Học tập đạo đức HCM

"Mình phải là tấm gương sáng để con cháu noi theo..."

Chủ nhật - 02/10/2016 11:13
Đến thôn Quảng Mản, xã Bình Khê, TX Đông Triều, tôi được nghe mọi người nói khá nhiều về mô hình trang trại, phát triển kinh tế của hộ gia đình ông Nguyễn Đức Đào. Nhưng thú thực khi đến nơi, tôi thực sự choáng ngợp bởi màu xanh tươi tốt của những vườn đào, cam, quất cảnh và mô hình chăn nuôi lợn hiện đại của gia đình.

Ông Nguyễn Đức Đào năm nay đã 78 tuổi, có dáng người nhỏ nhắn, dù sức khoẻ có phần giảm sút nhưng hàng ngày thú vui quen thuộc của ông vẫn là chăm sóc vườn cây cảnh, kiểm tra chuồng trại chăn nuôi và động viên con cháu tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ông là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi của xã Bình Khê nói riêng và TX Đông Triều nói chung. Gần đây nhất, vào cuối tháng 8-2016, trong Lễ tổng kết phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2011-2016, ông Nguyễn Đức Đào vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ giữa vùng trang trại, bên tách trà nóng, tôi cảm nhận được rõ sự mộc mạc, chân tình của ông.

Ông Nguyễn Đức Đào (bên trái) trò chuyện với ông Trần Tất Sở, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bình Khê.
Ông Nguyễn Đức Đào (bên trái) trò chuyện với ông Trần Tất Sở, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bình Khê.

+ Để có được thành quả hôm nay, tôi phải đánh đổ mồ hôi, công sức và bao tâm huyết. Không phải là người dân bản địa, quê tôi ở huyện Thanh Miện, Hải Dương. Tôi ra Quảng Ninh lập nghiệp khá muộn. Đó là vào năm 1989, lúc đó tôi đã  51 tuổi (SN 1938), tôi theo một số người trong làng ra Quảng Ninh, cụ thể là xã Bình Khê này để xây dựng kinh tế mới. Cách đây gần 30 năm, vùng đất này đâu được như bây giờ. Bình Khê đồi núi còn hoang vu lắm, cỏ cây mọc um tùm, thỉnh thoảng mới có nhà dân ở... - ông Đào cởi mở cho biết.

- Như vậy, ngày mới đầu ra đây lập nghiệp, chắc hẳn gia đình ông gặp không ít khó khăn?

+ Lúc đầu khi ra đây, với số tài sản là thóc lúa dành dụm bao năm làm nông nghiệp tích cóp được ở quê, chúng tôi bán hết lấy tiền mua mảnh đất này và bắt tay vào tăng gia sản xuất. Đất đai ở đây bạc màu, giao thông đi lại không thuận lợi, do vậy rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Cũng khá may mắn, vốn tích luỹ được ít kinh nghiệm làm nông nghiệp ở quê, vợ chồng tôi bắt tay vào cải tạo đất đai, trồng hoa màu, chủ yếu là trồng su hào, bắp cải. Mới đầu, do không có cây giống, thỉnh thoảng, tôi lại phải đạp xe mấy chục cây số về Hải Dương mua giống cây rồi các loại phân bón mang ra đây để trồng trọt. Hồi đó ở Bình Khê, bà con chưa trồng nhiều hoa màu, sản phẩm làm ra chúng tôi mang đi tiêu thụ cũng khá dễ dàng. Thời gian trôi qua, cũng phải mất khoảng 2-3 năm đầu vất vả, rồi công việc nhà nông cũng thuận lợi hơn, chúng tôi mở rộng diện tích trồng hoa màu và chăn nuôi vài con lợn để tăng thêm thu nhập. Với bản chất của người nông dân quen với lao động chân tay, không ngại khó, ngại khổ, chúng tôi đều vượt qua những trở ngại để xây dựng kinh tế gia đình.

- Được biết, gia đình ông là một trong những hộ tiên phong trong việc chuyển đổi diện tích ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại hoa, cây cảnh?

+ Được sự giúp đỡ của địa phương trong việc tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, hướng dẫn chọn giống cây trồng hợp lý, đúng thời vụ, cách chăm sóc cây hiệu quả, gia đình tôi cũng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại hoa ly, hoa cúc, hoa dơn... Loại cây này, mới đầu cũng mang lại hiệu quả khá cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trồng hoa được vài năm, tôi và các con lại tiếp tục mày mò, học tập kinh nghiệm ở một vài nơi, trồng thêm cây cảnh đào và quất. Có lẽ do thổ nhưỡng thích hợp, các loại cây này phát triển rất nhanh, thuận lợi, cho thu nhập cao. Hiện tại, trang trại của tôi có khoảng 2.000 cây đào, quất, cam cảnh. Vào vụ cuối năm thu hoạch được khoảng vài trăm triệu đồng. So với trồng hoa, các loại cây cảnh này cho thu nhập cao hơn. Vì vậy, cách đây 3 năm, gia đình tôi không trồng các loại hoa nữa mà chuyển hẳn sang trồng cây cảnh phục vụ dịp Tết.

Ông Nguyễn Đức Đào đang chăm sóc vườn đào, chuẩn bị cho vụ Tết.
Ông Nguyễn Đức Đào đang chăm sóc vườn đào, chuẩn bị cho vụ Tết.

- Thế còn mô hình trang trại lợn, ông bắt đầu từ khi nào?

+ Lúc đầu gia đình tôi cũng chỉ chăn nuôi với quy mô nhỏ, từ vài con rồi đến vài chục con lợn, nhưng được sự động viên của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi đạt hiệu quả cao, khoảng chục năm nay, gia đình tôi chuyển sang chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn, lên đến hàng nghìn con. Để công việc thuận lợi, đạt hiệu quả, gia đình tôi luôn tham khảo, học hỏi kinh nghiệm về hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, qua đó áp dụng ngay vào việc xây dựng hệ thống chuồng trại liên hoàn, từ máng ăn cho lợn đến nước uống đều được tự động hoá nhằm giảm tối đa chi phí công lao động; đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và nguồn thức ăn nên đàn lợn của gia đình rất chóng lớn, được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ ổn định.

Cuối năm 2015, khu chăn nuôi tập trung ở xã Bình Khê hoàn thành sử dụng, gia đình tôi đã chuyển dần ra vùng chăn nuôi tập trung. Khu chăn nuôi mới có đường giao thông đi lại thuận tiện, có đầy đủ điện thắp sáng, nước sinh hoạt và mương thoát nước. Hiện nay, trung bình trang trại của gia đình thường xuyên có khoảng 2.000 con từ lợn nái, lợn giống đến lợn thịt. Trong quá trình sản xuất, gia đình tôi tạo việc làm cho khoảng 10 lao động

- Được biết, không chỉ tham gia phát triển kinh tế, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội, đặc biệt là công tác dân vận?

+ Tôi đã làm Chi hội trưởng Người cao tuổi của thôn Quảng Mản đã được 13 năm và làm Phó ban dân vận của thôn được 8 năm. Đầu năm 2016, tôi mới chính thức nghỉ ngơi. Trong từng ấy năm tham gia công tác xã hội, tôi có nhiều chuyện đáng nhớ. Tôi xin kể một chuyện cụ thể như sau:

Đó là vào năm 2012, Đông Triều phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân làm đường giao thông, huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân. Thôn Quảng Mản chúng tôi có một đoạn đường đất tương đối khó đi, tôi cùng các đồng chí cán bộ trong thôn đã vận động bà con ủng hộ kinh phí, bê tông hoá con đường này. Lúc đó, tôi trực tiếp đến từng nhà dân vận động các gia đình đóng góp, mỗi khẩu là một triệu đồng. Với số tiền thu được hơn 170 triệu đồng của bà con trong thôn cùng với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, chúng tôi đã hoàn thành con đường bê tông dài gần 1km, rộng 3,5m, cải thiện điều kiện đi lại cho bà con trong thôn. Riêng bản thân gia đình tôi tự nguyện hiến gần 800m2 đất, phá dỡ tường rào gạch để mở rộng đường. Bây giờ đi trên con đường bê tông sạch sẽ, mọi người trong thôn ai cũng vui vì có sức đóng góp của mình trong đó.

- Ông có thể chia sẻ một chút về gia đình mình?

+ Như tôi đã nói ở trên, tôi năm nay 78 tuổi, bà lão nhà tôi kém tôi 5 tuổi. Chúng tôi có 7 người con, các con tôi đều làm nông nghiệp, chỉ có duy nhất đứa con út đang sống tại Nga. Hiện tại tôi đã có 20 đứa cả cháu lẫn chắt. Vợ chồng chúng tôi đang sống với vợ chồng người con trai thứ ba (37 tuổi). Bây giờ, tuổi đã cao, sức đã yếu không còn trực tiếp tham gia lao động, sản xuất được nhiều như trước, toàn bộ công việc tôi giao lại cho con trai quản lý, nhưng hàng ngày tôi vẫn phải dành ra vài tiếng đồng hồ để chăm sóc cho vườn cây, ao cá, thăm trang trại chăn nuôi. Lao động tôi thấy người khoẻ mạnh, sảng khoái hơn. Trong cuộc sống đời thường, tôi luôn tâm niệm, mình phải là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Tôi luôn nhắc nhở con cháu làm giàu bằng sức lao động, sống có nghĩa, có tình, xây dựng gia đình văn hoá...

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Nhân dịp ngày Người cao tuổi 1-10, chúc ông luôn mạnh khoẻ.

Theo Báo Quảng Ninh

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập154
  • Hôm nay17,469
  • Tháng hiện tại972,997
  • Tổng lượt truy cập93,350,661
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây