyền thống, cũng xuất hiện một số doanh nghiệp đầu tư homestay ở Tả Van theo phương thức hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên cái hồn của văn hóa bản địa thu hút khá đông du khách. Ông Đỗ Trọng Nguyên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch khám phá Việt cho biết, tại Lá Dao Spa Tả Van, ngoài việc cho khách đến lưu trú theo hình thức homestay ở đây còn có thêm một số dịch vụ như tắm lá thuốc của người Dao, thưởng thức những món truyền thống của đồng bào Mông, Giáy... 

Mỗi ngày tại đây đón khoảng 10 khách nghỉ homestay, 30 khách sử dụng các dịch vụ khác. Homestay ở Sa Pa đang tạo nên một sức hút riêng, đặc biệt là dành cho những du khách thích trải nghiệm hình thái du lịch cộng đồng đầy bản sắc. Những nét độc đáo khi ăn, ở, sinh hoạt với người dân địa phương đã mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị. 

Ông Lê Mạnh Hảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa, cho biết hiện huyện Sa Pa có gần 500 cơ sở lưu trú với tổng số 6.000 phòng; trong đó, 174 cơ sở lưu trú tại gia ở các thôn thuộc các xã Tả Van, Lao Chải, Hầu Thào, Nậm Sài, Tả Phìn, Bản Hồ, Thanh Phú và Thanh Kim với 2.800 giường. Các cơ sở lưu trú có thể đón được gần 3.000 khách qua đêm mỗi ngày. 

Theo ông Lê Mạnh Hảo, huyện Sa Pa đang chú trọng hình thái du lịch cộng đồng, một thế mạnh của địa phương nhằm giảm tải lượng khách đổ về thị trấn trong một số dịp nghỉ lễ. Việc phát triển du lịch cộng đồng homestay thuận lợi cũng sẽ mang lại thêm thu nhập cho người dân và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương./. 

HỒNG NINH-CAO HƯƠNG/vietnamplus.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập547
  • Hôm nay93,274
  • Tháng hiện tại829,384
  • Tổng lượt truy cập93,207,048
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây